Quảng Trị ứng phó hạn hán

Câu đúc kết hàng trăm năm của những người sống với nghề nông: 'Ông tha mà bà chẳng tha/Cả lụt cả bão hai ba tháng mười' xem ra năm nay không còn 'linh ứng' với vùng đất Quảng Trị.

Trước và sau ngày này, Quảng Trị chỉ có mưa lâm thâm nên mực nước trong các hồ chứa chỉ ở mức thấp nhất, chưa được 40% dung tích. Biến đổi khí hậu gây ra khô hạn giữ mùa đông đang làm cho tỉnh này quay quắt tìm phương án gồng mình chống hạn.

Gần 8.500 ha đất lúa không sản xuất được

Ông Nguyễn Đức Hậu ở làng Trung Đơn, xã Hải Thành, huyện Hải Lăng không giấu được vẻ lo lắng cho biết thông thường mọi năm đến thời điểm này người dân ở đây đã chịu đựng ít nhất vài ba trận lụt, còn đồng ruộng thì ngập nước hoàn toàn. Nhưng năm nay cuối tháng 10 âm lịch mà chưa có trận lụt nào nên vụ ĐX chắc chắn sẽ bị sâu bệnh và chuột phá hoại vì thiếu nước tưới.

Nhiều hồ chứa đang khô cạn

Thời điểm hiện nay, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chỉ đạt 1.300mm, đạt 53% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, thấp hơn 523mm so với năm 1997 (1.823mm) đã gây ra hạn hán nghiêm trọng năm 1998. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, hiện tượng ENSO đã chuyển sang trạng thái El Nino (trạng thái nóng) từ tháng 11/2018, lượng mưa 3 tháng cuối năm 2018 thấp hơn trung bình nhiều năm. Do lượng mưa thấp, nên dung tích ở các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều ở mức rất thấp, lượng nước ở một số hồ thủy lợi lớn đều thấp hơn mực nước các năm 1997, gây ra khô hạn lịch sử năm 1998 và năm 2014, khô hạn năm 2015.

Qua kết quả rà soát của UBND các huyện, thành phố, thị xã cho thấy năm 2019, dự báo có gần 8.500ha đất lúa thiếu nước không sản xuất được, tập trung chủ yếu tại huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và Triệu Phong. Trong đó trong đó vụ ĐX có gần 1.600ha, vụ HT gần 7.000ha thiếu nước tưới. Chưa kể có gần 7.000ha ruộng lúa không đảm bảo nước từ nguồn tự chảy, cần bơm hỗ trợ, trong đó vụ ĐX hơn 3.100ha, vụ HT gần 3.800ha.

Chuyển sang cây chịu hạn

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, trước tình hình khẩn cấp này, Sở đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt phương án tổ chức SXNN và phục vụ dân sinh ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019.

Theo đó, đối với các diện tích đảm bảo nước tưới, tập trung thâm canh, cơ cấu 100% diện tích sử dụng giống lúa ngắn ngày, cực ngắn để tiết kiệm nước tưới, nâng cao năng suất, hiệu quả thông qua các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với diện tích thiếu nước tưới, tập trung rà soát chuyển đổi sang sử dụng giống lúa chịu hạn hoặc chuyển sang sản xuất cây trồng cạn. Căn cứ vào đặc điểm địa hình, khí hậu và thị trường hiên tại, cây ngô được lựa chọn là cây chuyển đổi chính với các giống có năng suất và chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng như: LVN10, C919, CP888, NK54, ngô nếp lai HN88, HN68, MX10, VN2, nếp nù, MX4. So với cây lúa thì nhu cầu nước của cây ngô chỉ bằng 1/4 và 70% diện tích sản xuất ngô hiện nay chủ yếu nhờ vào nước trời.

Cây đậu xanh được lựa chọn là cây chuyển đổi chính trên đất lúa vụ HT 2019, tập trung các giống có năng suất, chất lượng cao như ĐX208, ĐX044, V87-13, HL75. Đậu xanh là cây trồng thích hợp với nhiều chân đất, chịu hạn tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn từ 60 - 70 ngày, cải tạo đất, sau gieo 40 ngày đã cho thu hoạch.

Với nguồn nước cần áp dụng biện pháp tưới luân phiên ngay từ đầu vụ ĐX, tận dụng các nguồn nước hồi quy ở các trục tiêu, ao hồ, sông suối để bơm tát phục vụ làm đất, gieo sạ, chỉ sử dụng nước ở các hồ chứa khi cần thiết, tiết kiệm nước để sử dụng vào cuối vụ ĐX và HT. Tổ chức tưới luân phiên cho các kênh, từ kênh cấp 1 trở xuống, ngay sau khi kết thúc giai đoạn gieo sạ. Áp dụng chế độ tưới nông lộ phơi, kết hợp cắt, giảm các đợt tưới hợp lý để tiết kiệm nước. Ưu tiên nước để tưới cho giai đoạn lúa làm đòng và lúa trổ.

Để giúp nông dân vượt quá khó khăn do thiên tai hạn nặng gây ra, Sở NN-PTNT Quảng Trị đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất. Cụ thể hỗ trợ 100% kinh phí cho các địa phương mua giống ngô chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước tưới trong vụ HT 2019 với mức 3 triệu đồng/ha. Đối với địa bàn miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách huyện 30%. Đối với địa bàn đồng bằng, ngân sách tỉnh 50%, ngân sách huyện 50%.

Ngoài ra còn hỗ trợ kinh phí làm đất hoặc công cụ làm đất cho các địa phương thực hiện công tác chuyển đổi với định mức 2 triệu đồng/ha trên diện tích hỗ trợ gần 1.600ha...

QUANG HUY - QUANG BỬU

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/quang-tri-ung-pho-han-han-post232160.html