Quảng Trị: Đường cứu nạn cần… cứu

Những ngày tháng 11 mây đen vần vũ, chúng tôi đội mưa gió ngược lên phía Tây Quốc lộ 1A theo con đường ven sông Thạch Hãn thuộc địa bàn xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Trước mắt chúng tôi là những đoạn đường được xây dựng dang dở xen lẫn những đoạn đường nham nhở với những ổ gà, ổ voi đủ loại.

Mố cầu trên đường cứu nạn bỏ dang dở từ nhiều năm nay

Mố cầu trên đường cứu nạn bỏ dang dở từ nhiều năm nay

Dự án đường cứu nạn

Năm 2010 dự án đường cứu hộ, cứu nạn và phát triển kinh tế dọc hai bên bờ sông Thạch Hãn đoạn từ thượng lưu cầu Thạch Hãn lên đến Đập Trấm (công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn) được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt với tổng mức đầu tư 683 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2015 dự án do Ban QLDA đầu tư xây dựng thuộc Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư trực tiếp, sẽ hoàn thành.

“Ôi, hồi đó nghe làm đường cứu nạn, dân bầy tui sống ven sông Thạch Hãn mừng lắm, rứa là mình sắp được đổi đời rồi. Mừng hung, nhưng rồi...”, giọng ông Lê Văn Phố ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng bỗng chùng xuống nửa chừng kèm theo tiếng thở dài não nuột dưới trời mưa nặng hạt. Ông Phố đâu có biết rằng vừa mới thi công thì dự án đã phải điều chỉnh cắt giảm bớt theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công. Độ dài đoạn đường từ 8,5km xuống còn 8,1km; kinh phí từ 402 tỷ đồng xuống còn 327 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2013, tổng giá trị thực hiện của dự án là 167 tỷ đồng trong khi vốn kế hoạch được bố trí là 87 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Phố, người dân xã Triệu Thượng bức xúc với đường cứu nạn dang dở

Dự án này là con đường huyết mạch dọc theo sông Thạch Hãn nhưng do bị cắt “nửa chừng xuân” nên để lại nhiều hệ lụy. Đập vào mắt chúng tôi là những chiếc xe máy, xe ô tô chở hàng, chở gỗ rừng trồng chạy trên những đoạn đường lầy lội vào mùa mưa. Một ông đang chạy xe máy thấy chúng tôi chụp ảnh liền dừng lại. Ông nói với vẻ bức xúc: “Mấy chú có kêu chi giúp dân được không. Đầu tư làm đường cứu nạn cho dân mà làm kiểu ni à? Làm nửa chừng, đoạn làm đoạn không rồi bỏ đó, đường càng ngày càng tệ. Mùa hè thì bụi mù trời, mùa mưa thì mấy chú nhìn thấy rồi, đi lại khổ lắm. Mấy chú đi lên phía trên mà coi mấy cây cầu họ làm dang dở. Xót của lắm! Đề nghị Nhà nước phải coi lại. Mấy chú hỏi tên, tui nói luôn: Lê Trường Kỳ, thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng”.

Chờ được cứu

Ngược lên thượng nguồn sát đập Trấm, dọc đoạn đường 8 cây số có đến 5 cây cầu hoành tráng nhưng nằm phơi mưa nắng, sắt thép han gỉ. Ông Lê Văn Phố lại nói : “Đó, mấy anh coi, khi cầu mới xây thì tui cũng mới trồng tràm, nay tui đã thu hoạch sau một chu kỳ 5 năm, trồng lại lứa khác mà cầu thì vẫn rứa, giao cho trời đất. Nghe nói đường làm hàng trăm tỷ mà cầu cống, đường sá làm nửa chừng rồi bỏ không thì lãng phí biết mấy mà kể”.

Chiều đến, học trò lũ lượt đi về trên con đường cứu nạn trong mưa. Thầy Hiệu trưởng Trường TH&THCS Triệu Thượng Mai Văn Ánh ưu tư: “Trường chúng tôi có 300 học sinh. Hầu hết đều đi qua con đường cứu nạn này. Nhưng dự án dở dang gây ra rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc đi lại, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nguy cơ học sinh nghỉ học, bỏ học rất dễ xảy ra”.

Ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng cũng lo lắng: “Con đường ven sông Thạch Hãn có ý nghĩa rất quan trọng trong giao thông đối với xã Triệu Thượng. Việc người dân đi lại khó khăn cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Rất mong Nhà nước quan tâm đến con đường này cho dân”.

Con đường cứu nạn dang dở đã trở thành con đường khốn khổ với những ổ trâu đằm hết sức lầy lội khi mưa xuống

Vừa qua, theo chỉ đạo của tỉnh, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã có văn bản báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án đường nối từ cầu Thạch Hãn đến trung tâm phường An Đôn, thị xã Quảng Trị trùng với dự án cũ. Có điều là quy mô teo lại. Theo đó kinh phí chỉ còn 80 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 30 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 50 tỷ đồng do UBND tỉnh Quảng Trị làm chủ quản đầu tư và Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Dự kiến năm 2019 thi công và năm 2020 hoàn thành.

Khi trao đổi về vấn đề này, ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết: “Chúng tôi cũng hiểu và chia sẻ những khó khăn của bà con khi đi lại trên những đoạn đường như vậy và mới đây cũng đã kiến nghị với tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cũng đã quan tâm lập đoàn khảo sát, xem xét tìm biện pháp khắc phục một số trở ngại trên con đường này. Mong rằng dự án mới sớm được triển khai sẽ giải quyết những khó khăn phần nào của nhân dân địa phương”.

Chúng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chị Võ Thị Lan trú tại thôn Trấm. Mắt rơm rớm như muốn khóc, giọng chị không nén nổi sự xúc động: “Ngày nào tui cũng đi qua đường này. Xe cộ tan hoang theo đường sá, người nơi khác đến đây một lần là thất kinh vì con đường. Có người lúc đi qua con đường này những lúc quay về lại bằng đò máy vì sợ. Hết dự án này đến dự án khác, cứ về đo đạc rồi hứa hẹn. Dân thì cứ chờ từng ngày, mà tám năm rồi vẫn cứ chờ. Không biết khi nào mới hết khổ theo con đường này!”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/quang-tri-duong-cuu-nan-can-cuu-3968069-b.html