Quê tôi chống dịch Covid-19

Các gia đình đều có ý thức nhắn nhủ con em đi làm ăn, công tác ở xa, nhất là những địa phương có người mắc Covid-19 ở lại tránh dịch tại chỗ, không nên về quê trong dịp này.

Tôi gọi điện về quê báo mẹ ngày nghỉ sẽ về thăm nhà. Nghe thế mẹ tôi ngăn lại: “Thôi con ơi, cứ ở yên trên ấy. Giờ con về lại làm khó cho làng, cho xã”.

Tôi thực sự ngạc nhiên vì bình thường, mẹ lúc nào cũng ngóng tôi về, cứ lâu lâu không thấy con về mẹ lại gọi điện hỏi. Thì ra ở quê tôi, tinh thần chống dịch Covid-19 đang thực sự quyết liệt.

Mẹ kể, kể từ khi Thanh Hóa có ca dịch đầu tiên, ý thức phòng tránh dịch của mọi người rất cao. Việc chống dịch được đội ngũ y tế phối hợp với trưởng thôn/xóm quản lý khá chặt đến từng nhà. Gia đình nào có người đi ra địa phương khác và từ nơi khác đến, đều được cán bộ thôn, xã nắm rất chắc.

Nhất là sau khi phát hiện ca 17 và liên tiếp các ca mắc Covid-19, trong đó có Hà Nội thì việc kiểm soát dịch bệnh lại càng được làm chặt chẽ hơn bao giờ hết. Các gia đình đều có ý thức khuyên nhủ con em đi làm ăn, công tác ở xa, nhất là những nơi có người mắc Covid-19 ở lại tại chỗ tránh dịch, không nên về quê trong dịp này.

Minh chứng khá rõ là khi xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) với ý thực tự giác, trung thực khai báo của người dân, sau 14 ngày cách ly, đến nay không có thêm ca nhiễm mới.

Minh chứng khá rõ là khi xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) với ý thực tự giác, trung thực khai báo của người dân, sau 14 ngày cách ly, đến nay không có thêm ca nhiễm mới.

Còn nếu ai có việc cần thiết hay bất đắc dĩ phải đi ra các địa phương khác (hay những người ở địa phương khác về), gia đình đều tự giác khai báo với cán bộ thôn. Những người ở nơi khác về đều được cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, mỗi ngày y tế xã xuống tận nhà đo thân nhiệt, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ báo cáo để đưa đi cách ly ở mức độ cao hơn theo quy định.

Từ khi có dịch, những chiếc loa ở thôn/xóm hoạt động thường xuyên. Mỗi ngày 2 lần, trên loa thông báo về việc kiểm soát dịch bệnh, hướng dẫn cách phòng tránh, kiểm soát dịch bệnh, khuyến cáo mọi người tránh tụ tập đông người, thông báo những gia đình đang có người ở địa phương khác để mọi người cùng nắm được.

Mẹ rất nhớ và lo cho con cháu nhưng khuyên chúng tôi nên ở lại Hà Nội, vì giờ dịch đang diễn biến phức tạp, việc di chuyển trên tàu xe cũng có thể khiến lây lan dịch bệnh. Khi có người ở nơi khác về địa phương, cũng làm khó cho địa phương khi họ phải thêm gánh nặng kiểm soát dịch bệnh.

Không chỉ mẹ tôi, mà nhiều người ở quê cũng khá nghiêm túc trong việc phòng chống dịch vì họ đều hiểu được diễn biến phức tạp, mức độ lây lan và sự nguy hiểm khi chẳng may có người mắc Covid-19. Thế mới có chuyện, trong xóm nhà nào có người ở nước ngoài về nhưng không khai báo, nhất là khi người này có biểu hiện ho và mệt mỏi, hàng xóm liền khuyên gia đình này khai báo ngay để được tư vấn của y tế. Khi nhà đó không nghe, mọi người phải báo cáo để y tế xã đến tận nơi, có biện pháp cách ly. Mới đầu, gia đình bị cách ly khá ấm ức, nghĩ rằng hàng xóm không thiện chí, nhưng sau 14 ngày cách ly, họ đã hiểu ra và cảm ơn từng người vì thấy rằng làm như vậy trước hết là tốt cho gia đình họ, cùng với đó là bảo vệ mọi người xung quanh, tránh dịch lây lan khó kiểm soát.

Vì thế, sau những chuyện như vậy, việc khai báo, phòng chống dịch ngay trong mỗi con người ở quê tôi đã như một thói quen, ai ai cũng tích cực thực hiện.

Ngay từ đầu, nếu ai cũng có ý thức, trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng thì chắc chắn dịch không thể diễn biến phức tạp. Minh chứng khá rõ là ở xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) khi đang là "điểm nóng" về dịch, họ đã khá bình tĩnh, đoàn kết và tuân thủ quyết định cách ly. Với ý thực tự giác, trung thực khai báo của người dân Sơn Lôi, sau 14 ngày cách ly, ở đây không có thêm ca nhiễm mới. Đến nay, khi mà nhiều địa phương có người mắc Covid-19, thì Sơn Lôi vẫn không có người bị mắc.

Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của cộng đồng và các cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch, thì vẫn còn những hành vi thiếu ý thức, vô trách nhiệm, không khai báo trung thực đã gây nhiều khó khăn, mệt mỏi cho công tác phòng chống dịch cũng như thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.

Cá biệt là việc sau cả chục ngày cả nước không có ca nhiễm mới sau khi 16 ca đều đã được chữa khỏi và xuất viện, thì việc xuất hiện bệnh nhân thứ 17 (cô gái tên N.H.N ở Trúc Bạch, Hà Nội) nhiễm Covid-19 mà không khai báo trung thực, đã khiến cho dịch bệnh lây lan một cách nhanh chóng. Đến nỗi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 dự báo về số mắc Covid-19 có thể tiếp tục tăng do có nhiều người trên chuyến bay VN0054 tiếp xúc với ca nhiễm do chưa thể kiểm soát hết.

Hay việc bệnh nhân “siêu lây nhiễm” số 34 khai báo không trung thực khiến công tác kiểm soát vô cùng khó khăn. Chỉ riêng bệnh nhân này đã làm lây lan ra cả chục người khác. Và con số này chắc chắn vẫn chưa dừng lại vì sự lây lan theo cấp lũy thừa nếu dịch không được kiểm soát chặt chẽ.

Trong khi hầu hết người dân, các ngành, các cấp đang nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh, thì những hành động không trung thực, thiếu ý thức trong việc cách ly, khai báo đang đi ngược lại với sự cố gắng của cả cộng đồng, là hành vi đáng lên án, gây nguy hiểm và thậm chí vi phạm pháp luật.

Mỗi người phải tự ý thức trong việc phòng tránh dịch, tuân thủ các khuyến cáo, quy định của cơ quan chức năng. Làm như vậy cũng chính là họ đang góp phần bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của chính bản thân, gia đình và cộng đồng./.

An An/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/blog/que-toi-chong-dich-covid19-1023036.vov