Quảng trường Ba Đình đã hình thành như thế nào?

Diện mạo của Quảng trường Ba Đình trong quá khứ từng khác rất nhiều so với ngày nay. Cùng khám phá lịch sử hình thành Quảng trường Ba Đình qua những bức ảnh lịch sử quý giá.

Vào thời nhà Nguyễn, Quảng trường Ba Đình tương ứng với khu cửa Tây của thành cổ Hà Nội. Đến thời Pháp thuộc, thành bị phá dỡ, khu vực này quy hoạch thành một quảng trường rộng lớn được đặt tên là Vườn hoa Pugininer.

Vào thời nhà Nguyễn, Quảng trường Ba Đình tương ứng với khu cửa Tây của thành cổ Hà Nội. Đến thời Pháp thuộc, thành bị phá dỡ, khu vực này quy hoạch thành một quảng trường rộng lớn được đặt tên là Vườn hoa Pugininer.

Một vòng xoay nhỏ được xây dựng gần đó cũng được đặt tên là Vòng xoay Pugininer (Rond-point Pugininer). Do hình tròn của vòng xoay mà người dân Hà Nội xưa còn gọi Vườn hoa Pugininer là Quảng trường Tròn.

Công trình nổi bật ở khu vực Vườn hoa Pugininer là cánh cổng của Vườn Bách thảo (khai trương năm 1890). Đây là một công trình khá bề thế với hai tầng, ba vòm cổng chính và nhiều vòm cổng phụ nằm hai bên. Vị trí cánh cổng này ứng với khu vực phía trước Lăng Bác Hồ ngày nay.

Nằm cạnh cổng Vườn Bách thảo, Phủ Toàn quyền được khởi công xây dựng vào năm 1901, là dinh thự bề thế bậc nhất của toàn miền Bắc thời thuộc địa. Công trình này ngày nay là Phủ Chủ tịch.

Năm 1914, trường Albert Sarraut được xây dựng cạnh Vườn hoa Pugininer, phía trước Phủ Toàn quyền. Các tòa nhà cũ của ngôi trường này ngày nay vẫn còn, nằm trong khuôn viên Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, bác sĩ Trần Văn Lai được cử làm Đốc lý Hà Nội (Thị trưởng). Là người có tinh thần dân tộc cao, ông đã đổi một loạt tên đường phố từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, và đổi tên Vườn hoa Pugininer thành Vườn hoa Ba Đình.

Việc đổi tên này là để tôn vinh vùng Ba Đình ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài từ tháng 9/1886 đến tháng 1/1887.

Tại vườn hoa Ba Đình, sáng 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc mít-tinh có hàng chục vạn người tham gia.

Sau sự kiện trọng đại này, Vườn hoa Ba Đình được người dân Hà Nội gọi là Quảng trường Ba Đình hay Quảng trường Độc Lập và con đường chạy qua quảng trường là đường Độc Lập. Những tên gọi này được giữ nguyên cho đến ngày nay... Ảnh: Tạp chí Kiến trúc.

Mời bạn đọc xem video: Kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2019). Nguồn VTV

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/quang-truong-ba-dinh-da-hinh-thanh-nhu-the-nao-1429281.html