Quảng Trị mảnh đất anh hùng

Ai đã từng một lần đến Quảng Trị hẳn không bao giờ quên Thành cổ và dòng sông Thạch Hãn…Những địa danh này ghi dấu những mất mát, đau thương nhưng cũng vô cùng hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Xin mượn lời nhà thơ Lê Trung Sơn để bày tỏ niềm xúc động nghẹn ngào khi đến Thành cổ Quảng Trị:

"Anh sẽ về Quảng Trị cùng em

Qua Triệu Phong ghé vào thăm Thành cổ

Thắp nén nhang cho người nằm dưới cỏ

Đứng lặng nhìn nước mắt ngỡ trời mưa..."

(Anh sẽ về- Lê Trung Sơn)

Về Quảng Trị để thấm thía hơn ca từ bài hát "Cỏ non Thành cổ" của nhạc sĩ Tân Huyền. "Cỏ non xanh tơ, cỏ non xanh tơ, xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình".

Tháng Tư bầu trời Quảng Trị cao, trong, xanh, lồng lộng nắng và gió. Thành cổ bây giờ được xây dựng gọn gàng, đẹp đẽ. Ai cũng biết rằng Thành cổ là đất lửa ác liệt trong chiến tranh, nơi đây biết bao chiến sĩ đã nằm lại dưới cỏ. Cỏ non Thành cổ xanh mỡ màng nhưng dưới lớp đất này là các anh đó, những con người dũng cảm vô song. Phải đến Quảng Trị, vào Thành cổ mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của mảnh đất anh hùng.

Có một người lính mái tóc bạc phơ trở lại chiến trường Thành cổ nơi ông đã cùng đồng đội chiến đấu 81 ngày đêm năm 1972. Người lính ấy may mắn trở về. Ông trở lại chiến trường sau bốn mươi ba năm và ông biết những người sống sót trở về không phải ai cũng có điều kiện trở lại thắp nén nhang cho đồng đội của mình.

Người lính già thắp nén nhang cho đồng đội, đôi mắt ông rưng rưng lệ, ông chậm chạp lấy trong ví của mình những đồng tiền mà ông tích cóp bấy lâu để vào hòm công đức. Ông khóc lặng hồi lâu, miệng lẩm bẩm gì đó không ai nghe rõ nhưng nét mặt của ông rất bình thản.

Nếu bạn đến Thành cổ, xem những di vật ở phòng bảo tàng bạn sẽ thấy tất cả như huyền thoại mà không phải là huyền thoại. Là người thật, việc thật. Có một bức thư trong hàng ngàn bức thư gửi cho người thân trong những năm lửa đạn còn sót lại trong đống đổ nát được tìm thấy và được trưng bày ở đó. Lá thư người lính viết cho người vợ trẻ. Không biết lúc ngồi viết thư anh ấy như thế nào? Nhưng chắc chắn anh ấy cũng như bao người lính dũng cảm, kiên cường, quyết tâm cao độ, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy. Xin nghiêng mình kính cẩn trước vong linh của anh và những người lính năm xưa.

Có một dòng Thạch Hãn trong xanh, êm đềm, thơ mộng. Dòng sông là chứng nhân lịch sử chứng kiến những hy sinh anh dũng của những người con đất Việt kiên cường. Dòng sông ấy từng cuộn ngầu sắc đỏ:

"Thạch Hãn giờ dòng chảy vẫn như xưa

Hồn bạn tôi có còn nguyên đáy nước

Thả nến, thả hoa có ai nhận được

Vết đạn bom thù nhức nhối con tim..."

(Anh sẽ về - Lê Trung Sơn)

Lặng ngắm dòng sông mà lòng đau thắt, thầm cảm ơn các anh đã không tiếc thân mình để giữ cho dòng sông vẻ đẹp thơ mộng, yên bình. Dòng sông vẫn còn đó như một chứng nhân lịch sử.

Có một dòng sông linh thiêng như thế trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng.

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi năm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước...”

(Đò lên Thạch Hãn - Lê Bá Dương)

Viết đến đây lòng tôi bỗng nghẹn ngào…

Tôi xấu hổ thay cho kẻ tự xưng làm thầy tìm mộ liệt sĩ dám lừa thân nhân của các anh, không phải là hài cốt mà là xương động vật. Tôi nghe được câu chuyện như thế này: Ông thầy tìm mộ liệt sĩ đã chót lọt được một vụ ở Tây Nguyên nhưng đến Quảng Trị thì bị lộ và một trong những người về bắt ông thầy đó nói rằng không phải chúng tôi bắt được anh đâu, mà là anh linh các anh hùng liệt sĩ chỉ đường bắt anh đó.

Những ngày tháng Tư miền Trung nóng bỏng như tính cách thật thà ngay thẳng của người miền Trung, tôi cảm phục đồng chí đó vì quyết tâm không để cho những kẻ vì tiền dám xúc phạm những người đã khuất. Tôi thấy mình may mắn vì bố tôi trở về, dẫu cuộc đời không như ý nhưng tôi vẫn luôn cảm phục người lính ấy vì tôi biết rất ít về chiến tranh vì người lính ấy không kể nhiều. Ông quan niệm thật đơn giản “Khi đất nước cần thì mình sẵn sàng làm tròn trách nhiệm của một thanh niên với đất nước” hoàn thành nhiệm vụ thì khép quá khứ lại sau lưng. Phải chăng ông không muốn kể công? Vì nghĩ đến đồng đội, nghĩ đến những thế hệ đã ngã xuống…vì muốn con mình được bình yên trong giấc ngủ.

Quảng Trị hôm nay không ngừng đổi mới và phát triển, đất lửa hồi sinh kỳ diệu, những dãy núi đồi trùng điệp phủ một màu xanh tràn đầy sức sống. Quảng Trị đang ngày một phát triển để xứng đáng với sự hy sinh của những người lính. Tạm biệt nhé Quảng trị thân yêu, nếu có dịp vẫn muốn có ngày trở lại mảnh đất anh hùng.

Hà Nội, tháng 7- 2015

NGÔ THỊ HỒNG LIÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/quang-tri-manh-dat-anh-hung-544977