Quảng Trị: Mạch nguồn nghìn năm giếng cổ

Quanh những chân đồi đầy ắp loại đá mồ côi, hệ thống giếng cổ Gio An (xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) nghìn năm qua vẫn luôn cung cấp dòng nước mát lành cho cư dân nơi đây. Dù trải qua nhiều biến thiên trong lịch sử nhưng những giếng cổ vẫn tồn tại đến ngày nay.

Về miền giếng cổ Gio An

Từ Quốc lộ 1A ngược lên hướng Tây theo Tỉnh lộ 75 chỉ khoảng 7km, du khách đã đặt chân lên miền giếng cổ nằm dưới chân những đồi đất bazan mang trong mình những lớp trầm tích văn hóa.

Có lẽ, với đặc thù của một triền đồi trên là đất đỏ bazan, dưới là lớp đá mồ côi dày đặc đã tạo nên một hệ thống mạch nước ngầm trải dài. Bao đời nay, dải đất miền Trung, nước là thứ vô giá với cư dân vùng đất luôn đối mặt với hạn hán và gió Lào. Bằng sự tinh tế của bàn tay, khối óc của những cư dân xưa đã biến những mạch nước thành những chiếc giếng độc đáo miệt mài chảy mãi nghìn năm.

 Với sự tỉ mỉ và công phu, những giếng cổ tại xã Gio An tồn tại hàng nghìn năm qua.

Với sự tỉ mỉ và công phu, những giếng cổ tại xã Gio An tồn tại hàng nghìn năm qua.

Đặc biệt, tại vùng đất xã Gio An - nơi vẫn còn vẹn nguyên hệ thống giếng cổ với những kỹ thuật, kiến trúc độc đáo. Năm 2001, “Hệ thống công trình khai thác nước cổ Gio An” đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Trong đó, hệ thống bao gồm 14 giếng cổ nằm phân bố đều tại các làng: Hảo Sơn, Long Sơn, An Nha, An Hướng, Thanh Khê, Tân Văn của xã Gio An.

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử đã tác động ít nhiều lên hệ thống giếng cổ. Tuy nhiên, nét kiến trúc độc đáo cũng như mạch nước vẫn tồn tại nghìn năm qua và tiếp tục nuôi dưỡng mảnh đất và cư dân vùng đất này. Đó là nguồn nước tưới tắm cho bao thế hệ và trở thành biểu tượng văn hóa cộng đồng. Là nơi gặp gỡ, giao lưu, hò hẹn của trai gái, kết nối tình làng nghĩa xóm.

Dưới những chân đồi bazan, giếng cổ cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân Quảng Trị.

Quanh những con đường làng tỏa bóng cổ thụ - nơi khu vực dân cư tiếp giáp với đồng ruộng là những chiếc giếng cổ vẫn ngày đêm miệt mài sản sinh ra dòng nước mát lành. Bước chân trên những viên đá mồ côi được xếp ngay ngắn thành hàng, thành lối đã nghe tiếng nước róc rách từ giếng cổ chảy ra.

Những cái tên giếng mang đậm nét của văn hóa địa phương vùng đất này. Tùy vào công năng, kiến trúc hay đặc điểm riêng biệt mà người dân gọi tên, như: Giếng Ông, giếng Bà, giếng Pheo, giếng Gái, giếng Máng, giếng Gai…

Mỗi buổi chiều, lũ trẻ lại tụ tập về đây vẫy vùng trong dòng nước trong suốt và mát lành từ lòng đất tuôn ra. Hay những người nông dân vừa trở về từ cánh đồng gần đó, ngâm chân trong dòng nước, hồ hởi trò chuyện về một vụ mùa bội thu.

Vào những buổi trưa hè hay đêm trăng, bên giếng cổ cũng là nơi trao duyên của trai gái trong làng. Mà có lẽ, nhờ dòng nước trong lành, thiếu nữ vùng đất này luôn có làn da trắng hồng nức tiếng gần xa.

Hệ thống giếng cổ Gio An không chỉ là nơi cư dân nơi đây được tắm mình trong không gian văn hóa truyền thống mà còn mang giá trị khảo cổ lớn.

