Quay cuồng trong đại hạn

Hơn 2 tháng qua, trời không nhả xuống mặt đất hạt mưa nào, 5 nghìn con người đang quay quắt trong nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Bà con ở thị trấn Sơn Lư, huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa) phải chia luân phiên, thức trắng đêm chờ đến lượt mình được vét từng giọt cuối cùng tại các mó nước trên đỉnh núi.

Người dân thị trấn Sơn Lư Quan Sơn (Thanh Hóa).

Người dân thị trấn Sơn Lư Quan Sơn (Thanh Hóa).

“Chơi” chẵn, lẻ giữa đại hạn

Chúng tôi ngược thị trấn Sơn Lư vào giữa tháng 7. Có cảm giác, cả khu vực núi rừng trùng điệp này đang héo rũ, khô nỏ dưới cái nắng đổ lửa. Dòng sông Luồng vốn hung hãn, lồng lộn là thế nhưng nay cũng đã cạn trơ đáy sau hơn 2 tháng trời không có mưa. Hạn hán do nắng nóng kéo dài khiến người dân thị trấn Sơn Lư gặp vô vàn khó khăn.

Chị Hà Thị Nhung, trú khối 3, thị trấn Sơn Lư cho biết: Đã hàng chục năm nay, người dân Sơn Lư đều dùng ống tre, luồng nối dài dẫn nước sinh hoạt từ các mó về để sử dụng. Mặc dù không đảm bảo vệ sinh nhưng lượng nước luôn dồi dào, dư thừa.

Đó là câu chuyện của nhiều năm trước, khi rừng tự nhiên của Quan Sơn còn bạt ngàn và dân cư ở thị trấn chưa đông đúc. Còn hiện nay, số dân của cả thị trấn đã vượt ngưỡng 5 nghìn người, rừng bị thu hẹp khiến nguồn nước tự nhiên không còn đủ để đáp ứng cho nhu cầu của người dân.

Mệt mỏi sau đêm dài thức trắng chờ đến lượt được lấy nước, bà Đỗ Thị Phương, trú khu 4, thị trấn Sơn Lư cho biết: Mấy năm trở lại đây, thời tiết ngày càng cực đoan khiến nguồn nước tự nhiên cạn kiệt. Thị trấn chia luân phiên người dân lấy nước theo ngày chẵn, lẻ.

“Đấy là phương pháp giải quyết vấn đề thiếu nước cho các hộ ở đầu nguồn. Còn với những hộ nằm ở gần cuối nguồn như chúng tôi thì có nước để nấu ăn thôi cũng là cả vấn đề. Có thời điểm, gia đình tôi phải đi xin, mua nước từ cách đây vài cây số về dùng. Nhiều hôm đến lượt phải chia người thay nhau thức canh nhưng chờ đến sáng cũng chẳng lấy được giọt nào”, bà Phương than thở.

Để chủ động đối phó với nguồn nước tự nhiên không ổn định, một số hộ dân có điều kiện trong thị trấn đã thuê người về khoan giếng, lấy nước ngầm sử dụng. Nhưng ngay cả cách làm này cũng được xem như “đánh bạc với tự nhiên” khi chỉ có một điểm khoan hiếm hoi cho nước, số còn lại đều trở thành công cốc.

Do thiếu nước sinh hoạt, đầu năm 2020, chị Hà Thị Nhung đã thuê thợ về khoan 3 cái giếng mới, chi phí lên đến hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ có 1 trong số 3 giếng khoan này có thể lấy nước để sử dụng.

Chị Nhung chia sẻ: “Không phải cứ khoan là có nước. Chúng tôi mong muốn, chính quyền sớm đầu tư xây dựng nhà máy nước để người dân được dùng nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh, nhất là trong những ngày hè oi bức này, nhu cầu ấy càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”.

Mong muốn xa vời

Ông Lương Văn Cương, Chủ tịch UBND thị trấn Sơn Lư cho biết: Về thực trạng nguồn nước sinh hoạt, năm 2002 thị trấn đã làm hệ thống cấp nước từ trên núi xuống cho các hộ dân. Trước kia dân số ít, nguồn nước đang còn dồi dào nhưng cũng chỉ đáp ứng được 2/3 hộ dân. 5 năm trở lại đây, do hạn hán, thay đổi môi trường, nước chỉ đáp ứng được 1 nửa thị trấn cũ. Giờ sát nhập, mở rộng dân số khoảng hơn 5 nghìn nhân khẩu, nhu cầu sử dụng cao nên càng thiếu trầm trọng.

Ông Cương mong muốn: “Từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm, nước sạch rất khan hiếm, nhiều hộ dân phải đi mua hoặc lấy nước sông về lọc dùng. Đặc biệt, mỗi khi mùa mưa lũ về, nước trở nên đục ngầu, rất nhiều bùn và không thể sử dụng. Hiện nay, điều mà chúng tôi cần nhất có 1 nhà máy nước sạch!”.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quan Sơn cho biết thêm: Hiện nay, với dân số thị trấn hơn 5.000 người, cùng với các hoạt động kinh tế, nông nghiệp..., khả năng cung cấp nước từ nguồn tự nhiên không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của cả thị trấn.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt quanh năm, đặc biệt là vào mùa khô là rất trầm trọng. Mặt khác, vấn đề chất lượng nguồn nước không đảm bảo tiêu chuẩn sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy lâu dài đối với sức khỏe của người dân.

Dự án xây dựng một nhà máy cấp nước sạch cho người dân thị trấn Sơn Lư nói riêng và đồng bào huyện miền núi Quan Sơn nói chung là điều khá xa vời! Vì hiện nay, dự án này không nằm trong kế hoạch, danh mục đầu tư công của tỉnh.

“Chúng tôi mong các cấp, ngành quan tâm, cho đầu tư xây dựng nhà máy nước trên địa bàn để người dân sớm được yên tâm sinh sống!”, ông Minh bày tỏ.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quay-cuong-trong-dai-han-491215.html