Quảng trường Hồ Chí Minh ở Vladivostok - Nơi giao thoa của tình hữu nghị Việt - Nga

Việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vườn hoa Borisenko, thành phố Vladivostok là một biểu tượng của tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và Liên bang Nga.

Trong suốt nhiệm kỳ công tác của mình, ông Huỳnh Minh Chính, Bí thư Đảng bộ Bộ phận Viễn Đông, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok (2015-2018) đã có rất nhiều đóng góp cùng chính quyền thành phố Vladivostok và Ban Chấp hành Hội người Việt tỉnh Primorye để xúc tiến việc đưa dự án đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ra trước hội đồng xét duyệt di tích lịch sử của thành phố.

Vào năm 2017, công việc đúc tượng đã được hoàn hành. Bệ tượng có khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt: “Президент Хо Ши Мин (1890-1969) герой национального освобождения Вьетнамa выдающийся деятель культуры. Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất”.

Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vladivostok.

Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vladivostok.

Toàn bộ kinh phí đúc tượng Bác, thiết kế, thi công xây dựng công trình cũng như việc mua vật liệu, thi công và lắp đặt các trang thiết bị phụ trợ (lát sân nền, đèn chiếu sáng,...) do cộng đồng người Việt Nam đóng góp. Ngoài ra, Tập đoàn Thái Hương hỗ trợ toàn bộ đá hoa cương (được chở từ Việt Nam sang) làm bệ tượng. Các bản vẽ thiết kế kỹ thuật, thi công tượng Bác, bệ tượng và các công trình phụ trợ đã được hoàn thành và được chính quyền thành phố Vladivostok chấp thuận.

Hành trình của sự đồng thuận

Ngày 23/1/2018, thành phố đã có văn bản số 12358/DD đồng ý về mặt nguyên tắc việc dựng tượng Bác tại vườn hoa trên phố Borisenko. Thể hiện sự trân trọng đối với việc đặt tượng Bác, chính quyền thành phố đã đầu tư, cải tạo toàn bộ vườn hoa Borisenko.

Thành phố coi đây là sự kiện tiêu biểu của quan hệ hữu nghị song phương tại địa phương và công trình này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại cùng có lợi giữa Việt Nam và Liên bang Nga cũng như tăng cường hoạt động du lịch của Việt Nam tại khu vực này. Chính quyền thành phố dự kiến việc khánh thành tượng Bác sẽ được tổ chức vào khoảng thời gian cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2019.

Ngày 3/10/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua sắc lệnh số 292-RP quyết định thành lập Hội đồng tổ chức năm Chéo hữu nghị Nga-Việt nhằm phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Thực hiện sắc lệnh Tổng thống, chính phủ Liên bang Nga đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp này. Khởi đầu năm Chéo hữu nghị, ông Nguyễn Hoàng Việt, Bí thư Đảng bộ Bộ phận Viễn Đông, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok cùng ông Đỗ Quốc Việt, Chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Primorye và toàn thể cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại đây bằng tất cả nỗ lực của mình đã đồng lòng hoàn thiện các thủ tục, công việc cuối cùng liên quan đến việc xây dựng tượng Bác.

Nhằm gấp rút hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan đến việc dựng tượng Bác tại thành phố Vladivostok và đảm bảo tiến độ thi công theo kế hoạch của Chính quyền thành phố, đầu tháng 4/2019, Tổng lãnh sự Nguyễn Hoàng Việt đã đem toàn bộ hồ sơ, tài liệu về nước để trực tiếp báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng.

Theo đề nghị của Tổng Lãnh sự Nguyễn Hoàng Việt, được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiệt tình và có trách nhiệm của Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Vụ châu Âu (Bộ Ngoại giao), Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngày 6/4/2019, Bộ Ngoại giao đã tổ chức một cuộc họp nhằm xem xét và rà soát toàn bộ những vấn đề liên quan đến việc dựng tượng Bác tại Vladivostok.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến được nêu trong cuộc họp trên, Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo trình Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xây dựng tượng Bác tại thành phố Vladivostok, LB Nga.

Sau khi nghe báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan, ngày 2/7/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có ý kiến chỉ đạo, đồng ý việc dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vladivostok, LB Nga.

Hết sức vui mừng sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Vlaldivostok cùng toàn thể cộng đồng người Việt Nam tại Vladivostok, các công nhân người Nga đã gấp rút hoàn thành việc lắp đặt tượng Bác.

