Quấy rối nơi công cộng: Giải pháp nào giải quyết tận gốc?

Việc bị người lạ sàm sỡ, quấy rối trên phương tiện công cộng sẽ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các cô gái. Điều đáng nói, điểm chung của những vụ việc này là hiếm khi người bị quấy rối lẫn những người chứng kiến xung quanh dám lên tiếng bảo vệ.

Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ quấy rối đối với phụ nữ, trẻ em gái trên phương tiện công cộng khiến dư luận phẫn nộ. Điển hình như vụ việc người đàn ông 38 tuổi, thủ dâm cạnh một nữ học sinh THCS ngày 21-6 vừa qua. Theo đó, khoảng 12g trưa cùng ngày, trên tuyến xe buýt 01 (chạy theo hướng bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Gia Lâm), người đàn ông tên H đã tiến lại gần, đứng áp sát một nữ sinh cấp 2 đang ngồi ở hàng ghế bên trái rồi lén lút lôi “của quý” ra thủ dâm khiến nữ sinh sợ hãi, hét lên nhờ mọi người giúp đỡ.

Tại CQCA, ông H thừa nhận có hành vi thủ dâm trên xe buýt nhưng khai không động chạm tới nữ sinh. Theo thông tin mới nhất, sau khi lập biên bản vụ việc, CA yêu cầu ông H viết cam kết không tái phạm. Ông H cũng không bị xử phạt hành chính.

Người đàn ông có hành vi biến thái trên xe buýt.

Người đàn ông có hành vi biến thái trên xe buýt.

Vụ việc trên chỉ là số ít những vụ việc được phát hiện. Tuy nhiên trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp bị quấy rối nơi công cộng nhưng chính nạn nhân và người xung quanh lại không dám lên tiếng.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào giải thích một cách chính thức về khái niệm “khiêu dâm”. Tuy nhiên, khái niệm này đã được đề cập rải rác ở một số văn bản. Ví dụ như tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 178/2004 (quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm) định nghĩa: “Khiêu dâm” là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục.

Hay tại Điều 3 Thông tư 09/2010 (đã hết hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014, chưa có văn bản thay thế) cũng định nghĩa; Khiêu dâm được hiểu là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam bao gồm: mô tả bộ phận sinh dục, khỏa thân, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức...

Như vậy thủ dâm dưới mọi hình thức cũng được coi là một hình thức khiêu dâm, kích dục. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có quy định xử phạt cụ thể đối với những người thực hiện hành vi khiêu dâm, mà chỉ có quy định xử phạt đối với chủ các cơ sở có sử dụng các hoạt động khiêu dâm, mua dâm, bán dâm để kinh doanh. Cụ thể tại Điều 25 Nghị định 167/2013 mức xử phạt đối với các hành vi này là từ 20 đến 30 triệu đồng. Do đó không có căn cứ pháp luật nào để xử phạt hành chính về hành vi thủ dâm trên xe buýt của người đàn ông này.

Được biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trên các phương tiện giao thông công cộng. Tại Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Iran, Đài Loan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Tiểu vương quốc các nước Arab, Mexico, xuất hiện các toa tàu điện, xe buýt và taxi dành riêng cho phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, theo quan điểm của Rosario Carmona, một nhà báo người Mexico, thì đó không phải là giải pháp lâu dài. Vấn đề quan trọng là cần phải nâng cao nhận thức về sự tôn trọng đối với nữ giới.

Tại Việt Nam, vấn nạn quấy rối, xâm hại phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng cũng diễn ra phổ biến, trở thành nỗi ám ảnh của không ít người. Theo kết quả khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường tại Hà Nội và TP HCM, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối trên xe buýt, những địa điểm công cộng khác mà phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối là bến xe, công viên, nhà chờ xe buýt. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy 11,7% nam giới tham gia phỏng vấn thừa nhận đã có các hành vi quấy rối đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng. Thế nhưng, hầu hết các trường hợp bị quấy rối đều không dám lên tiếng.

Không chỉ những người trực tiếp bị quấy rối, kể cả những người xung quanh khi chứng kiến cảnh “chướng tai, gai mắt” cũng chọn cách im lặng. Theo TS Tâm lý học Trần Thành Nam (trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội), trên thực tế, có rất nhiều vụ việc quấy rối đã xảy ra nhưng có rất ít người dám lên tiếng, lý do là vi tâm tâm lý e ngại, lo sợ, bởi lâu nay vấn đề quấy rối là đề tài nhạy cảm, ít được mọi người chia sẻ, hậu quả do hành vi này gây ra lại rất khó chứng minh. “Sợ bị trả thù, sợ không được thông cảm, rất nhiều nỗi sợ làm cho nạn nhân không dám lên tiếng khiến cho kẻ xấu có cơ hội làm bậy trên phương tiện công cộng”- TS Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, TS Nam cũng cho rằng, với quy định của pháp luật hiện hành, người “có hành vi, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Đây cũng là lỗ hổng để cho kẻ xấu tiếp tục thực hiện hành vi của mình mà không sợ bị phát hiện hay xử lý. Vì vậy, trong khi chờ đợi chế tài xử lý, có sức răn đe, tự thân mỗi người dân cần biết cách bảo vệ chính mình.

Để ngăn chặn tình trạng quấy rối nơi công cộng, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường chiếu sáng công cộng, niêm yết số điện thoại CA xã, phường sở tại cũng như các thông điệp hướng dẫn cách ứng phó khi bị quấy rối, tăng cường tuần tra, kiểm soát… Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, chỉ khi đưa ra được các giải pháp tổng thể thúc đẩy bình đẳng giới thì mới giúp giải quyết tận gốc của quấy rối.

Đặc biệt, để đối phó với nạn quấy rối trên phương tiện công cộng, thì cộng đồng mà trước hết là nạn nhân phải dám lên tiếng mới có thể tạo nên làn sóng mạnh mẽ để người dân hiểu được thế nào là quấy rối, thay vì cho đó là hành vi trêu ghẹo thông thường.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quay-roi-noi-cong-cong-giai-phap-nao-giai-quyet-tan-goc-153282.html