Quảng trị: 'Đổi đời' nhờ trồng tiêu, nuôi bò

Vùng đất Kim Thạch quanh năm nắng gió, cát bụi đầy gian khó, đã thay da đổi thịt nhờ phát triển cây hồ tiêu và nuôi bò vỗ béo.

Xây nhà, sắm ô tô

Kim Thạch được sáp nhập từ hai xã Vĩnh Kim và Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vào cuối năm 2019. Xã có vị trí địa lý khá đặc biệt khi có hai hướng là phía đông và bắc đều giáp biển. Bên cạnh thuận lợi về phát triển nghề đánh bắt, Kim Thạch cũng chịu vô vàn khó khăn từ thiên tai, đặc biệt là các cơn bão hằng năm.

Vượt lên những khó khăn, người dân Kim Thạch đã mày mò, tìm những giống cây, con mới, thích hợp với vùng đất để phát triển.

Cựu chiến binh Dương Văn Tài bên vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: Kế Toại.

Cựu chiến binh Dương Văn Tài bên vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: Kế Toại.

Theo tìm hiểu, tại huyện Vĩnh Linh, một nhóm hộ đã đứng lên gây dựng để thành lập HTX đặc sản hồ tiêu. Tuy nhiên, do thời gian qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chưa thể tổ chức đại hội và chính thức thành lập.

Cựu chiến binh Dương Văn Tài, thôn An Lễ, xã Kim Thạch cho biết, gia đình đang trồng hơn 1ha cây hồ tiêu.

Mỗi năm, vườn tiêu nhà ông Tài cho thu sản lượng khoảng 3 tấn, thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Với đặc thù tự nhiên là đất đỏ bazan, gia đình ông Tài đang mở rộng thêm diện tích cây hồ tiêu trong năm nay.

Theo ông Tài, động lực để trồng cây hồ tiêu một phần là được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương và ngành NN-PTNT. Từ khi trồng hồ tiêu, ông Tài năng nổ tham gia nhiều lớp khuyến nông, được cầm tay chỉ việc cách trồng, chăm sóc và thu hái hồ tiêu.

Ông Tài bật mí, kinh nghiệm cho thấy, nếu sử dụng quá nhiều phân bón hóa học cho cây hồ tiêu, đất sẽ nhanh chai cằn, tuổi thọ của cây cũng giảm xuống. Đồng thời, cũng ảnh hưởng tới vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như phẩm chất của sản phẩm. Vì vậy, ông sử dụng toàn bồ phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây hồ tiêu.

Hồ tiêu Vĩnh Linh đang được xây dựng trở thành đặc sản của tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Kế Toại.

Điều ông Tài phân vân là hiện nay, chưa phát triển được khâu sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Theo ông Tài, với loại tiêu sạch trên thị thường hiện nay (đã sơ chế, đóng gói), giá luôn cao hơn 1,5 – 2 lần so với gia đình bán ra. Trong khi, phẩm chất tiêu của ông ngang ngửa, thậm chí là tốt hơn.

“Vừa qua, các hộ trồng tiêu chúng tôi cũng rủ nhau đi tham quan một số công nghệ sơ chế, bảo quản hồ tiêu. Trước nay chúng tôi vốn là những hộ thuần nông, sản xuất cơ bản nên chưa tiếp cận được những công nghệ này”, ông Tài cho hay.

Hiện tại, việc mua bán hồ tiêu tại Kim Thạch nói riêng, huyện Vĩnh Linh nói chung vẫn phó mặc cho thương lái.

Theo ông Tài, tới vụ, ai trả cao hơn thì bán cho người đó, không có hợp đồng giao dịch. Vì vậy, giá thu mua cũng trồi sụt, bấp bênh có khi theo từng ngày.

Đàn bò vỗ béo của người dân xã Kim Thạch cho thu nhập ổn định. Ảnh: Kế Toại.

Bên cạnh những khó khăn, theo ông Tài, rất may, Kim Thạch là xã đầu tiên của huyện được đầu tư xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, những con đường dẫn vào nhà ở, vườn hồ tiêu của người dân được mở rộng, hẹp nhất là 6 mét. Chính vì vậy, việc thông thương, phương tiện vận tải dễ dàng vào thu mua nông sản.

Từ thu nhập bán hồ tiêu, gia đình ông Tài đã có tiền xây cất được căn nhà 2 tầng, sắm được chiếc ô tô 4 chỗ trị giá hơn 500 triệu đồng.

Phát triển nghề nuôi bò

Chị Nguyễn Thị Lệnh, thôn An Đông, xã Kim Thạch cho biết, đang nuôi 13 bò thịt. Theo chị Lệnh, nghề nuôi bò truyền thống ở Kim Thạch thì có từ rất lâu. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, người dân đẩy mạnh nuôi bò vỗ béo để bán.

Để hỗ trợ người dân, chính quyền xã Kim Thạch thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật. Trong đó, tập trung hướng dẫn người dân phòng và trị các bệnh thường gặp trên đại gia súc.

Cũng theo chị Lệnh, do mới nuôi với quy mô nhiều nên cũng chưa tính được lời lãi một năm bao nhiêu. Nhưng cứ tính trung bình, mỗi con bò nuôi từ khi còn nhỏ, khoảng 7 – 8 tháng là bán được 15 triệu đồng. Còn với bò vỗ béo, sau 2 – 3 tháng nuôi, mỗi con lãi khoảng 5 triệu đồng.

Người dân mong muốn đầu ra cho hồ tiêu ổn định hơn khi được bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Kế Toại.

“So với trước đây trồng lúa, trồng ngô thì thu nhập như vậy là cao hơn nhiều. Nhưng mỗi khi bò bị bệnh cũng rất lo, nhẹ thì gia đình tự chữa, nặng thì phải gọi ngay cán bộ thú y. Đợt này bò được giá nên chắc lứa tới, gia đình cũng thu được một khoản”, chị Lệnh tâm sự.

Bên cạnh mở rộng chăn nuôi, người dân Kim Thạch cũng quan tâm đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải để bảo vệ môi trường. Toàn bộ phân bò khô, người dân thu gom rồi ủ cùng trấu làm phân bón..

Để giảm chi phí nuôi, người dân đã tận dùng đất trồng cỏ voi, dùng thêm lá, thân chuối xay nhỏ, trộn thêm các loại cám làm thức ăn cho bò.

“Gia đình cũng rất muốn mở rộng chuồng trại để sản xuất nhưng diện tích đất hạn hẹp. Trong khi nguồn vốn đầu tư cũng còn ít nên hiện tại giữ nguyên quy mô”, chị Lệnh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Tấn Thụy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thạch cho biết, tổng đàn bò của địa phương luôn đạt xấp xỉ 2.500 con. Trong đó bao gồm cả bò sinh sản và vỗ béo.

Về cây hồ tiêu, Kim Thạch duy trì gần 300ha. Các hộ trồng tiêu cũng được địa phương hỗ trợ như các hộ chăn nuôi bò. Để nâng cao chất lượng, xã Kim Thạch đang hướng người dân sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Tới đây khi HTX đặc sản hồ tiêu Vĩnh Linh chính thức hoạt động, xã sẽ đứng ra kết nối để tiêu thụ.

Theo Kế Toại/Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/quang-tri-doi-doi-nho-trong-tieu-nuoi-bo/20200704115302972