Quanh hai bức ảnh ngày 30/4/1975

Khi đặt vấn đề gỡ bỏ nghi vấn một số ảnh nổi tiếng, tôi muốn những người có trách nhiệm và những người đã phát ngôn vấn đề này ngồi lại cùng làm sáng tỏ để đi tới thống nhất, trả lại giá trị chân chính cho những tác phẩm ảnh lịch sử.

C.C.TĐánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Đinh Quang Thành

Vì là công việc khoa học nên viện dẫn tác giả tác phẩm phải cụ thể chính xác, mong các đồng nghiệp thông cảm. Nếu ai đó cần tranh luận, tôi sẵn sàng lắng nghe.

Nhầm lẫn về “đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất”

Khi chê trách Hội đồng thẩm định ảnh Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước của Hội NSNAVN năm 2011 mà ông Vũ Khánh là Chủ tịch hội đồng, nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến lên tiếng bênh vực bức Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất của Đinh Quang Thành. Rằng đây là tác phẩm đẹp, giá trị tài liệu cao. Quả thực nhìn qua thấy bức ảnh bắt mắt. Rất tiếc, bức ảnh đó không được chụp vào sáng 30/4/1975 như chú thích!

Vì buổi sáng hôm đó nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành đang cùng các phóng viên Hứa Kiểm, Vũ Tạo, Trần Mai Hưởng đi xe com-măng-ca của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) hành tiến cùng lữ đoàn xe tăng 203 trên xa lộ Biên Hòa thẳng tới Dinh Độc Lập. Phải chăng Đinh Quang Thành đã lầm lẫn?

Giới nhiếp ảnh nhiều năm nay tồn tại những nghi vấn, ngờ vực và tranh cãi quanh một số bức ảnh nổi tiếng... Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành gửi Tiền Phong bài viết này, chính là tham luận ông gửi đến hội thảo “Đặng Huy Trứ - người khai sinh ngành nhiếp ảnh Việt Nam” tháng Ba tại Huế. Mong nhận được ý kiến phản hồi của các nghệ sĩ và nhà phê bình để rộng đường dư luận.

Có chỗ nói ảnh ấy được chụp vào buổi sáng, có chỗ nói buổi trưa hoặc chiều với nội dung “Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất” và “Truy kích quân địch...”.Thực ra từ 9 giờ 25 phút, Dương Văn Minh đã đọc lời kêu gọi ngừng bắn. Sau 11 giờ 30 trưa hôm đó khoảng mươi, mười lăm phút, Đinh Quang Thành và đoàn phóng viên VNTTX mới đến sân Dinh Độc Lập. Cũng thời điểm đó, Trung đoàn 24 đã làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất. (Theo Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-1975, NXB Quân đội Nhân dân, 2005). Nhà nhiếp ảnh không thể phân thân, để có mặt ở hai nơi mà chụp ảnh! Cột khói xăng, dầu bị cháy ở khu vực sân bay mà ta thấy trong ảnh không phải bùng phát một lúc, mà nó kéo dài mấy ngày liền sau đó.

Bức ảnh này đến năm 2016, tác giả lại gửi dự xét Giải thưởng Nhà nước lần nữa. Nhưng không đủ phiếu. Nếu bức ảnh trúng giải, chắc sẽ rầy rà to. Vì đây là sự kiện lịch sử, không chấp nhận sự khập khiễng sai lệch giữa thực tế ảnh và chú thích.

Thêm mắm muối thành thêm giông bão

Sau 30/4/1975, từ lần đầu tiên, TTXVN phát các ảnh giải phóng Sài Gòn trong đó có bức Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập của Trần Mai Hưởng, chưa bao giờ lời chú thích của bức ảnh ấy được ghi là chiếc xe tăng đầu tiên! Ảnh ấy trong cuốn Sơ thảo Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam cũng chỉ ghi: Đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy Sài Gòn,1975. Do đó nếu có ai, nơi nào dùng bức ảnh này ghi là “Chiếc xe tăng đầu tiên chiếm Dinh Độc Lập” thì trách nhiệm thuộc về họ, còn tác giả Trần Mai Hưởng và TTXVN không chịu trách nhiệm.

Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập. ảnh: Trần Mai Hưởng

Những ngày sưu tầm tài liệu để bổ sung cho cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam sắp xuất bản, chúng tôi phát hiện tình tiết sau: Năm 1985, tại số kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước, tạp chí Nhiếp ảnh của Hội NSNAVN đăng bài viết của Trần Mai Hưởng có tít Chiếc xe tăng đầu tiên chiếm Dinh Độc Lập. Tôi hơi giật mình. Đọc đi đọc lại bài viết không thấy câu nào, chữ nào nói tới tình tiết xe đầu tiên.Truy tìm mãi mới biết, tít gốc của bài do tác giả đặt là Một khoảnh khắc lịch sử, nhưng nó đã được sửa cho mùi mẫn là xe đầu tiên. Xe đi đầu thì oai quá còn gì hơn! Việc hạ bút này, khi ấy không biết từ đâu!

Năm 1993, sau bài viết trên đúng 8 năm, Hội NSNAVN xuất bản cuốn Sơ thảo Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam, chi tiết xe tăng đi đầu chiếm Dinh Độc Lập của Trần Mai Hưởng được ghi ở trang 102. Khi ấy ông Nguyễn Đức Chính là một thành viên chủ chốt soạn thảo và tổng hợp các phần viết của mọi thành viên khác, còn Trần Mạnh Thường là biên tập viên NXB, đã chính thức thông qua. Những năm ấy cũng không ai để ý đến xe đi đầu, đi cuối.

Khoảng 1996, bà Francoise DeMulder- phóng viên người Pháp, có tặng Bảo tàng Quân sự Việt Nam phim bức ảnh gốc có hình ảnh xe tăng 390 và xe tăng 843 băng qua cánh cổng sắt Dinh Độc Lập.Chuyện xe trước xe sau bùng lên từ đó.

Ở đây có mắc míu cần nói thêm: Xe 843 được chỉ định đi trước, có chỉ huy ngồi trong, xe 390 đi sau, nhưng đến cổng dinh thì xe 843 không vào được. Thế là xe 390 vọt lên lao qua cánh cửa sắt. Lúc ấy bà Francoise De Mulder đứng ở trong dinh chĩa tele ra chụp, ảnh cho thấy cả hai xe. Sau khi cánh cổng sắt sập xuống, người chỉ huy ở xe sau cầm cờ lao lên.

Ngày tổng kết thành tích, người ta biểu dương vị chỉ huy và xe 843 đã hoàn thành nhiệm vụ được giao là cầm cờ xông lên cắm trên Dinh Độc Lập, mà không nói tới xe 390. Nhờ có ảnh của bà Francoise De Mulder mà nhiều người mới biết chuyện bốn chiến sĩ xe tăng 390 bị quên lãng. Báo chí lập tức vào cuộc, bênh vực xe 390, và truy ra chuyện phim tài liêu dựng cảnh xe 843 lao qua cửa sắt vào dinh. Từ đó ảnh Trần Mai Hưởng bị nghi là ăn theo khung cảnh này.

Ngày 19/12/1996, báo Lao Động đăng bài Sau 21 năm im lặng của Lê Quang Vinh, có đoạn:“Vì sao lại có phim và ảnh xe tăng 843 húc cổng Dinh Độc Lập, đạo diễn Việt Tùng đã tìm thấy câu trả lời. Tất cả được dựng lại sau ngày 30/4/1975. Tác giả phim là Hoàng Văn Bổn, tác giả ảnh là Trần Mai Hưởng...”

Lời khẳng định này như một quả bom. Đối với phim chúng tôi không rõ, nhưng đối với ảnh là sai, không đúng sự thật.

Lập tức ngày 27/12/1996, ông Phạm Hoạt, Trưởng Ban biên tập Ảnh TTXVN viết bài Một số ý kiến về bức ảnh “Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập” trên tờ Tin tức Buổi chiều của TTXVN, phản bác bài báo. Liền sau đó ngày 2/1/1997, trong mục Thư phát nhanh của báo Lao Động, nhà báo Lê Quang Vinh thừa nhận sự thiếu chính xác trong bài viết của mình.

