Quê mới vùng tái định cư đã 'nở hoa'

Sau nhiều năm về với vùng quê mới, người dân xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã từng bước 'An cư, lạc nghiệp'. Đời sống kinh tế từng bước khởi sắc; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phục hồi cũng như có sự hòa hợp, tiến bộ.

Vùng quê mới Ngọc Lâm đã khởi sắc hơn bởi màu xanh của Tràm, chè, vườn đồi. Ảnh Đức Anh

Vùng quê mới Ngọc Lâm đã khởi sắc hơn bởi màu xanh của Tràm, chè, vườn đồi. Ảnh Đức Anh

Giữ gìn nét sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc

Về với xã Ngọc Lâm – một trong nhiều xã miền núi của huyện Thanh Chương (Nghệ An) hôm nay, đã thấy nhiều đổi thay so với chừng dăm năm trước. Núi đồi nơi đây không còn tiêu điều mà đã bừng lên sinh khí mới. Rừng keo, đồi chè thắm xanh và trên khuôn mặt người dân cũng nhiều hơn những nét cười… Đi khắp 6 bản của xã đã nghe tiếng nhạc, tiếng chiêng, lời ca rộn ràng của lễ hội; đã bắt gặp những người phụ nữ xúng xính áo váy truyền thống dân tộc Thái rực rỡ;

Anh Quang Văn Thăng, 41 tuổi, ở bản Tân Lâm cho biết: năm 2006, hơn 6.000 người dân (thuộc dân tộc Thái và Khơ Mú) ở các xã Luân Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông, Kim Tiến, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã phải thực hiện cuộc thiên di lớn nhất trong lịch sử về với khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ huyện Thanh Chương.

Đến năm 2009, vùng đất tái định cư này được định danh là xã Ngọc Lập theo Nghị định số 07/2009/NĐ-CP của Chính Phủ. 16 năm ở "quê mới", 13 năm là công dân ở xã Ngọc Lâm, bà con nhân dân đã trải qua không ít thăng trầm cuộc sống.

Những ngày mới về, bà con đã gặp rất nhiều khó khăn, rào cản tư tưởng và tâm lý để thích nghi. Trước đây, bà con đã quen sinh sống dựa rừng núi và con sông Nậm Nơn cuộn xiết. Sáng lên nương, chiều về ào ra sông, kẻ quăng chài, người thả lưới..Về với quê mới, thổ nhưỡng, khí hậu cũng khác. Phương thức sản xuất khác biệt, đất sản xuất cũng ít (trung bình mỗi nhân khẩu ở bản Tân Lâm được chia cho từ 2.500-2.600 m2 đất đồi). Nhà tái định cư và hệ thống cơ sở hạ tầng nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Chợ dân sinh chưa có.

Đường xá đi lại khó khăn nên thương lái vào thu mua keo cho bà con cũng vất vả. Ảnh Đức Anh

Khi cơm áo còn là nỗi lo thường trực thì câu chuyện giữ gìn các giá trị, nếp sống văn hóa đã trở nên xa vời. Đã có lúc, người dân quên đi những sinh hoạt hội hè, lễ lạt. Nghệ nhân không còn thời gian, tâm trí với câu hát diễn xướng. Văn hóa rượu cần không còn mấy nhà tổ chức và dệt thổ cẩm cũng chỉ còn trong kỷ niệm xưa. Trong bối cảnh hòa nhập, nhiều yếu tố văn hóa có nguy cơ bị đồng hóa và lãng quên như trang phục, lễ tục, ngôn ngữ.

Nhưng rồi, những khó khăn cũng dần dần qua. Những người con Tương Dương năm xưa – Ngọc Lâm hôm nay với bản chất cần cù, chịu khó đã không ngừng cố gắng vươn lên; cùng với sự giúp đỡ của tỉnh Nghệ An; sự đùm bọc, cưu mang của cán bộ và nhân dân huyện Thanh Chương, bản Tân Lâm nói riêng và xã Ngọc Lâm nói chung đã vươn lên chiến thắng chính mình, chế ngự thiên nhiên.

