Quảng Trị muốn xây cảng 14.234 tỷ: Vận chuyển gì?

Cảng Cái Mép - Thị Vải cụm cảng lớn nhất Việt Nam cũng mới khai thác được 20%-30% công suất. Quảng Trị làm cảng xong thì vận chuyển nguồn hàng nào?

Đó là câu hỏi đầu tiên TS Lê Phúc Hòa, chuyên gia Logistics và vận tải đa phương thức đặt ra trước mong muốn của UBND tỉnh Quảng Trị được đầu tư Dự án xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng.

Phát triển cảng biển miền Trung: Thách thức đối với ngành dịch vụ logistics. Ảnh: GL-Logistics

Vận chuyển hàng nào?

Phân tích kỹ hơn, TS Lê Phúc Hòa cho biết, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện đang được đánh giá là cụm cảng lớn nhất nhưng hoạt động cũng vẫn trong tình trạng cầm chừng, mới khai thác được khoảng 20-30% công suất của cảng vì nhiều nguyên nhân như: thiếu hàng hóa, hàng hóa không về được cảng do hệ thống tổ chức mạng lưới giao thông kết nối kém, vận tải khó khăn, đường vào tắc nghẽn...

Trong khi đó, lại đang có trào lưu tỉnh nào cũng muốn đầu tư xây dựng cảng, nhưng không xây dựng được hệ thống kết nối hạ tầng giao thông, logistics không phát triển, không có hàng hóa vận chuyển cuối cùng, xây cảng ra nhưng bị "ế", không hiệu quả.

"Tôi có thể khẳng định ngay Quảng Trị làm cảng sẽ không hiệu quả. Tôi không biết Quảng Trị lấy nguồn hàng ở đâu để tàu vận chuyển, không có hàng thì tàu nào sẽ ra vào cảng Quảng Trị?.

Quảng Trị đừng chạy theo phong trào xây cảng biển, sân bay mà không tính tới hiệu quả để cuối cùng tiêu tốn tiền bạc ngân sách, không đem lại hiệu quả còn tạo gánh nặng cho địa phương", TS Lê Phúc Hòa cảnh báo.

Về đề xuất Dự án có tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 2.143 tỷ đồng; vốn huy động và vốn khác là 12.091 tỷ đồng, thời gian thực hiện 50 năm do Công ty cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy là nhà đầu tư được triển khai trên diện tích 685 ha, tổng quy mô gồm 10 bến phát triển, có công năng và cỡ tàu khai thác là 100.000 DWT, ông Hòa cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiên quyết không rót thêm tiền ngân sách để đầu tư cảng biển mà nên giao lại cho tư nhân họ làm.

Lý giải thêm về hiện tượng chạy đua làm cảng biển, sân bay, TS Lê Phúc Hòa cho rằng cần phải đặt câu hỏi với những người đưa ra đề xuất dự án cho tới người phê duyệt dự án liệu có vì lý do cá nhân hay không?

"Nếu để tư nhân làm, tôi tin các đề xuất đều phải xuất phát từ hiệu quả thực tế. Tuy nhiên, các dự án khi sử dụng tiền của ngân sách thì cách ứng xử bao giờ cũng khác với cách làm của tư nhân, cụ thể là có sự xuê xoa, thậm chí, xin cho có dự án, kiếm dự án là để kiếm lợi chứ không vì lợi ích chung, vì hiệu quả chung", TS Lê Phúc Hòa lo ngại.

Đặc biệt lo ngại về nguy cơ bội thực cảng biển, TS Lê Phúc Hòa nhắc tới cuộc chạy đua xây dựng cảng biển tại khu vực miền Trung khiến quy hoạch về cảng biển bị băm nát, gây lãng phí, bức xúc.

Ông nhấn mạnh,vấn đề của các tỉnh miền Trung là quá nhiều cảng biển lớn nhỏ mọc lên nhưng lại không chú trọng đầu tư hạ tầng kết nối, khiến cho các khu kinh tế lớn như Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất... đều chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, sản xuất, trong khi các tỉnh vẫn thi nhau nâng cấp, xây dựng các cảng nhỏ lẻ của riêng tỉnh mình. Điều này vừa khiến hao tổn nguồn lực trong đầu tư, vừa khiến việc cạnh tranh giữa các tỉnh trở nên gay gắt hơn.

Do đó, TS Lê Phúc Hòa cho rằng, các tỉnh cần đặt vấn đề phát triển cảng biển trong liên kết vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế của tỉnh cũng như vùng trong thu hút đầu tư.

Quảng Trị muốn xây cảng 14.234 tỷ: Đừng chạy theo 'mốt'

Thách thức với ngành logistics

Một lần nữa khẳng định không nên chạy đua xây dựng dự án cảng biển mới, TS Lê Phúc Hòa cho rằng các địa phương thay vì chạy theo dự án nên chú trọng đầu tư cho logistics phát triển.

"Trước hết phải xây dựng chuỗi cung ứng vận chuyển trọn gói từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hàng hóa bao gồm nhiều phương thức vận tải khác nhau như đường bộ, đường sắt và đường biển. Muốn làm được như vậy thì cần có chính sách thu hút đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản trị chiến lược, xây dựng - quản lý hệ thống các chuỗi bố trí kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian trong cung ứng hàng hóa.

Vì khi vận chuyển hàng hóa, thuê kho bãi bao giờ doanh nghiệp cũng tính tới yếu tố tiết kiệm chi phí, vận chuyển thuận lợi...", ông Hòa lưu ý.

Cũng theo vị chuyên gia này, các tỉnh, địa phương thay vì nghĩ tới lợi ích cục bộ thì cần phải nhìn rộng tới lợi ích chung, lợi ích của cả vùng nhất là trong bối cảnh công nghiệp địa phương không đủ mạnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ ngành logistics còn còi cọc, kém hiệu quả thì việc tiếp tục xé nhỏ nguồn đầu tư, chạy theo dự án sẽ càng khiến các nhà cung ứng dịch vụ logistics không thể dựa vào qui mô dịch vụ để phát triển.

"Như vậy, khó khăn càng chồng chất thêm khó khăn, cảng biển vốn đã ế sẽ càng ế ẩm, thua lỗ", ông Hòa lo ngại.

Lam Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/quang-tri-muon-xay-cang-14234-ty-van-chuyen-gi-3370579/