Quảng Trị: Người đàn ông khuyết tật sửa xe miễn phí cho học sinh vùng cao

Sau một lần không may bị tai nạn, dù đôi chân không còn khỏe như trước, nhưng chứng kiến nhiều chiếc xe đạp cũ hư hỏng của học sinh nghèo ở những bản làng xa xôi vứt lăn lóc vì không có chỗ sửa, anh Dũng lại tình nguyện sửa, tân trang xe đạp miễn phí cho các em.

Nhiều năm qua, việc làm mang ý nghĩa nhân văn của anh Nguyễn Ngọc Dũng (xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), luôn được người dân địa phương trân trọng và nhắc đến với sự biết ơn.

Với anh Dũng, dù bị khuyết tật chân, việc đi lại rất khó khăn nhưng anh vẫn đều đặn dành một ngày chủ nhật hàng tuần để sửa xe miễn phí cho các em học sinh nghèo. Những em nhỏ vùng cao nhờ có anh mà luôn có xe đạp đến trường

Cứ vào ngày cuối tuần, anh Dũng và một số thầy cô lại vào bản sửa xe cho học sinh nghèo.

Anh Dũng kể: Nhiều năm trước, anh có làm rẫy cà phê ở khu vực gần bản Bù, xã Tân Lập. Đến mùa thu hoạch, anh thường xuyên có mặt ở rẫy để hái cà phê và cũng thỉnh thoảng ghé qua bản Bù chơi. Mỗi lần đi tắt qua bản anh lại thấy rất nhiều xe đạp của các em học sinh bị hư hỏng không có chỗ sửa, vứt lăn lóc, trong khi các em lại phải đi bộ đến trường xa hàng cây số.

“Từ những điều tận mắt thấy, tôi đề xuất các bà, các mẹ hái cà phê giúp rồi tôi lại sửa xe cho các cháu, sửa chữa đồ điện giúp các gia đình trong bản.

Cũng bắt đầu từ đó, tôi thỉnh thoảng đến sửa xe, sửa đồ giúp dân bản, dù rằng lúc ấy tôi chưa sửa xe, sửa đồ điện chuyên nghiệp”, anh Dũng chia sẻ

Xe đạp các em luôn được chăm sóc chu đáo

Ba năm trước, điều không may đến với anh Dũng. Khi chở vợ đi lên Lao Bảo thì anh gặp tai nạn giao thông, sức khỏe suy giảm nặng, nhất là đôi chân bị teo và yếu đi rất nhiều. Từ ngày sức khỏe không còn đảm bảo, anh Dũng nghỉ hẳn làm rẫy và chuyển sang sửa chữa xe đạp và đồ điện gia dụng ở nhà.

Được sự động viên của một số giáo viên thân tình ở Trường THCS Tân Lập, mỗi ngày chủ nhật anh đều đóng quán để theo các thầy vào các bản sửa xe đạp, sửa đồ điện miễn phí giúp học sinh và người dân một số bản như bản Cồn, bản Vây, bản Bù...

Ở xã Tân Lập, phần lớn các gia đình đồng bào đều có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để sửa xe đạp cho con em mình đến lớp. Trường xa, cuộc sống thiếu thốn khiến nhiều em học sinh từ bỏ việc học rất sớm.

Thấu hiểu sự khó khăn ấy, dù bận bịu đến mấy anh Dũng cùng với thầy cô giáo đang giảng dạy ở Trường THCS Tân Lập vẫn dành một ngày nghỉ của mình để chia sẻ khó khăn với các em học sinh.

Em Hồ Văn Bình (Lớp 8A, trường THCS Tân Lập) cho hay, chúng em ở đây đường đi lại rất khó khăn, nhà cũng xa trường nên nếu xe đạp bị hư thì đi học rất vất vả. Khi được chú Dũng và các thầy cô sửa xe đạp miễn phí em rất vui

“Dân bản và học sinh ở các bản ấy đều có cuộc sống khó khăn, điều kiện đi lại trắc trở nên mình thực tâm chỉ muốn giúp họ khắc phục phần nào khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống. Với tôi, tôi chỉ muốn giúp các em có được chiếc xe đạp cứng cáp để đến trường học chữ và mong muốn các em cố gắng học hành để mai sau thành người có ích cho xã hội”, anh Dũng nói.

Để có kinh phí giúp anh Dũng thực hiện ước muốn của mình, công đoàn trường THCS Tân Lập đã phát động chương trình “Kết nối yêu thương - xe đạp cùng em đến trường” nhằm huy động đoàn viên đóng góp kinh phí, ngày công để cùng với anh Dũng đến với nhiều thôn bản khó khăn. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ thay thế phụ tùng, lắp ráp mới hàng chục chiếc xe đạp, đồng thời cũng đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội.

Anh Ngọc Dũng chia sẻ: “Tôi thấy rất tự hào khi những chiếc xe đạp cũ hư hỏng, qua tay tôi trở thành một chiếc xe đạp tốt giúp cho các cháu đến trường, tôi thấy rất hạnh phúc.

Dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, bản thân tật nguyền nhưng chưa khi nào anh Dũng thôi mong muốn được giúp đỡ những em học sinh nghèo được đến trường. Câu chuyện về anh Dũng và thầy cô giáo ở huyện miền núi Hướng Hóa đã truyền cảm hứng cho cộng đồng, để mỗi người sống có trách nhiệm hơn, biết yêu thương và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/quang-tri-nguoi-dan-ong-khuyet-tat-sua-xe-mien-phi-cho-hoc-sinh-vung-cao-65079.html