Quê hương miền biên cương

Mùa xuân, đất trời biên cương như đang hừng lên một hương sắc mới. Núi đồi nghiêng nghiêng, ruộng rẫy nghiêng nghiêng trong một màu xanh tơ non bất tận. Đường tuần tra như một nét vẽ mờ xa trải dài uốn lượn trong cái mênh mông của màu xanh ấy. Nhìn một vùng cương thổ Tổ quốc yên ả, tôi hiểu mình là một người lính hạnh phúc.

Đồn trưởng đồn biên phòng là một người bản xứ hay chuyện. Khi đi tuần tra trên những cung đường thăm thẳm, anh thường kể cho chúng tôi nghe về nơi đây những năm tháng chiến tranh, khốc liệt và mất mát. Anh chỉ tay lên dãy núi trước mặt: “Các cậu có biết vì sao những điểm cao kia lại vời vợi thế không? Vì đó là nơi nhiều người đã ngã xuống, chất chồng thành những điểm cao...”. Tôi hiểu đó là một suy tư mang tính hình tượng trong câu chuyện của anh nhưng qua đó để chúng tôi, những người lính trẻ hiểu được sâu sắc hơn giá trị của bình yên, hạnh phúc hôm nay. Khi còn nhỏ, tôi thường hay đọc sách và tìm hiểu về biên giới, vùng đất nghe có vẻ xa xôi nhưng gợi lên sự thân thương quá đỗi. Biên giới là gì mà bao bài ca, bao câu chuyện cất lên và vọng mãi? Có lẽ câu hỏi ấy đã dẫn dụ và đưa tôi đến với nơi đây trong những năm tháng trai trẻ ý nghĩa nhất của mình.

Minh họa: MAI MINH.

Minh họa: MAI MINH.

Thầy giáo dạy môn Địa lý thời cấp ba của tôi quê ở một huyện biên giới thuộc tỉnh Lai Châu. Cha của thầy là một người lính dưới xuôi lên đây tham gia chiến đấu, ông gặp gỡ cô gái Hà Nhì xinh đẹp, họ kết hôn ngay khi chiến tranh kết thúc và sinh ra thầy. Đầu thập niên 1990, thầy cùng mẹ di tản về xuôi theo bố, nhưng nỗi nhớ cố thổ luôn thường trực và diệu vợi trong thầy. Trong một lần giảng bài về vùng Tây Bắc của Tổ quốc, thầy rưng rưng đọc: Quê hương núi thẳm rừng xanh/ Sau bao xa cách đã thành cố hương/ Ai còn neo dải biên cương/ Giữ giùm ta những cung đường ấu thơ. Cung đường ấu thơ của thầy chính là những dốc núi cheo leo, ngả dẫn đến trường, ngả đưa lên rẫy, và ngả nào cũng dẫn đến những nhớ thương cho đến tận bây giờ. Khi biết tôi đã trở thành người lính biên phòng ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc, giọng thầy run run trong điện thoại: “Thầy không ngờ, những ngả đường đầy thương khó năm xưa của thầy cũng chính là những ngả đường hôm nay em đi trong tâm thế vững chãi, hiên ngang của một người lính trẻ”. Tôi hiểu, thầy đang hạnh phúc vì đứa học trò thầy yêu quý năm xưa đang đêm ngày canh giữ vùng biên cương, cũng là khoảng nhớ trong lòng thầy.

Chợ phiên vùng biên một tháng mới họp một lần. Đây là dịp để đồng bào mạn dưới thung lũng đêm ngày chìm trong sương hay bà con ở cheo leo trên đèo cao quanh năm phủ đầy mây trắng cùng nhau đem những thức ngon, vật phẩm mà mình có được đến chợ. Họ bán mua, trao đổi, gặp gỡ, hẹn hò... Nhìn nụ cười, ánh mắt người vùng biên là cảm nhận được đời sống, tâm hồn của họ. Có thể còn nhiều nghèo nàn, gian khó nhưng họ không lấy đó làm âu lo. Họ vui sướng khi được gieo trồng, sinh sống, yêu đương trên đất đai của mình. Đất ấy là nơi bao đời tổ tiên, ông bà đã giữ gìn và canh tác. Họ nói với nhau, đây là đất thiêng, bởi để giữ được từng tấc đất, có một thời bộ đội và nhân dân đã phải đánh đổi bằng xương máu. Trong những ngày lễ, tết quan trọng, mỗi tộc, mỗi họ ngồi lại quây quần để nghe người cao tuổi kể về lịch sử của đất đai, của dòng họ mình. Những lời kể vang vọng, khảm khắc vào núi rừng biên cương như một cách để bà con giữ gìn văn hóa, bản sắc và đất đai của quê hương, Tổ quốc mình. Khi đó, trên gương mặt họ ngời lên một niềm tự hào, kiêu hãnh và hạnh phúc.

Núi rừng biên cương như đang thao thức, đồng hành với tôi trong đêm tuần tra. Đất nước bình yên là niềm hạnh phúc của bao người, trong đó có người lính như chúng tôi. Vị đồn trưởng người bản xứ, thầy giáo tôi và những người dân nơi đây, mỗi người đã và đang cảm nhận được niềm hạnh phúc vì mảnh đất này theo những cách khác nhau. Còn tôi, tôi hiểu đường tuần tra đêm nay cũng chính là cung đường của hạnh phúc.

Tản văn của HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/que-huong-mien-bien-cuong-612719