Quay đầu là rừng...

Từ là kẻ phá rừng, chích choác quậy phá tưng bừng trở thành người bảo vệ rừng giỏi. Những đứa con của rừng đã sám hối trước rừng. Đó là câu chuyện của Thuận 'lâm tặc'.

Thuận (phải) và Cường tình nguyện bảo vệ rừng

Thuận (phải) và Cường tình nguyện bảo vệ rừng

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc BQL rừng phòng hộ đầu nguồn 2 huyện rẻo cao của Quảng Trị là Đakrông và Hướng Hóa, nhớ lại: “Anh cán bộ văn phòng báo tôi có Thuận “lâm tặc” đến xin gặp, nhưng không chịu nói lý do. Tôi bảo, đưa anh ấy lên! Bước vào, Hồ Văn Thuận không đợi tôi hỏi chuyện mà nói ngay làm tôi rất bất ngờ: “Em lên đây xin anh làm bảo vệ rừng. Tôi há mồm trước đề nghị này. Thuận tiếp: “Em biết trước đây em sai. Bây giờ em nhận ra cái sai đó rồi!”. Tôi vừa nghe vừa chăm chú quan sát từng cử chỉ, nét mặt của Thuận. Tôi thấy đôi mắt của Thuận có cái gì đó rất ăn năn.

Tôi hỏi: “Em làm luôn và ngay bây giờ nhé”. Thuận cũng tỏ ra ngạc nhiên, nhưng chàng trai gật đầu ngay. Sau khi cán bộ của tôi đưa cho Thuận bộ áo quần bảo vệ rừng, anh ta mặc vào và bảo đi làm việc ngay. Thấy Thuận xăng xái và quyết tâm, tôi vui mừng tạm gác công việc bàn giấy, cũng giày vớ theo anh ta vào rừng. Những đồi Mỏ Quạ, núi Chênh Vênh, thác Hai Dòng... chúng tôi đến và khảo sát thực trạng. Trời đúng ngọ.

Sau 30 phút ăn trưa bằng đồ khô mang sẵn, chúng tôi tiếp tục đi vào một cánh rừng già sát xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa. Đến giữa chiều, tôi bảo chú ta quay về, với ý định mời cơm, trò chuyện để hiểu, gắn bó với nhau hơn. Nhưng lúc được mời, chú ta tìm cách từ chối, bảo muốn mời tôi và các anh chị em trong Ban hôm nào về nhà mình bởi gia đình rất muốn mời bữa cơm thân mật để cảm ơn. Thực lòng mà nói, từ lúc Thuận bất ngờ lên cơ quan tôi xin làm bảo vệ rừng cho tới lúc đó và trước tình trạng rừng ngày càng bị chặt phá, xâm hại, tôi nóng lòng muốn được nhiều hơn nữa ở chàng trai này. Vì biết Thuận thích bia rượu, ham vui đàn hát nên tôi chuyển sang mời món này. Thế mà Thuận buồn buồn: “Em bị ám ảnh thứ ấy lắm rồi. Đâu phải con người uống, con người hát đâu anh!”.

Vẫn lời ông Tuấn. BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Hướng Hóa, Đakrông quản lý, bảo vệ hơn 26.000 ha rừng đầu nguồn. Ban chỉ có 26 con người, trong đó 11 cán bộ phải đảm nhận công việc bàn giấy hàng ngày, còn lại 15 người trực tiếp công việc tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Trong khi diện tích rừng nhà nước giao cho đơn vị quản lý, bảo vệ quá lớn, với 26.000 ha rừng trên địa bàn 26 xã thuộc 2 huyện rẻo cao Đakrông và Hướng Hóa. Nói là bảo vệ rừng, nhưng 15 con người kể trên chỉ có tay không, đơn vị lại không có thẩm quyền xử phạt trực tiếp đối tượng có hành vi vi phạm lâm luật. Công tác quản lý, bảo vệ rừng trở nên khó khăn gấp bội. Lâu nay, tình trạng chặt phá rừng diễn ra âm ỉ. Các năm 2016, 2017 và đầu 2018, hoạt động trái phép này trở thành “điểm nóng”. Ông Tuấn bảo duyên do việc mở đường từ Quốc lộ 9 tại Km53 đi ngang giữa rừng phòng hộ dài hàng chục cây số dẫn lên công trình Thủy điện Khe Nghi. Việc làm thiếu cân nhắc, không được thấu đáo của các cơ quan, ban ngành chức năng liên quan và chủ đầu tư công trình thủy điện trên, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng và khó lường. Đầu năm 2018, chúng tôi từng theo chân các lực lượng chức năng, chứng kiến cảnh cây rừng ở đây bị chặt phá không thương tiếc. Tại tiểu khu rừng 659A thuộc địa bàn xã Hướng Hiệp, Đakrông, hàng chục cây rừng có đường kính từ 30-60cm bị cưa ngang thân. Bên cạnh gốc cây rừng, hiện trường còn vương vãi gỗ bìa và cành, ngọn cây tươi rói.

