Quảng Trị: Phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung

Tỉnh Quảng Trị tập trung thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.

Dự án điện gió ở Hướng Linh 2, Hướng Hóa, Quảng Trị.

Dự án điện gió ở Hướng Linh 2, Hướng Hóa, Quảng Trị.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 53 dự án nguồn điện được quy hoạch, tổng công suất 4.746MW. Trong đó, 14 dự án với tổng công suất 377MW đã đưa vào vận hành, 40 dự án tổng công suất 2.959MW đang triển khai đầu tư và trên 70 dự án tổng công suất 10.700MW đã được UBND tỉnh Quảng Trị trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung vào quy hoạch. Nếu được chấp nhận, Quảng Trị sẽ có tiềm năng quy mô công suất phát điện khoảng 15.000MW. Trong đó, có đến 123 dự án thuộc loại hình năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.500 MW, bao gồm: Điện gió 84 dự án; thủy điện 16 dự án; điện mặt trời 3 dự án.

Hiện tại, đã có 84 dự án điện gió được đề xuất với tổng quy mô công suất khoảng 4.030,85MW, trong đó có 31 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2MW; 53 dự án với tổng công suất 2.853,65MW đã trình Bộ Công Thương xem xét, bổ sung quy hoạch. Bên cạnh đó, có 8 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.620MW. Trong 31 dự án được phê duyệt quy hoạch, đã có 2 dự án công suất 60MW đi vào hoạt động, đó là dự án điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 do Tổng Công ty Cổ phần Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư.

Ngoài 2 dự án điện gió đi vào hoạt động, đến thời điểm hiện tại có 25 dự án điện gió khác với công suất 987,2 MW đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư, các nhà đầu tư phấn đấu hoàn thành trước thời điểm 1/11/2021; 4 dự án với tổng công suất 130MW đang thực hiện thủ tục để cấp chủ trương đầu tư.

16 dự án thủy điện được quy hoạch với tổng công suất 260,5MW, trong đó 10 dự án với tổng công suất 167,5 MW đã đưa vào vận hành; 5 dự án với tổng suất 83MW đang được triển khai đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2020 - 2024 và 1 dự án đang lập chủ trương đầu tư với công suất 10MW.

Riệng điện mặt trời, Quảng Trị có 3 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 149,5MWp, các dự án này đã hoàn thành, phát điện thương mại. Bên cạnh đó, có 19 dự án điện mặt trời đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.391MWp, 2 dự án đang triển khai khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với quy mô công suất khoảng 115MWp.

Đồng thời, theo quy hoạch địa điểm trung tâm điện lực Quảng Trị, Bộ Công Thương phê duyệt gồm 2 nhà máy nhiệt điện than tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng công suất 2.400MW, trong đó dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với công suất 1.320MW, hiện đã đàm phán xong vòng 1 hợp đồng BOT và bảo lãnh Chính phủ, sẽ vận hành tổ máy số 01 vào tháng 12/2023 và tổ máy số 2 vào tháng 6/2024.

Đối với điện khí, hiện đã có 3 dự án với tổng công suất 6.340MW đề xuất đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam, trong đó dự án Nhà máy điện khí 340MW của Gazprom đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch vào điện lực quốc gia và chỉ định nhà đầu tư; 2 dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng 4.500MW và Nhà máy điện khí Hải Lăng 1 với 1.500MW đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Trong đó, dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung giai đoạn 1 là 1.500MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, hiện đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

Quảng Trị là một vùng quê tiêu điểm của cả nước về nắng, gió và mưa nhiều. Nhưng chính sự khắc nghiệt ấy đã tạo ra lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo ít nơi nào có được, góp phần rất quan trọng cho việc phát triển năng lượng. Bởi lẽ đó, việc phấn đấu đến năm 2030 sẽ đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung là hoàn toàn có cơ sở.

Hữu Tiến

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-tri-phan-dau-den-nam-2030-tro-thanh-trung-tam-nang-luong-cua-mien-trung-301816.html