Quảng trường Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh - Những điều chưa kể

Bác Hồ là người yêu quê hương tha thiết, nhưng từ khi ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 cho đến khi đi hết cuộc đời, Người chỉ vỏn vẹn hai lần được về thăm quê. Với tấm lòng thành kính biết ơn vô hạn đối với Bác, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An mong muốn xây dựng tượng đài Bác ngay trên quê, để ngày ngày con cháu được ngắm nhìn, tưởng nhớ về Bác.

Tượng đài Bác Hồ lung linh trong những đêm tổ chức sự kiện lớn của tỉnh Nghệ An

Tượng đài Bác Hồ lung linh trong những đêm tổ chức sự kiện lớn của tỉnh Nghệ An

Việc xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đệ trình lên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhân dịp đồng chí về thăm và làm việc tại Nghệ An năm 1997 và đã được Tổng Bí thư đồng ý.

Có 6 địa điểm được đưa ra để lựa chọn. Sau khi lấy ý kiến nhân dân và đóng góp của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, giới chuyên môn, quyết định xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ tại vị trí hiện nay, bởi có tầm nhìn phóng khoáng, ở trung tâm thành phố Vinh, gần các cơ quan của tỉnh.

Đây cũng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với các địa danh nổi tiếng như: Làng Đỏ, Trường Thi, Bến Thủy. Ngày 19/5/2000 cùng với những hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh nhật Bác, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ được khởi công xây dựng.

Tượng đài Bác Hồ xây dựng trên nội dung của bức ảnh do cố nghệ sĩ Văn Đồng chụp Bác về thăm quê lần thứ 2 vào năm 1961. Tượng cao 18m, trong đó phần tượng cao 12m, nhìn về hướng Đông Bắc, thuận theo ánh sáng tự nhiên, phía trước là núi Hồng, sông Lam và Biển Đông cửa ngõ nhìn ra thế giới, làm từ chất liệu đá granit Bình Định là loại đá vĩnh cửu. Tượng đài của Bác thể hiện được chân dung của Người cao quí, giản dị, gần gũi.

Ngoài lễ đài và sân hành lễ, trên Quảng trường Hồ Chí Minh còn có núi Chung mô phỏng. Núi được làm với ý nghĩa nơi đây đã nuôi dưỡng tuổi thơ của Người, lớn lên với bao kỷ niệm cùng bạn bè vui chơi, thả diều, kéo co. Núi có hình vòng cung, tượng trưng cho vòng tay quê hương luôn ôm ấp, che chở Bác trong suốt cuộc đời, là điểm tựa cho tượng đài thêm vững chãi.

Đất tạo nên núi Chung lấy từ núi Dơi, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, gần phần mộ thân mẫu của Bác - cụ Hoàng Thị Loan. Hiện nay, cây trên núi Chung mô phỏng đã mọc thành rừng, chim về làm tổ từng đàn. Núi Chung mô phỏng trở thành lá phổi xanh cho thành phố Vinh.

Quảng trường Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành một điểm hội tụ người dân, con cháu khắp mọi miền đất nước cũng như từ nước ngoài về đây, kính viếng Bác. Một điểm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du khách trong nước và nước ngoài trên đất Nghệ An.

Hải Hưng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/quang-truong-ho-chi-minh-tai-thanh-pho-vinh-nhung-dieu-chua-ke-516226.html