Quê hương Công Phượng có món đặc sản kinh dị gì?

Nghệ An, quê hương cầu thủ Công Phượng, không chỉ có những cảnh đẹp thiên nhiên hữu tình mà còn gây ấn tượng với du khách bởi một số đặc sản kinh dị ở các vùng cao.

Chuột rừng: Mặc dù dùng để đãi khách quý nhưng đối với một số người, đây thực sự là đặc sản kinh dị vùng cao Nghệ An không phải ai cũng không dám thử. Ảnh: Internet.

Hàng năm, cứ vào tháng 2 âm lịch, chuột rừng lại sinh sôi, phát triển rất nhiều, người dân miền Tây Nghệ An lại tấp nập đi “săn” chuột rừng. Không giống như chuột đồng, chuột rừng có trọng lượng khá lớn, khoảng 300 – 500 gam. Do ăn lá cây, quả rừng, lúa nương ngô… nên chuột rừng được xếp vào danh sách thực phẩm sạch. Ảnh: Báo Nghệ An.

Sau khi săn chuột về, dùng rơm hay dùng cỏ tranh khô thui vàng, mang đi mổ bụng. Khâu này người ta lấy hết nội tạng, chặt bỏ đầu, đuôi và chân, rửa sach, để ráo cho lên bếp phơi khô. Trong căn bếp của đồng bào vùng cao Nghệ An (người Khơ Mú, người Thái, người Mông) đều có một vài con chuột rừng để sẵn phòng khi khách quý tới chơi để đãi tiệc. Ảnh: Báo Nghệ An.

Người đồng bào miền cao tinh tế chế biến ra nhiều món khác nhau như chuột xào sả ớt, nướng… nhưng vẫn được ưa thích nhất là nậm nhoọc. Đây là món súp thịt chuột nấu với cà, lá rau rừng, các loại gia vị vùng cao, đun trong thời gian lâu để nhừ, tan nhuyễn. Ảnh: Báo Nghệ An.

Nhộng ve sầu vùng cao: Mùa ve sầu thường bắt đầu từ đầu tháng 2 âm lịch đến khoảng tháng 5 âm lịch thì kết thúc. Nếu muốn có món ăn ngon từ ve, người dân phải đi bắt từ lúc trời sẩm tối – thời điểm ve bắt đầu lột xác từ ấu trùng để trưởng thành. Lúc này, thân ve sầu rất mềm, hay còn gọi là ve sầu sữa. Chỉ sau khi lột xác khoảng 30 phút, cánh của chúng khô cứng lại, ăn sẽ không còn ngon. Ảnh: Internet.

Người đi “săn” ve sầu chỉ cần cầm 1 viên đá to, đập mạnh vào các cây có ve đậu nhiều để ve rớt xuống. Tiếp đến, người ta cầm đèn pin chiếu thẳng xuống đất, thu hút sự chú ý của hàng chục, hàng trăm con ve sầu. Công việc duy nhất còn lại là bắt ve đem bỏ vào giỏ. Ảnh: Dân Việt.

Ve sầu được chế biến bằng cách chiên giòn hoặc băm nhỏ làm nem. Sau khi bắt được ve, người dân cho vào túi buộc kín lại, đem về rửa sạch trong nước muối loãng để chúng không mọc cánh mà thoát xác được. Để không bị ngộ độc, ve lại được nhúng qua nước sôi rồi rửa sạch bằng nước lạnh. Ảnh: Báo Nghệ An.

Trên bếp lửa rực hồng, người ta cho những con ve sầu vào chảo dầu nóng, khi thấy chúng chuyển sang màu vàng là đã chín. Vị bùi bùi của ruột ve sau lớp vỏ giòn tan thơm phức, thêm đậm đà khi chấm vào bát nước mắm khiến người thưởng thức nhớ mãi. Ảnh: Báo Quảng Nam.

Rắn mối cũng được xem là một trong những món ăn độc đáo ở Nghệ An. Thực khách lần đầu nhìn thấy loài bò sát này chắc chắn không tránh khỏi nỗi sợ hãi, nhưng nếu có can đảm thưởng thức thì thật khó lòng quên nổi hương vị ngọt thơm, đậm đà rất đặc trưng. Ảnh: Internet.

Rắn mối xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 11, 12. Toàn thân rắn mối phủ một lớp vảy màu đen óng ánh. Chúng thường bò trên nền đất, ngoài vườn, thậm chí xuất hiện cả trên vách lá trong nhà. Rắn mối có mũi và lưỡi nhạy bén để săn mồi, chúng chạy rất nhanh và có thể “hy sinh” cái đuôi để thoát thân khi gặp nguy hiểm. Ảnh: Internet.

Rắn mối mang về được đem cạo sạch vảy, chặt bỏ đầu, chân, bỏ ruột. Lưu ý, bằng mọi giá phải giữ lại chiếc đuôi của loài bò sát này vì đây mới là phần bổ nhất. Ảnh: Dân Việt.

Thịt rắn mối có thể làm được rất nhiều món ngon miệng như nướng than, chiên giòn, xào sả ớt, cháo rắn mối… Món nào cũng dễ chế biến mà hương vị lại đậm đà, đặc trưng. Ảnh: Internet.

Video "Chế biến món ngon từ nấm đông cô". Nguồn: VTC.

Thảo Nguyên (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/que-huong-cong-phuong-co-mon-dac-san-kinh-di-gi-1150712.html