Quảng Trị: Thành lập tổ đẩy đuổi 'cát tặc' bảo vệ dòng sông quê hương

Từ khi tổ tự phát bảo vệ dòng sông quê hương đi vào hoạt động, sông Thạch Hãn đoạn đi qua thôn Mai Xá Chánh, xã Gio Mai (huyện Gio Linh, Quảng Trị) trở nên bình yên, không còn bóng dáng tàu, thuyền khai thác cát trái phép như trước đây.

Hàng ngàn mét, dọc bờ sông thuộc cồn Soi, thôn Mai Xá Chánh đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng.

Hàng ngàn mét, dọc bờ sông thuộc cồn Soi, thôn Mai Xá Chánh đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng.

Thấy cảnh dòng sông bị “dày xéo” bởi sự bất chấp pháp luật của các chủ tàu, thuyền khai thác cát trái phép, diễn ra năm này qua năm khác, một nhóm thanh niên ở thôn Mai Xá Chánh, xã Gio Mai (huyện Gio Linh) gồm: Lê Văn Phương, Trương Khắc Hoàng, Trương Hữu Nghĩa, Vũ Mạnh Tiến, Trương Hữu Huy, Trương Quang Luận đã thành lập “Tổ bảo vệ dòng sông”.

Con thuyền là phương tiện đi lại trên sông của “Tổ tự phát bảo vệ dòng sông”.

Tổ tự phát bảo vệ dòng sông quê hương được thành lập từ tháng 01/2021 đến nay, tổ hoạt động có tôn chỉ mục đích, đó là: Đẩy đuổi tàu thuyền khai thác cát trái phép và đánh bắt thủy sản bằng xung điện trên đoạn sông đi qua thôn; cứu hộ, cứu nạn khi quê hương có lũ lụt lớn xảy ra. Để có phương tiện hoạt động, tổ đã đầu tư đóng mới một chiếc thuyền máy trị giá với số tiền 25 triệu đồng, bằng nguồn vốn một phần do các cá nhân trong tổ góp và kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân.

Khảo sát thực địa tại bờ sông này, chúng tôi tận mắt thấy cảnh sạt lở kinh hoàng có chiều dài hàng cây số, chỉ tay ra vùng nước sâu xanh ngắt ngay trước mặt anh Phương kể, trước đây là cồn cát rất dài nổi lên giữa lòng sông, nhưng giờ đã biến mất. Anh Hoàng nhớ lại ký ức ngày xưa đi hết chiều ngang đồng Soi mỏi rã chân, nhưng bây giờ còn rất hẹp.

Đoạn sông đi qua xã Gio Mai có chiều dài khoảng 5km, bờ Bắc là thôn Mai Xá Chánh; bờ Nam thuộc xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong. Do tác động từ nhiều yếu tố, bờ bắc đoạn sông này bị sạt lở nghiêm trọng, nước xâm thực vào đất cồn Soi khoảng 40m, cuốn trôi hàng chục ha đất canh tác của người dân. Nhiều người dân ở đây cho biết, trước đây bờ sông (cũ) cách bờ sông hiện tại hàng chục mét và đều là bờ cát thoải, nhưng nay bị sạt lở, trở thành bờ sông dựng đứng, ngay chân bờ nước sâu 1-2m.

Khai thác cát trái phép một cách có hệ thống là một trong những nguyên nhân chính yếu làm bờ sông đoạn qua xã Gio Mai bị sạt lở trầm trọng. Xin nói thêm rằng, trong lúc “cát tặc” đang hoành hành, người dân thôn Mai Xá Chánh đã nhiều lần “kêu cứu” chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, nhưng không hiểu lý do gì mà nạn “cát tặc” không hề thuyên giảm, ngày càng biến tướng hơn.

Dư luận hết sức bức xúc và đặt ra nghi vấn: Phải chăng “cát tặc” đã có một thế lực nào bảo kê? Ông Trương Quang Luận, người dân ở thôn Mai Xá Chánh bức xúc: “Cách đây mấy năm 2 bờ Nam - Bắc trên đoạn sông này đều trồng cây ngập mặn để bảo vệ bờ sông. Tuy nhiên, bờ Nam do chính quyền làm tốt công tác quản lý, đến nay cây lên xanh tốt, bờ không bị sạt lở. Trong khi đó bờ Bắc (thuộc cồn Soi) do sự tách trắc, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để “cát tặc” ngang nhiên tháo dỡ hàng rào khai thác vào cả khu vực trồng cây… Vì vậy, đến nay bờ sông thuộc cồn Soi, thôn Mai Xá Chánh phải gánh chịu hậu quả tồi tệ như thế này”…

Tổ tự phát bảo vệ dòng sông quê hương ở thôn Mai Xá Chánh hình thành trong sự bất đắc dĩ, không phải là một tổ chức pháp nhân, song mang lại lợi ích lớn cho xã hội, được sự tán thưởng và hưởng ứng của người dân xã Gio Mai nói chung và thôn Mai Xá Chánh nói riêng.

Các thành viên nhóm tự quản đều có chung quan điểm, rằng: Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, họ có nghiệp vụ, nguồn lực, chúng tôi chỉ bất đắc dĩ, thấy xót xa khi đất đai, ruộng đồng bị tàn phá nên bất đắc dĩ phải làm thay.

Hữu Tiến

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-tri-thanh-lap-to-day-duoi-cat-tac-bao-ve-dong-song-que-huong-300561.html