Trách nhiệm cao cả, vinh dự to lớn

Thời tiết tại Vladivostok những ngày đầu tháng 7/2019 mưa phùn, không thuận lợi đã ảnh hưởng nhiều đến việc thi công song với tinh thần lao động hăng say không mệt mỏi, với sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền thành phố Vladivostok, các công đoạn cuối cùng đã hoàn thành đúng tiến độ.

Như một phép màu, trời Vladivostok hôm lễ khánh thành tượng Bác trong xanh lạ kỳ. Ngày 5/7/2019 theo đúng kế hoạch đã được thống nhất giữa Tổng lãnh sự quán Việt Nam, Ban chấp hành Hội người Việt tỉnh Primorye và chính quyền thành phố Vladivostok, lễ khánh thành đã được diễn ra trong không khí trang trọng, đầm ấm.

(Từ trái sang) Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Primorye Đỗ QuốcViệt, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok Nguyễn Hoàng Việt, Thị trưởng thành phố Vladivostok Oleg Gumenhyuk và Chủ tịch Hội đồng thành phố Vladivostok Andrei Brik cắt băng khánh thành tượng Bác, ngày 5/7/2019.

Dự buổi lễ có ông Oleg Gumenyuk, Thị trưởng thành phố Vladivostok, ông Andrei Brik, Chủ tịch Duma thành phố, đại diện Bộ Ngoại giao Nga tại thành phố Vladivostok, các ban ngành của tỉnh, Hội hữu nghị Nga - Việt, Hội cựu chiến binh, đại diện các trường đại học và nhân dân thành phố.

Về phía Việt Nam, có sự tham dự của Tổng Lãnh sự Nguyễn Hoàng Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại LB Nga Trần Phú Thuận, các cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán, đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng cùng đông đảo bà con cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Primorye.

Tổng lãnh sự Nguyễn Hoàng Việt nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, mà còn nỗ lực hết mình cho cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì lương tri, phẩm giá con người, vì hòa bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là người đã đặt nền móng, xây dựng nên mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam và Nga”.

Còn Thị trưởng Vladivostok Oleg Gumenhyuk khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một phần của văn hóa, lịch sử Việt Nam và tượng đài Bác Hồ tại thành phố Vladivostok sẽ là một điểm du lịch nổi tiếng và quảng trường Hồ Chí Minh này sẽ trở thành nơi giao thoa của tình hữu nghị Nga và Việt Nam”.

Với niềm xúc động sâu sắc, ông Andrei Brik, Chủ tịch Duma thành phố Vladivostok phát biểu: “Chủ tịch Hồ Chí Minh có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với sự phát triển của lịch sử Việt Nam, mà còn trở thành anh hùng của toàn bộ phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX.

Người là người bạn lớn của nhân dân Liên Xô (LB Nga ngày nay). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ Nga - Việt, một nhà chính trị và danh nhân văn hóa kiệt xuất, luôn ủng hộ tình đoàn kết giữa các dân tộc. Việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng của tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước”.

Ông Đỗ Quốc Việt, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Primorye, người theo suốt quá trình đặt tượng Bác từ khi còn là ý tưởng đến khi khánh thành, chia sẻ: “Cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và làm việc trên nước Nga không bao giờ quên sự giúp đỡ chí tình và luôn ủng hộ duy trì, phát huy tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Nga.

Việc chung tay cùng xây dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là trách nhiệm chung cao cả của từng người con đất Việt, đáp ứng mong mỏi chung của hai dân tộc. Đây là một niềm vinh dự vô cùng to lớn cho cộng đồng người Việt tại Primorye”.

Tượng Bác đã có ở rất nhiều nơi, song theo ông Đỗ Quốc Việt, “Vladivostok là khởi điểm lịch sự hoạt động cách mạng chính trị, là bàn đạp có ý nghĩa cho công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Nhân dân Liên Xô và nhân dân Nga ngày nay luôn ủng hộ kịp thời, chí tình cho nhân dân Việt Nam. Việc đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công là một nỗ lực rất lớn, chứng minh sự gắn bó, tình hữu nghị keo sơn giữa hai dân tộc mặc cho tình hình kinh tế chính trị thế giới có nhiều thay đổi”.

Ông Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt tại Liên bang Nga cùng các vị khách quý tại lễ khánh thành tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Vladivostok, ngày 5/7/2019.