Hướng đến di sản thế giới

Dù những phế tích xưa không còn nhiều nhưng qua hệ thống giếng cổ nơi đây còn tồn tại, chứng tỏ trước kia đây từng là một vùng đất với cư dân đông đúc. Qua những khám phá, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật, những lớp trầm tích của các nền văn hóa khác nhau.

Theo các nhà khảo cổ, nghiên cứu hệ thống giếng cổ Gio An có niên đại trên 2.000 năm tuổi hoặc còn xa hơn. Đây là hệ thống dẫn thủy cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất mang giá trị cao về khảo cổ, văn hóa và nghệ thuật độc đáo do người Chăm xưa sáng tạo nên.

Với các đợt khảo cổ, nghiên cứu các nhà khoa học xác định hệ thống những giếng cổ Gio An có niên đại hơn 2.000 năm.

Từ những kỹ năng độc đáo, những cư dân Chăm xưa đã tìm ra các mạch nước ngầm bên triền đồi ở những độ cao khác nhau. Bằng sự công phu và tỉ mỉ từng chi tiết, giếng được xây dựng chủ yếu từ những viên đá mồ côi, đá bazan. Chúng được mài, đẽo hoặc sắp xếp lại mà không cần một chất kết dính nào để hình thành các hệ thống giếng nước.

Mỗi giếng, mỗi khu vực trong giếng cũng được chia ra sử dụng mỗi công năng khác nhau nhằm tận dụng nguồn nước quý giá này. Giếng có phần để lấy nước nấu ăn, phần để tắm giặt, nơi để trâu bò uống nước và sau đó qua hệ thống kênh tự đào hay xếp đá để tưới mát cho đồng ruộng; hay là giếng dành cho đàn ông (giếng Ông), giếng dành cho phụ nữ (giếng Bà)... Vòng tuần hoàn của nước cứ thế chảy mãi và nhờ đó nghìn năm qua những giếng cổ này chưa bao giờ khô cạn.

Nguồn nước sạch, trong xanh từ giếng cổ trở thành nguồn cung cấp dinh dưỡng quý giá cho loài rau xà lách xoong.

Bồi hồi bên giếng cổ, không chỉ cảm nhận sự độc đáo, kỳ thù của một công trình nghìn năm bền bỉ mà còn cảm nhận sự mát lành, hòa mình với thiên nhiên của một cộng đồng làng, xã nơi đây.

Nơi dòng nước trong lành từ giếng cổ chảy ra là những ruộng rau liệt (còn gọi là xà lách xoong) xanh mướt. Loài cây này chỉ bám khẽ chút rễ vào lòng cát, sỏi để khỏi trôi còn lại sinh trưởng hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước. Nước bị vấy bẩn, hay bón chút phân, đạm vào thì loài cây này tàn lụi.

Nhờ vào nguồn nước từ giếng cổ, loài cây này sinh sôi mãnh liệt. Đây cũng là nguồn mang lại thu nhập cho các hộ gia đình khi rau liệt Gio An trở thành đặc sản ở các nhà hàng.

Bên giếng cổ, những ruộng rau trở thành nguồn thu của nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Qua nhiều đợt khảo sát của Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị toàn bộ hệ thống giếng cổ tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ… xác định có gần 200 giếng cổ, công trình khai thác nước cổ. Trong số này, có nhiều giếng được xác định có tuổi đời hàng trăm năm hoặc cùng niên đại với hệ thống các giếng cổ ở xã Gio An.

Hệ thống giếng cổ Gio An cùng với những di tích giếng cổ, khai thác nước cổ khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ được đưa vào hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản thế giới.

Ông Nguyễn Quang Chức - Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết: Từ những đợt khảo sát, làm việc với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt “Hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị”. Từ việc khảo sát các giếng cổ trên toàn địa bàn, bước đầu đưa 70 giếng cổ vào lập hồ sơ khoa học.

“Đó là công việc trước mắt và cũng là bước đệm để hướng đến xa hơn trong việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận “Hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị” là Di sản thế giới. Điều này cần có thời gian và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và của Trung ương”, ông Nguyễn Quang Chức chia sẻ.

Minh Tân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quang-tri-mach-nguon-nghin-nam-gieng-co-423085.html