Quê hương trải dọc đường rầy

Nghỉ hè, ngày nào tôi và con gái cũng đồng hành chặng đường từ nhà tới công ty. Chúng tôi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trong hành trình mỗi ngày ấy.

Nguồn: Chinhphu.vn

Một ngày nọ, con gái tôi ngẫu hứng đề nghị không đi đường quen như mọi bận, mà rẽ vào con đường nhỏ cặp theo đường rầy. Lập tức, một không gian lạ lẫm khác mở ra trước mắt chúng tôi.

Có người gọi đường ray, cũng có người gọi đường rầy nhưng mẹ con tôi thích “đường rầy” hơn. Đó là con đường hẹp hơi ngoằn ngoèo, một bên là hàng rào chắn bảo vệ đường xe lửa, một bên là nhà dân, mà người ta quen gọi là “xóm đường rầy”.

Điều đặc biệt khi hai mẹ con “chui” vào ngõ nhỏ ven đường rầy là một màu xanh rợp mát như món quà bất ngờ dành tặng cho khách hiếu kỳ. Hẻm đường rầy nên hàng rào chắn cũng chính là bờ giậu trang trí của dãy nhà dọc bên đường. Những giàn thiên lý đung đưa gợi nhớ góc sân quê, giàn sử quân tử phô hương ngát cả đoạn đường, hay thảm hoa huỳnh anh nở vàng trên mái, mang lại cảm giác thân thuộc đến nao lòng.

Nhìn qua bên kia hàng rào, tức là phần thuộc lòng đường rầy, tôi bỗng chạnh lòng nhớ đến từng quê xứ nơi tôi đã đặt chân qua. Là bởi ở hai bên đường đó, người dân như đem cả quê hương bản quán của mình đặt vào. Chúng tôi đi qua những cây đu đủ trĩu trái, đi qua cây xoài mới lớn, cây mít nghiêng nghiêng mọc ké rẻo đất chênh vênh bờ tường, gợi nhớ một góc vườn quê miền Trung tuổi nhỏ của tôi. Đi thêm một đoạn bắt gặp cả một lùm chuối, cũng đủ lao xao như vườn chuối rộng dài ở miền Tây khi tôi có dịp rong ruổi ghé qua. Và ở đoạn xa kia, dường như cây lộc vừng đã theo chân người từ phương Bắc xa xôi về hội tụ nơi này. Còn nữa, những rau trái mà người dân tận dụng chút đất ít ỏi để gieo trồng, cải thiện bữa cơm thành phố nhiều nguy cơ thực phẩm bẩn. Đó là chùm ngây, là lá giang, mồng tơi, vạt cải xanh non, giàn mướp lủng lẳng trái, cây đậu bắp lùn nhưng kiêu hãnh với những quả nhọn đâm lên từ nách lá. Có cả một đoạn dài bạc hà mọc tươi mởn, làm mát mắt khách đường xa khi vừa tách khỏi con đường phố thị ban trưa nắng, khói, bụi.

Con gái tôi cứ liên tục “ồ”, “à” chỉ trỏ những mái nhà hai bên đường rầy được phủ kín bởi giàn hoa huỳnh anh vàng tươi sống động. Những ô cửa cũng được trang trí bằng thảm xanh hoa cỏ, cứ như những mái nhà ấy là một phần của thế giới cổ tích nào đó, đang bước ra từ trang sách và hiển hiện trước mắt chúng tôi.

Xóm ven đường rầy, con đường trước nhà cũng là đường đi cho những ai muốn “trốn” đường lớn kẹt xe mà rẽ vào, nên người dân cũng tranh thủ bán buôn. Quán nước nhỏ xíu với cà phê, nước ngọt hay những quán ăn vỉa hè cho thực khách vừa thưởng thức vừa ngắm xe lửa chạy ngang qua, cũng là một nét sinh hoạt thú vị ở xóm đường rầy. Quán Mì Quảng Đường Ray khá nổi tiếng với tên gọi gắn liền không gian quán, nằm ở con hẻm gần đường rầy và tấp nập khách từ sáng sớm.

Đi trên con đường nhỏ hẹp ven đường rầy ấy, như đi suốt dọc dài những rẻo đất quê hương. Mảng xanh hiếm hoi mang hương vị ba miền như một đường kẻ xanh dài chạy dọc thành phố, chia sớt gánh nặng khói bụi nơi đô thị ngày càng vơi đi bóng mát. Những xoài, những mít, những lộc vừng kia, xuất hiện ở nơi hẻo lánh này, cứ thế mà len lén lớn lên, len lén xanh thêm. Nghĩ bỗng ngậm ngùi cho hàng cây xanh đường hoàng vững chãi giữa lòng phố thị, một ngày kia bỗng không hiểu sao mình phải đột ngột lìa khỏi quê xứ, biến mất không tăm tích trên mảnh đất mà bao năm mình tỏa bóng.

Con gái tôi vẫn say sưa ngắm nhìn khung cửa sổ cổ tích ven đường, được viền bởi thảm hoa huỳnh anh vàng. Con bỗng nhìn xa xăm phía trước dọc theo đường rầy rồi nói: “Nếu mình cứ đi mãi trên con đường này, thì mình sẽ ra tới Huế, tới Hà Nội phải không mẹ?”

Trương Huỳnh Như Trân

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275759/que-huong-trai-doc-duong-ray.html