Ngày 6/1/1997 trên tờ Tin tức Buổi chiều, Trần Mai Hưởng có bài nhắc lại sự thừa nhận nhầm lẫn của Lê Quang Vinh: “Nhưng đến “Thư phát nhanh”, anh Lê Quang Vinh cũng khẳng định rằng chiếc xe tăng trong bức ảnh của tôi có mang số 6 không trùng với xe 843 và cả xe 390. Điều đó có nghĩa là tôi không chụp ảnh chiếc xe tăng 843 và càng không có chuyện “dựng” lại sau 30/4/1975 để chụp chiếc xe tăng này...”.

Câu chuyện tưởng chừng đến đây là rõ ràng, nhưng ông Trần Mạnh Thường không xem các bài báo này hoặc xem rồi mà chưa tin, nên ông qui tội: “Trần Mai Hưởng im lặng, một sự im lặng đáng sợ”. Khi lên án người khác, ông Thường quên trách nhiệm của mình từng là người biên tập đã phê duyệt cho phép cuốn Sơ thảo Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam ra đời, mà chi tiết “xe tăng đi đầu”, ông đã “Okay” ký vào bản thảo đem in.

Đến năm 2011, được bạn bè khích lệ, ông Trần Mai Hưởng làm hồ sơ gửi bức ảnh Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập dự Giải thưởng Nhà nước. Khi bức ảnh được Hội đồng cấp cơ sở Hội NSNAVN bỏ phiếu tuyển chọn gửi lên Hội đồng cấp trên xét duyệt, thì nổ ra cơn sốt phản ứng. Hai trong bốn chiến sỹ của xe tăng 390 có đơn kiện lên Bộ VHTTDL rằng xe 390 là xe đi đầu húc đổ cánh cổng sắt mới xứng đáng giải thưởng còn những xe khác, ảnh khác dàn dựng, không xứng đáng!

Trên một tờ báo, ông Vũ Huyến bộc lộ: “Tôi lấy ví dụ: Chủ tịch cũng như quá nửa thành viên Hội đồng chuyên ngành lại là nhân viên của ông dự giải, thì liệu có cả nể?”Rồi kết luận: “Vấn đề không chỉ liên quan đến người chụp mà còn méo mó lịch sử”. Chủ tịch Hội đồng năm ấy là NSNAVũ Khánh.

Sau khi đọc bài của Trần Mai Hưởng trên Tin tức Buổi chiều ngày 6/1/1996, ông Nguyễn Đức Chính, người biên tập bài báo của Trần Mai Hưởng đăng tạp chí Nhiếp ảnh từ năm 1985 (cách đó 11 năm), có thư riêng đề ngày 7/1/1997 cho Trần Mai Hưởng chia sẻ: “... những người biên tập “ở nhà”, hoặc sau đó có lỡ “mắm muối” cho đây là chiếc xe tăng đầu tiên (dẫu rằng cho tới nay, nó là chiếc xe tăng duy nhất được chụp khi đang lăn qua cánh cổng sập) thì cũng cần sửa lại cho đúng lịch sử.”

Như vậy ông Chính đã thấy cái sai của mình nhưng chỉ nói lời riêng tư với Trần Mai Hưởng! Không hiểu vì lẽ gì hồi đó ông hứng chí thêm chút “mắm muối” ấy để sau này bùng lên cơn “giông bão” giận dữ? Bức thư ấy cho đến gần đây chúng tôi mới biết. Giá như nó được công bố ngay lúc đó (năm 1997), hoặc được trình bày công khai năm 2011, thì mọi chuyện khác xa. Có lẽ ông Vũ Khánh không biết tình tiết này nên phải đi lấy xác nhận của các phóng viên ảnh Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, Ngọc Đản, rồi cả giấy xác nhận của Trung tướng Phạm Xuân Thệ và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,Tổng giám đốc TTXVN Nam Đỗ Phượng. Vậy mà hồ sơ vẫn bị gác lại, sự hồ nghi vẫn chưa tan, cho đến tận hôm nay.

Chu Chí Thành

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/quanh-hai-buc-anh-ngay-3041975-1267247.tpo