Kể từ giai đoạn năm 2015 đến nay, tình hình kinh doanh buôn bán của cộng đồng người Việt trên toàn Liên bang Nga nói chung và tỉnh Primorye nói riêng đều rất khó khăn. Tuy nhiên với tinh thần tự tôn dân tộc và lòng yêu nước sâu sắc cũng như sự biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, bà con cộng đồng đã chung tay đóng góp công sức, vật liệu, kinh phí xây dựng tượng Bác tại Vladivostok. Trong đó có tập thể cơ quan Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok, đại diện tập đoàn FPT tại Nhật Bản, đại diện tập đoàn TH True Milk và các cá nhân như ông Thái Khắc Việt, Chủ tịch hội người Việt Nam tỉnh Khabarovsk, ông Nguyễn Trọng Quyền, Vương Thy Quỳ, doanh nhân thành đạt tại Vladivostok...

Biểu tượng của khát vọng hòa bình

Đã hơn 30 năm kể từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam là “anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”.

Nghị quyết của UNESCO đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là “anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn”. Người đã “cống hiến đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Người đã có sự “đóng góp quan trọng và về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”. Người là “kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc của dân tộc mình và biểu hiện cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

Đối với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi nguồn cho niềm tin vào sự tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và phồn vinh của nhân dân. Với bạn bè quốc tế, Bác Hồ là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức, bất công. Trái tim và khối óc của Người luôn đồng lòng với nhân dân thế giới.

Với khát vọng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bằng những cống hiến về tư tưởng cũng như về thực tiễn chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần giải phóng các dân tộc bị áp bức, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã góp phần đặt nền tảng quan trọng cho sự hình thành tư tưởng về sự bình đẳng giữa các dân tộc và đồng thời là hiện thân sinh động về sự bình đẳng ấy.

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh người ta thấy “toát ra một nền văn hóa của tương lai, toát ra sự kết tinh những giá trị văn hóa cao đẹp của cả phương Đông và phương Tây”...

Tầm vóc của danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa lâu dài của mỗi dân tộc, mỗi gia đình, mỗi con người.

Đó là sự dung hòa giữa việc khẳng định bản sắc mỗi dân tộc cũng như thúc đẩy hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau trong những sự khác biệt, đa dạng, là lòng nhân ái, vị tha, bao dung. Đó là sự đề cao việc rèn giũa, tôi luyện những đức tính trong cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân, từ những điều giản dị nhất cho tới những tri thức văn hóa tinh tế.

Trong những năm vừa qua, tại Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, đã có nhiều hoạt động thiết thực để tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh và tôn vinh những giá trị cao đẹp của Người.

Từ khắp mọi nơi trên thế giới, đã có nhiều câu chuyện, nhiều cuốn sách, nhiều thước phim tư liệu được chia sẻ về cuộc đời hoạt động của Người và đặc biệt là sự kiện dựng tượng Bác tại thành phố Vladivostok – Liên bang Nga - đây là hoạt động đã giúp tăng cường sự kết nối, dung hòa, hiểu biết hơn lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới và còn là hoạt động thiết thực của chúng ta để hưởng ứng Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” .

Quảng trường nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức mang tên Quảng trường Hồ Chí Minh tại Vladivostok, nơi giao thoa tình hữu nghị Việt - Nga.

Vườn hoa Borisenko hay Tượng Bác không chỉ là hiện thân của một sản phẩm hữu hình mà còn mang giá trị tinh thần to lớn. Nơi đây sẽ trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Vladivostok, của cộng đồng người Việt tại Viễn Đông, là khát khao và ước muốn gìn giữ những tinh hoa của đất nước và quảng bá những tinh hoa ấy với bạn bè quốc tế năm châu.

Ý thức sâu sắc về những tư tưởng, đạo đức cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả mọi công dân Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Viễn Đông nói riêng và trên toàn Liên bang Nga nói chung sẽ nỗ lực hết sức mình tích cực tôn tạo vườn hoa Borisenko cũng toàn thể công trình tượng Bác, ra sức học tập và cống hiến để góp phần vào gìn giữ và phát huy các giá trị mà Người đã để lại.

Điều đó phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế, và cũng sẽ là hành động thiết thực phù hợp với tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cộng đồng người Việt tại đây sẽ mãi vững niềm tin son sắt với Đảng, nhà nước và luôn gắn kết như một khối thống nhất không thể tách rời với toàn thể dân tộcViệt Nam như lời Bác đã từng dạy:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công”

Cao Thị Ánh Tuyết - Trịnh Quốc Vinh

(từ Liên bang Nga)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quang-truong-ho-chi-minh-o-vladivostok-noi-giao-thoa-cua-tinh-huu-nghi-viet-nga-127756.html