Quấy rối tình dục tại nơi làm việc – Cần mạnh mẽ lên tiếng để ngăn chặn

Chiến dịch truyền thông 'Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc' vừa được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho nữ công nhân làm việc trong ngành may mặc tại TP.HCM.

Mới đây, tại TP.HCM, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe cộng động (CCHS) đã phối hợp cùng ActionAid Việt Nam và Quỹ Phụ nữ Toàn cầu tổ chức Chiến dịch truyền thông “Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.

Đây là một chương trình giúp các nữ công nhân ngành may có thêm kiến thức và kỹ năng để cùng chung tay phòng chống hành vi quấy rối tình dục, góp phần tạo môi trường làm việc an toàn cho nữ công nhân.

Chiến dịch truyền thông “Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc” được tổ chức ở TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thuận

Chiến dịch truyền thông “Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc” được tổ chức ở TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thuận

Khoản 3 Điều 8 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định rằng: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” là hành vị bị nghiêm cấm. Vấn đề an toàn với phụ nữ cả ở nơi riêng tư, không gian công cộng và trong môi trường làm việc là một trong những chỉ tiêu quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới trong chương trình nghị sự toàn cầu 2030 đã được Việt Nam và nhiều nước trên thế giới thông qua năm 2015.

Theo khảo sát của Chương trình thành phố an toàn tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2017, 18,5% phụ nữ tham gia khảo sát cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; gần 12% nam giới thừa nhận mình đã từng thực hiện hành vi quấy rối tình dục. Tuy nhiên, các hành vi quấy rối tình dục lại không được cho là nghiêm trọng cũng như không được xử lý kịp thời.

Năm 2018, một khảo sát khác do tổ chức ActionAid Vietnam và Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện tại bốn nhà máy hoạt động trong lĩnh vực may mặc tại Hải Phòng và TPHCM thì có hơn 53% công nhân đã từng bị QRTD hoặc chứng kiến hành vi này tại nơi làm việc, trong đó 87% nạn nhân là nữ công nhân và 23% là nam công nhân. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là không có bất cứ trường hợp quấy rối nào bị xử lý.

Các khảo sát được thực hiện đều cho thấy phụ nữ đã và đang phải đối mặt với tình trạng quấy rối tình dục ở nơi công cộng lẫn nơi làm việc. Ảnh: Nguyễn Thuận

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc, sự bình đẳng giữa người lao động nam và nữ, gây ra những ảnh hưởng về tâm lý, gây lo lắng, căng thẳng cho nạn nhân dẫn đến môi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc cũng như năng suất lao động bị giảm sút và cần phải ngăn chặn.

Nhận thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyền và sự an toàn của nữ công nhân lao động, tháng 1/2021, Trung tâm CCHS đã triển khai dự án “Sáng kiến chấm dứt bạo lực giới ngành may mặc” tại các địa bàn dự án thuộc TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An do ActionAid Việt Nam và Quỹ Phụ nữ Toàn cầu tài trợ. Mục tiêu chung của dự án là: Nâng cao năng lực và tiếng nói của nữ công nhân ngành may mặc nhằm bảo vệ quyền của họ thông qua các cơ chế bảo vệ hiệu quả nhằm chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm CCHS đã triển khai hàng loạt hoạt động truyền thông đa dạng về chủ đề phòng chống quấy rối tình dục với sự tham gia của gần 150 người, trong đó có nhiều nữ công nhân và người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp trong lĩnh vực may mặc. Bên cạnh đó, dự án cũng tiếp tục phổ biến, hướng dẫn chị em phụ nữ cài đặt và sử dụng ứng dụng S-City do ActionAid Việt Nam phát triển giúp giám sát và phản hồi một cách nhanh chóng về tình trạng quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Nữ công nhân làm việc trong ngành may mặc tại TP.HCM giờ đây đã trở nên tự tin hơn trong việc nói lên ý kiến về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ảnh: Nguyễn Thuận

Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe cộng đồng (Trung tâm CCHS) là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu và phát triển cộng đồng có trụ sở tại TP. HCM. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, vận động chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực, Trung tâm CCHS góp phần hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trong cộng đồng (đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị tác động của rủi ro thiên tai biến đổi khí hậu, di dân, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật,…) có khả năng phân tích thực trạng, nhận diện vấn đề, tìm ra các giải pháp và hợp tác hành động vì một cộng đồng khỏe mạnh, phát triển.

Nguyễn Thuận

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/quay-roi-tinh-duc-tai-noi-lam-viec-can-manh-me-len-tieng-de-ngan-chan-137335.html