Trước tình hình trên, BQL nhiều lần tổ chức lấy ý kiến, bàn bạc với các anh em trong đơn vị về các giải pháp bảo vệ rừng. Các lần, đa số anh em đều tập trung vào ý kiến vận động các đối tượng “lâm tặc” bỏ nghề, bằng cách tạo công ăn việc làm cho họ, khuyến khích họ tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo vệ rừng ở đây. Và chúng tôi triển khai việc vận động Thuận và một số thanh niên khác ở bản Vùng Kho, xã Đakrông được coi là những tay anh chị, cộm cán trong bản này.

Mỗi tháng, anh em BQL cứ 3 người một lượt thay phiên nhau về nhà Thuận và số thanh niên đó không biết bao nhiêu lần. Ba lần đầu, Thuận không tiếp chuyện, thậm chí còn tỏ thái độ anh chị mời chúng tôi ra khỏi nhà, rồi chơi trò bố trí những thanh niên khác chặn đường gây gổ. Lần thứ 4 trở đi, Thuận thay đổi cách đối phó. Thấy chúng tôi, Thuận nhanh chóng đi đến bản khác hoặc vào rừng uống rượu với đám thanh niên ở đây. Không thuyết phục được Thuận và số thanh niên đó, chúng tôi chuyển sang vận động cha mẹ, vợ con và người thân khác trong gia đình của họ. Cuối cùng cũng có kết quả, song không được như mong muốn. Thuận và số thanh niên chuyên làm nghề khai thác trộm gỗ rừng ở đây tạm chuyển sang làm nghề khác, dần vắng bóng ở rừng.

Ông Tuấn kể: “Sau này tôi mới biết Thuận quyết định từ bỏ nghề khai thác trộm gỗ rừng, tình nguyện tham gia vào công tác bảo vệ rừng của đơn vị, một phần lớn nhờ vào sự vận động, tác động của chúng tôi, bên cạnh là chính quyền cơ sở và cán bộ chiến sĩ Công an huyện Đakrông.

Anh em kể lại, trong một lần gặp để vừa giải thích, vận động vừa răn đe Thuận về các việc làm trái phép, xâm hại rừng, một anh cán bộ từ chối việc tụ tập hát hò sau bia rượu. Lúc ấy, Thuận tỏ ra rất khó chịu, bảo cán bộ bao giờ cũng thủ đoạn, lợi dụng dân để được việc mình. Song anh cán bộ kia phản ứng rất nhẹ nhàng. “Em đừng nghĩ thế! Anh không thích bởi vì những cuộc hát hò đó con người ta lấy niềm vui từ muông thú bị giết hại và cây rừng bị đốn hạ không thương tiếc. Anh sống gắn bó với bà con dân bản và núi rừng ở đây đã hơn nửa cuộc đời. Anh biết cái gì quý giá nhất với bà con mình. Hẳn đó không phải là tiền bạc, là những thú vui vô bổ, mà là nguồn nước sạch, là cây cối, rừng núi xung quanh như một phần của đời sống con người”.

Không biết lúc đó Thuận có hiểu ra điều anh cán bộ này muốn gửi gắm, cậu ta nghe xong lặng lẽ bỏ đi. Đến sáng hôm sau, vợ Thuận thấy chồng mình tỉnh dậy, bất ngờ trở lại thói quen cũ, bước chân ra sân tìm kiếm những đàn chim thường bay về nhảy múa, ca hót ở một khoảnh rừng ngay trước mặt nhà. Thuận chợt lặng người bởi cậu ta không còn được nghe, thấy những chú chim ca hót, nhảy múa ở đó nữa”…

Sau khi Thuận quyết định tình nguyện làm bảo vệ rừng cho BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa, chàng ta còn thuyết phục được một đồng nghiệp cũ, cũng rất cộm cán trong giới lâm tặc, theo mình làm việc tốt. Đó là trường hợp Hồ Công Cường (SN 1988, hơn Thuận 4 tuổi), cũng ở bản Vùng Kho.

Thuận và Cường cùng các lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng

Ông Tuấn vui chuyện: “Sau khi lực lượng liên ngành rút quân, đơn vị chúng tôi may có 2 thanh niên này, nên công tác tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng cơ bản triệt để. Một đôi lần có vài nhóm thanh niên lén lút trở vào rừng khai thác gỗ trái phép. Phát hiện sự việc, Thuận và Cường chỉ cần bấm điện thoại nhắc nhở những thanh niên đó là họ lập tức trở lại bản”.

Tôi quyết định gặp Thuận để hỏi lý do em từ bỏ việc làm cũ. Ngồi bên vách đá bìa rừng, chàng trai 27 tuổi cười hiền: “Sáng hôm tỉnh rượu, em đi mãi, đi mãi vào rừng mà chẳng nghe tiếng hót của chim chóc nào. Rồi em phát hiện hoa lau bạt ngàn ở triền núi, nhưng chúng cứ héo bầm, ngọn hoa cong như ngàn dấu hỏi cùng vút lên trời cao. Trở về nhà, lúc ngang trung tâm huyện lỵ, lại nghe tiếng hát hò phát ra từ quán xá karaoke sau mỗi chuyến “phá rừng thành công” của đám bạn. Em bỗng ngộ ra nhiều điều".

Hữu Thành

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/quay-dau-la-rung-1474209.tpo