Quảng Yên: Hiệu quả ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp

Trong những năm gần đây, Quảng Yên đang trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh mẽ ngành nông nghiệp 'công nghệ hóa'. Những ứng dụng thực tế, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp lợi thế đã mang lại hiệu quả đáng mừng, góp phần phát triển ngành nông nghiệp địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.

Mô hình trồng rau an toàn công nghệ thủy canh trong nhà lưới tại TX Quảng Yên.

Mô hình trồng rau an toàn công nghệ thủy canh trong nhà lưới tại TX Quảng Yên.

Có thể kể đến mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ BioSipec (nuôi tôm 3 giai đoạn), sử dụng chế phẩm sinh học BioFloc trên ao nổi của Công ty CP Thủy sản Tân An (phường Tân An). Theo ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tân An, công nghệ này áp dụng rất nhiều kỹ thuật tiên tiến cũng như ứng dụng chế phẩm sinh học Semi BioFloc - một loại hạt phức hợp đa dạng của vi khuẩn, tảo, mùn xác hữu cơ, động vật phù du, giun nhỏ... có giá trị dinh dưỡng cao làm thức ăn cho tôm, đã giúp giảm tới 30% lượng thức ăn trong ao nuôi, duy trì chất lượng môi trường nước tốt, đảm bảo cho tôm sinh sống, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù giá trị đầu tư trung bình cho 1ha nuôi theo công nghệ BioSipec và sử dụng chế phẩm sinh học BioFloc khoảng 20 tỷ đồng, gấp 4 lần hình thức nuôi công nghiệp thông thường, nhưng lại cho hiệu quả vượt trội: Tỷ lệ sống 85%; sản lượng 30 tấn/ha/vụ, gấp 2 lần nuôi thông thường; đạt 5-6 vụ nuôi/năm, hơn 3-4 vụ/năm; dịch bệnh trên con tôm dễ được kiểm soát và hạn chế sự lây lan... Tại Công ty CP Thủy sản Tân An, hiện tôm thương phẩm được nuôi tối đa đạt 6 vụ/năm, sản lượng gần 200 tấn/ha/năm, gấp gần chục lần so với mô hình nuôi tập trung thông thường.

Không chỉ trong dự án nuôi tôm, trứng gà Tân An cũng là thương hiệu nổi bật của TX Quảng Yên được doanh nghiệp đầu tư bài bản. Sản phẩm được sản xuất chủ yếu tại trang trại gà Dung Diễn (khu Đồng Mát, phường Tân An). Quy mô trang trại rộng 4,9ha với 80.000 con gà, tỷ lệ đẻ trên 90%, cung cấp cho thị trường 35.000 quả trứng mỗi ngày. Gà được nuôi chủ yếu trên chuồng lồng, sử dụng chất độn chuồng có bổ sung vi sinh vật nên vấn đề vệ sinh môi trường luôn đảm bảo. Bên cạnh đó, sản phẩm của trang trại đã thực hiện nghiêm các quy trình ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngoài ra, ở Quảng Yên còn nổi tiếng với sản phẩm rau an toàn bởi quy trình trồng trọt được thực hiện theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Dự án đã chuyển giao 11 quy trình công nghệ bao gồm: 8 quy trình công nghệ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, 1 quy trình sản xuất cây rau giống quy mô công nghiệp, 1 quy trình sản xuất giá thể hữu cơ và 1 quy trình công nghệ sản xuất rau an toàn trong vòm che thấp.

Theo ông Vũ Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã: Quảng Yên đã tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế hỗ trợ, nhân rộng mô hình sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp vùng sản xuất rau an toàn, vùng chăn nuôi tập trung, vùng lúa tập trung... Đồng thời, tạo cơ chế hỗ trợ và phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm đối với các lĩnh vực có thế mạnh của thị xã. Bên cạnh đó, huy động lực lượng nhân lực, tổ chức trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ về khoa học công nghệ để tập trung đóng góp công sức, đa dạng hóa các đối tượng vật nuôi, cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao cho doanh nghiệp và địa phương. Đặc biệt, để huy động mọi nguồn lực, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, địa phương đã tận dụng tối đa nguồn ngân sách trung ương, ngân sách của tỉnh và thị xã để hỗ trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu triển khai dự án ứng dụng khoa học công nghệ. Hằng năm, thị xã sử dụng bình quân 2 tỷ đồng ngân sách để đầu tư cho khoa học công nghệ.

Thời gian tới, Quảng Yên tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện hệ thống tổ chức theo hướng chuyển đổi loại hình hoạt động; phát triển sản phẩm chủ lực, đảm bảo gia tăng về giá trị, thương hiệu, ATTP; ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến. Đồng thời, hình thành vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao về sản phẩm nông sản, chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, quy mô công nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp cho thị trường, ứng dụng có hiệu quả các loại hình công nghệ chế biến, sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Dương Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/201912/quang-yen-hieu-qua-ung-dung-khcn-trong-linh-vuc-nong-nghiep-2463908/