'Quấy rối tình dục trong truyền thông – Nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên'

Trong hai ngày 20 đến 21-12-2019, Trung tâm lưu chiểu điện tử và hỗ trợ báo chí, Cục Báo chí tổ chức khóa tập huấn Bản hướng dẫn 'Quấy rối tình dục trong truyền thông – Nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên' cho các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội.

Trước đó, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ ra mắt Bản hướng dẫn "Quấy rối tình dục trong truyền thông - nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên”.

Hướng dẫn này được thiết kế cho cả các cơ quan báo chí và nhân viên trong ngành truyền thông phòng tránh, giải quyết những vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi công sở. Khóa tập huấn được tổ chức lần này có những nội dung chuyên sâu hơn để đánh giá nội dung và khả năng áp dụng Bản hướng dẫn vào nội quy, quy chế, làm việc tại các cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh trao đổi về kiến thức, kỹ năng và phương pháp nhận biết, phòng ngừa và xử lý tình trạng quấy rối tình dục trong các cơ quan báo chí (Ảnh: T.F)

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh trao đổi về kiến thức, kỹ năng và phương pháp nhận biết, phòng ngừa và xử lý tình trạng quấy rối tình dục trong các cơ quan báo chí (Ảnh: T.F)

Cũng tại khóa học, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh đã thông qua những câu hỏi khảo sát học viên về kiến thức, kỹ năng và phương pháp nhận biết, phòng ngừa và xử lý tình trạng quấy rối tình dục trong các cơ quan báo chí. Từ đó, tổ chức thực hiện tin, bài liên quan đến chủ đề “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” để tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia cao cấp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng trình bày về khả năng áp dụng Bản hướng dẫn trong bối cảnh pháp luật lao động mới về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tham gia khóa học, lãnh đạo và phóng viên tại các cơ quan báo chí được trang bị kỹ năng chuyên sâu hơn để có thêm kiến thức, phương pháp nhận biết, phòng ngừa và xử lý tình trạng quấy rối tình dục tại các cơ quan báo chí, và cơ quan khác từ đó tổ chức tin bài về nội dung này phù hợp hơn, góp phần tăng hiệu quả truyền thông để nâng cao nhận thức trong xã hội về phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quay-roi-tinh-duc-trong-truyen-thong-nhan-biet-ngan-chan-va-xu-ly-danh-cho-lanh-dao-va-nhan-vien-174294.html