Cũng theo anh Thăng: "Tân Lâm hiện có 192 hộ với gần 900 nhân khẩu. Bản vẫn còn trên 50 hộ nghèo và cận nghèo nhưng không còn hộ đói. Cuộc sống còn nhiều khó khăn thật nhưng trên đà phát triển. Bây giờ bà con cũng đã quen cách thức trồng keo, trồng chè, nuôi nhốt gia súc và gia cầm. Mọi người đều đã có tư tưởng "an cư, lạc nghiệp", chí thú làm ăn. Mừng nhất vẫn là sự học các cháu được đảm bảo. Nhà tôi 2 đứa con, đứa đầu đang học đại học năm 2 ở Huế, đứa sau cũng đang nối bước theo chị".

Ông Vi Đại Lương, 50 tuổi, Bí thư chi bộ bản Tân Lâm cho biết: Khi cuộc sống ổn định, những năm gần đây, xã và bản, đặc biệt lớp người già lại lo lắng đến chuyện giữ gìn các nét sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc. Văn hóa của một dân tộc sẽ thật sự biến mất khi dân tộc đó không có ý thức tự giữ gìn. Thế rồi, xã và bản đã tìm cách để tìm lại, khôi phục nếp xưa như thường xuyên tuyên truyền vận động bà con, giáo dục các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng có ý thức giữ gìn văn hóa.

Bí thư chi bộ bản Tân Lâm Vi Đại Lương chia sẻ về những đổi thay ở quê hương mới. Ảnh Đức Anh

Bản yêu cầu phụ nữ luôn mặc váy Thái ở các buổi họp bản, hoặc khi tổ chức hát múa; thành lập những câu lạc bộ văn nghệ truyền thống. Rồi ở trường học của xã cũng có quy định vào ngày thứ 2 học sinh phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình… Bây giờ, ở nhà người lớn dạy con trẻ ngôn ngữ, âm nhạc dân tộc. Nhiều nhà đã lắp lại khung cửi dệt thổ cẩm. Còn may là tất cả còn chưa muộn – Ông Lương chia sẻ.

Cần thêm sự hỗ trợ để an cư, phát triển

Định cư trên vùng quê mới, người dân xã Ngọc Lâm đã thể hiện được sự thích nghi tốt. Cái được và cái mất song hành. Ông Vi Đại Lương dẫn khách về tham quan ngôi nhà xây kiên cố của mình chia sẻ: "Trước đây nhà tôi cũng là nhà sàn nhưng rồi mối mọt, cộng thêm không có gỗ để thay thế nên gia đình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp dần như thành như hiện nay. Đợt rồi, gia đình bán đàn dê được gần 200 triệu để sửa hoàn tất ngôi nhà. Bây giờ trong bản, trong xã, 95% là nhà xây mới cả. Nhà sàn bê tông ngày xưa cũng đều được cải tạo lại gần hết rồi".

Theo người dân xã Ngọc Lâm, ở quê mới "được" lớn hơn cái "mất". "Cái được" nhìn thấy rất rõ. Ngày xưa cuộc sống "4 không – không điện, không nước sạch, không đường, không trạm" thì bây giờ "điện, đường, trường, trạm" đầy đủ, khang trang. Trình độ dân trí được nâng cao; con cháu được học hành đầy đủ, 100% trẻ trong độ tuổi đến trường; phương thức sản xuất ngày càng tiến bộ; nông sản làm ra dễ tiêu thụ; người dân biết buôn bán, kinh doanh; ý thức chăm lo phát triển kinh tế được nâng lên, không còn trông chờ ỉ lại…

Về văn hóa, một điều đáng trân trọng đó là, dù ở đâu, hoàn cảnh nào, bà con vẫn có ý thức giữ được nét đẹp truyền thống của mình, vẫn mang theo bản sắc của con người Tương Dương hòa vào dòng chảy văn hóa của miền quê mới. Ví dụ như văn hóa rượu cần, trước đây khi đám cưới thì người Khơ Mú phải uống hết 5, 6 vò rượu, nay học người Kinh làm nhanh gọn hơn, chỉ 1, 2 vò để cúng và uống vui chứ không ăn, uống linh đình ngày này qua ngày khác. Như vậy, văn hóa đã có thay đổi để đời sống tiến bộ, khoa học hơn.

Người dân Ngọc Lâm vui ngày hội Đại đoàn kết

Theo ông Lô Huy Hùng – Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm: Việc tiếp xúc và giao thoa với những dân tộc khác dẫn đến thu nạp cái mới, đào thải cái cũ để đời sống tiến bộ, phát triển hơn là điều tất yếu.

Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho hay: Thời gian qua, hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An, huyện Thanh Chương và xã Ngọc Lâm đã tích cực vào cuộc, có nhiều biện pháp, giải pháp hỗ trợ để cải thiện đời sống người dân. Từ việc hỗ trợ gạo cứu đói, cấp giống cây trồng vật nuôi cùng phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật, chỉ đạo ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn sản xuất…cho đến liên kết các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân, tổ chức đào tạo nghề, dựng nhà cho hộ khó khăn và nhiều cơ chế chính sách khuyến khích khác.

Bên cạnh đó, người dân Ngọc Lâm đã rất nỗ lực tự vươn lên, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 5-7%/năm. Ước tính năm 2022 sẽ còn trên 25% hộ nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên. Xã đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục. Xã vừa được thẩm định đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2.

Ngươif dân xã Ngọc Lâm giữ gìn nét sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc

An ninh trật tự được giữ vững – Xã vừa được Công An tỉnh tặng giấy khen sau 6 tháng thực hiện Đề án Xã biên giới sạch ma túy. Ở xã đã xuất hiện một số mô hình kinh tế cho thu nhập bình quân từ 100 đến 120 triệu đồng/năm như mô hình trồng chè kết hợp chăn nuôi, mô hình gia trại nuôi lợn "bán công nghiệp".

Điểm sáng của xã Ngọc Lâm gần đây đó là việc thay đổi tư duy về việc làm. Nhiều nhà đã mạnh dạn đầu tư máy móc hàng chục triệu đồng để phục vụ tưới tiêu trồng chè. Ở xã, không còn tình trạng lao động trẻ "ăn quẩn cối xay" hay trở về Tương Dương chăn nuôi mà ngày càng có nhiều con em đi làm ăn xa.

Theo ước tính, hiện xã có khoảng 1.200 lao động đang đi làm việc tại các khu công nghiệp. Trong năm 2022 này đã có 10 lao động đi làm việc ở nước ngoài; 25 lao động khác đang làm hồ sơ thủ tục, dự kiến đi làm việc ở nước ngoài vào trung tuần tháng 12 này.

Bên cạnh những thuận lợi, xã Ngọc Lâm vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ. Đó là, sau nhiều năm định cư nhưng quá trình chia đất, giao đất vẫn chưa hoàn tất. Hiện nay, ở xã mới hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và một phần đất lúa; việc giao đất sản xuất mới đạt 50%. Việc rà soát, chỉnh lý đất còn đang được tiếp tục. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường xá, trường học, nhà văn hóa sau nhiều năm thì xuống cấp khá nghiêm trọng, đặc biệt là các tuyến đường sản xuất của bà con. Chưa có nhiều mô hình sinh kế phù hợp với diện tích đất sản xuất hiện có của người dân; chưa có nhiều mô hình trang trại, nông trại tiêu biểu.

Chưa có chợ dân sinh kiên cố, việc mua bán thực phẩm của người dân phụ thuộc vào thương lái. Ảnh Đức Anh

Đặc biệt, thời điểm này, Ngọc Lâm vẫn chưa có chợ dân sinh kiên cố và đài tưởng niệm liệt sĩ. Ông Lô Huy Hùng nêu rõ: Vấn đề này, Chính phủ đã có chỉ đạo nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện, trong khi đó là nhu cầu bức thiết của nhân dân. Năm 2020, xã đã xây dựng 1 chợ tạm, đẩy mạnh tuyên truyền vận động họp chợ phiên vào thứ 7 hàng tuần. Đến nay, người dân đã tham gia họp chợ rất đông… Làng bản phải có chợ thì mới bền vững. Ở xã có trên 30 liệt sĩ, thân nhân họ cũng rất muốn có Đài Liệt sĩ để phụng thờ. Rất mong các cấp, ngành tiếp tục quan tâm!

Tin tưởng rằng, với ý thức vươn lên của người dân, cộng thêm sự chăm lo, hỗ trợ của các cấp, ngành, cuộc sống người dân khu tái định cư ngày một đi lên, các làn điệu xuối, nhuôn, lăm, khắp lại vang vang trên các bản làng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa huyện Thanh Chương.

Khánh Tâm - An Cát

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/que-moi-vung-tai-dinh-cu-da-no-hoa-169221208131335842.htm