Quảng Trị: Dân 'tố' phá rừng khai thác titan, công ty lập biên bản khống hợp thức hóa

Thời gian qua, tại xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị) 'dậy sóng' việc người dân phản đối các công ty khai thác titan trên địa bàn. Bởi người dân lo lắng việc đánh đổi môi trường để khai thác titan sẽ ảnh hưởng lâu dài đến đời sống người dân.

Người dân không đồng thuận

Trong thời gian qua, người dân thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã gửi thư cầu cứu đến nhiều nơi phản ánh việc Công ty Cổ phần khoáng sản Thanh Tâm (gọi tắt Công ty Thanh Tâm) được chính quyền cấp phép khai thác titan trên địa bàn.

Người dân lo lắng khi công ty Thanh Tâm đi vào khai thác titan sẽ phá hỏng hệ sinh thái rừng phòng hộ, làm mất nguồn nước ngầm, và ruộng đồng bị cát hóa, bà con không thể mưu sinh ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Đình Lặng (trú ở thôn Đông Luật) cho rằng, chính quyền cấp phép khai thác titan trước khi tổ chức họp dân, tham vấn cộng đồng là không thực tế. Bởi người dân sống ở đây bao đời, chống chọi với gió mưa, bão biển và gió Lào khắc nghiệt, giờ phá rừng phòng hộ thì người dân biết sống thế nào.

Công ty CPKS Quảng Trị khai thác titan trên địa bàn xã Vĩnh Thái.

Công ty CPKS Quảng Trị khai thác titan trên địa bàn xã Vĩnh Thái.

“Năm 2017, người dân được chính quyền địa phương thông báo về việc công ty Thanh Tâm khai thác rừng phòng hộ để lấy titan. Công ty, xã và huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này, nhưng chưa có văn bản nào được dân đồng ý. Vì thế để đối phó, Công ty Thanh Tâm đã tổ chức một cuộc họp nhưng không lập biên bản, sau đó lập biên bản khống rồi đi từng nhà vận động xin chữ ký để hợp thức hóa nộp lên chính quyền”, ông Lặng bức xúc nói.

Bà Trần Thị Lệ phản ánh: “Tôi đã gửi đơn kiến nghị lần thứ 3 lên chính quyền rồi, tỉnh có về họp với dân, nhưng chúng tôi không đồng thuận. Họ (công ty Thanh Tâm-PV) cho tôi 100 nghìn đồng để xin chữ ký. Ai ký đồng thuận thì họ cho 100 nghìn đồng. Sau khi chúng tôi phản ánh thì tỉnh đã bắt công ty xin lỗi rồi”.

Nhiều hồ nước xuất hiện khi công ty khai thác titan rút đi mà không hoàn trả mặt bằng.

Ông Trần Như Mạnh ở thôn Đông Luật cho biết: “Rừng dương ở địa phương được trồng từ những năm 1957-1958, và sau đó được trồng nhiều đợt nữa để phòng hộ chắn cát.

Sau này thực hiện trồng rừng theo Quyết định 327, và nguồn vốn Việt-Đức hỗ trợ thực hiện trồng thêm, nên người dân gọi là rừng Việt-Đức. Nếu công ty khai thác titan thì phải mở đường qua một số rừng Việt-Đức của dân khoanh nuôi, bảo vệ. Giờ chính quyền dùng biện pháp mạnh để mở đường cho công ty, vì đường đó công ty đã mua lại hợp thức hóa rồi”.

Ảnh hưởng môi trường

Trên địa bàn xã Vĩnh Thái hiện nay đang có 2 công ty được cấp phép khai thác titan là Công ty Cổ phần khoáng sản Quảng Trị (công ty Quảng Trị) và công ty Thanh Tâm. Trong đó Công ty Quảng Trị được Bộ TNMT cấp Giấy phép số 1518/CP-BTNMT ngày 1/8/2008, diện tích khu vực được khai thác là 118ha, thời hạn khai thác 15 năm. Công ty Thanh Tâm được Bộ TNMT cấp Giấy phép số 2824/GP-BTNMT ngày 07/12/2016.

Công ty Quảng Trị đã đi vào hoạt động khai thác titan nhiều năm nay, nhưng công tác hoàn thổ chưa được chú trọng. Có nhiều vị trí khai thác làm cát chảy đe dọa đến ruộng hoa màu của người dân. Nhiều hộ dân ở thôn Thử Luật sống gần vị trí công ty Quảng Trị khai thác titan có nguồn nước hôi, thối không sử dụng được.

Khai thác titan thải cát "uy hiếp" diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 695/QĐ-UBND ngày 14/4/2015 về việc “Chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị” do ông Hà Sỹ Đồng-Phó chủ tịch UBND tỉnh ký.

Nội dung Quyết định chuyển đổi diện tích 75,2ha tại tiểu khu 554, xã Vĩnh Thái thuộc đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Mục đích chuyển đổi: Phát triển kinh tế-xã hội, môi trường của địa phương. Sau đó, công ty Thanh Tâm vào xin dự án khai thác titan.

Ông Ngô Thế Thanh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết: “Công ty Thanh Tâm sau khi được Bộ cấp phép thì họ về tham vấn cộng đồng và photo hồ sơ cơ bản gửi cho xã. Thôn, xã, công ty tham vấn có hơn 50 hộ không đồng tình. Họ sợ mất nước, mất môi trường khi khai thác, nên không đồng ý”.

“Cán bộ xã, công ty, và tổ công tác đã cử người về nắm tình hình và tâm tư nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, những hộ dân này đã dựng lán trại để bảo vệ rừng phòng hộ, nhưng ở xã thì không còn rừng phòng hộ. Địa phương chỉ chấp hành chỉ đạo của cấp trên, đồng thời phối hợp tạo điều kiện cho công ty làm. Tuy nhiên công ty phải đảm bảo các thủ tục với người dân trước khi khai thác”- ông Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái nói.

Giếng nước ngầm của hàng chục hộ dân ở thôn Thử Luật gần vị trí khai thác titan, bị hôi, thối, không sử dụng được.

Liên quan đến công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác titan trên địa bàn xã Vĩnh Thái, ông Lê Văn Năm – Trưởng phòng TN-MT huyện Vĩnh Linh cho rằng: “Mỏ Bộ TNMT cấp phép thì việc kiểm tra và giám sát hoàn thổ là do sở quản lý, còn trách nhiệm của huyện là phối hợp thôi. Việc khai thác titan ở xã Vĩnh Thái mà chưa hoàn thổ như các anh (PV) phản ánh nằm ở vị trí hồ lớn thì trước đây họ nói sẽ chấp hành, nếu thực tế chưa hoàn thổ thì tôi sẽ cho kiểm tra lại. Nếu họ chưa hoàn thổ thì chưa cho lấy quỹ tài nguyên môi trường. Công ty Khoáng sản Quảng Trị khai thác titan còn lại rất ít, nhưng đơn vị này được cấp phép tận thu cát làm cát khuôn đúc trong phạm vi khai thác titan trước đây cấp cho họ".

Sau khi có những thông tin về hoạt động khai thác của Công ty Quảng Trị ảnh hưởng đến môi trường, ngày 30/5, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Quảng Trị 30 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 1 tháng 15 ngày. Đồng thời, buộc Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn trong thời hạn 10 ngày.

Thanh Hà-Đặng Sơn

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/quang-tri-dan-to-pha-rung-khai-thac-titan-cong-ty-lap-bien-ban-khong-hop-thuc-hoa-post264099.info