Quê hương Đông Mỹ chuẩn bị đón người con ưu tú

Vẫn biết rằng sinh - lão - bệnh - tử là quy luật bất biến nhưng khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười ra đi, người dân xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) - quê hương của đồng chí - vô cùng thương tiếc. Hiện giờ, nhân dân Đông Mỹ đã chuẩn bị chu đáo các công việc để đón người con ưu tú về an nghỉ tại quê hương.

Vẫn vẹn nguyên kỷ niệm

Viết lời mở đầu cho cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đông Mỹ, Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: “Tôi sinh ra, lớn lên và bắt đầu hoạt động cách mạng ở quê hương Đông Mỹ. Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1945), tôi luôn sát cánh chiến đấu với đồng bào, đồng chí và được sự giúp đỡ, đùm bọc, bảo vệ hết lòng và trưởng thành cùng với nhân dân. Sau này, dù hoạt động ở đâu, dù đảm nhiệm công tác nào của Đảng và Nhà nước, Đông Mỹ luôn là hình ảnh sâu đậm nhất và tôi luôn dõi theo những bước trưởng thành, phát triển của quê hương… Tôi tự hào là người con của Đảng bộ và nhân dân Đông Mỹ - chiếc nôi của phong trào cách mạng ngoại thành Hà Nội”.

Yêu mến quê hương, sinh thời, đồng chí Đỗ Mười luôn dành cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đông Mỹ sự quan tâm sâu sát. Để chăm lo cho thế hệ tương lai, vào những năm 1990, khi máy vi tính còn là "của hiếm", đồng chí đã tặng cho Trường THCS Đông Mỹ 10 bộ máy vi tính để phục vụ công tác giảng dạy. Đồng chí còn tặng quà cho Hội Khuyến học xã để chăm lo tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm quê hương Đông Mỹ. Ảnh tư liệu

Từ sự khởi xướng của đồng chí Đỗ Mười, hiện nay, Quỹ Khuyến học của xã Đông Mỹ luôn có số dư quỹ lên đến 250 triệu đồng để tặng thưởng cho thầy, cô có thành tích trong giảng dạy và học sinh thi đỗ đại học, học sinh giỏi các cấp và học sinh nghèo vượt khó. Năm 1996, trong một lần về thăm quê, đồng chí đã trồng cây lưu niệm tại trụ sở UBND xã… Những hiện vật, những địa điểm in dấu chân của đồng chí luôn được cán bộ, nhân dân xã Đông Mỹ trân trọng, giữ gìn.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung, một người con của quê hương Đông Mỹ xúc động chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần được gặp bác Đỗ Mười, câu đầu tiên bác hỏi là đời sống của nhân dân Đông Mỹ nói riêng và nhân dân huyện Thanh Trì nói chung phát triển ra sao; số hộ nghèo giảm so với năm trước được bao nhiêu? Bác còn chỉ bảo, động viên chúng tôi đoàn kết, thống nhất để chăm lo đời sống nhân dân và xây dựng khối đoàn kết nội bộ, thống nhất trong Đảng”.

Với nhiều đảng viên và người dân xã Đông Mỹ, hình ảnh nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (khi đó đã 98 tuổi) giản dị và nhiệt huyết dặn dò cán bộ địa phương gìn giữ truyền thống quý báu của quê hương cách mạng, xây dựng xã Đông Mỹ và huyện Thanh Trì ngày càng phát triển, xứng đáng với truyền thống huyện anh hùng, xã anh hùng... tại lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Chi bộ Đông Phù vào năm 2015 vẫn còn nguyên vẹn.

“Từ nay, chúng tôi không còn được gặp, không còn được nghe những lời dặn dò chân tình của đồng chí, nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Trì xin hứa sẽ phấn đấu thực hiện tốt lời đồng chí căn dặn, chung sức, đồng lòng để Thành Trì ngày càng phát triển và trở thành quận trong tương lai không xa” - Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương nói.

Tràn ngập tình thương

Có mặt tại ngôi nhà của gia đình nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười ở thôn 3, xã Đông Mỹ - nơi từng gắn bó với tuổi thơ của đồng chí, chúng tôi cảm nhận nơi đây dường như tĩnh lặng và trầm mặc hơn khi được tin người con từng sinh ra và lớn lên ở đây nay không còn nữa.

Ông Nguyễn Duy Yên, cháu ruột của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười túc trực tại nhà để lo việc lớn, chia sẻ: "Bác tôi là người cha, người ông rất mẫu mực. Tôi còn nhớ, năm 1973, khi đó bác là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ngôi nhà thờ này bị tốc mái vì bão. Tôi lên gặp bác trình bày, với mong muốn bác trao đổi với địa phương tạo điều kiện cho mua lá gồi về lợp lại mái nhà thờ. Bác bảo tôi: Quê mình đồng trũng, cấy nhiều nên sẵn rạ, cháu về cắt rạ để lợp lại mái nhà. Đất nước còn nhiều người khổ, còn nhiều việc phải lo, nhà mình không nhất thiết phải lợp lá gồi”.

Chung dòng hồi ức về người anh trong gia đình, ông Phạm Thận, 80 tuổi cho biết: “Nghe tin anh tôi đã ra đi, người dân cả làng, cả xã đều thương tiếc, lại nhớ mỗi lần về quê, anh đều ngồi uống nước, ăn trầu với chúng tôi rất thân mật...”.

Còn ông Phạm Trắc, 80 tuổi bày tỏ: “Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người rất giản dị, gần gũi. Lúc còn khỏe, ông vẫn thường về thăm quê. Nhưng lần này, ông về ở hẳn với quê hương Đông Mỹ chúng tôi”.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Mỹ Lê Mạnh Chiến cho biết, với tình cảm dành cho người con ưu tú của quê hương, những ngày này, nhân dân Đông Mỹ và huyện Thanh Trì tích cực tham gia làm tốt công tác chuẩn bị cho lễ tang của đồng chí Đỗ Mười thật chu đáo.

Ngay ngõ vào nhà nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Trần Văn Anh đang đổ xi măng lát lại nền đường, cho biết: “Nghe tin bác về an nghỉ tại quê nhà nên tôi đi mua xi măng và cát về, lát lại đoạn đường đầu ngõ để đường đi thêm đẹp, đón bác "trở về”.

Hiền Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/914883/que-huong-dong-my-chuan-bi-don-nguoi-con-uu-tu