Quảng Trị chú trọng phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số

Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho sự phát triển, vì vậy tỉnh Quảng Trị ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 313,675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Sau khi sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, toàn vùng có 44 xã, thị trấn, trong đó có 38 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là dân tộc Vân Kiều và Pa Kô.

Những kết quả đáng khích lệ

Trong những năm qua, thực hiện công tác dân tộc của tỉnh Quảng Trị thông qua các chương trình, kế hoạch, dự án… đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Cơ cấu kinh tế, thương mại, dịch vụ trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực theo lợi thế phát triển của từng vùng khiến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 25,5 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo hàng năm giảm từ 3-4%.

Ngoài chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh Quảng trị đã có nhiều chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đơn cử như chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị; chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo…

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có thể thấy, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc trong tình hình mới được nâng lên. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, có trọng điểm; hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước và các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng… được xây dựng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân.

Tuy nhiên, với tính chất đặc thù về địa hình, địa bàn và các đặc điểm riêng của cộng đồng cư dân đồng bào dân tộc thiểu số, trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách của đảng, nhà nước và của tỉnh vẫn có những khó khăn hạn chế nhất định. Mặc dù kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã có bước phát triển nhưng đây vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh. Địa hình chia cắt, thời tiết khắc nghiệt làm cho cơ sở hạ tầng nhanh chóng xuống cấp; diện tích canh tác manh mún gâu khó khăn trong việc thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn thiếu kiến thức làm ăn, thiếu việc làm nên việc sử dụng vốn vay để phát triển sản xuất hiệu quả chưa cao…

Ảnh: Thảo Thu

Ảnh: Thảo Thu

Xác định nguồn nhân lực là quan trọng

Nhằm thực hiện chiến lược công tác dân tộc và triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn, tỉnh Quảng Trị đã xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho sự phát triển. Vì vậy trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở đánh giá tình hình đất đai, dân số ở khu vực miền núi, tỉnh đã chú trọng đến yếu tố giáo dục, đào tạo, quan tâm hỗ trợ cho lứa tuổi thanh thiếu niên có định hướng nghề nghiệp. Một mặt tăng cường hỗ trợ giáo dục để các em có điều kiện học lên cao, tăng cường đào tạo cho lao động nông thôn đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số với nhiều chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã người dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025, chiến lược đến năm 2030.

Cùng với phát triển nguồn nhân lực, tỉnh cũng tập trung phát triển sản xuất, đảy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo đồng bào vùng dân tộc thiểu số bằng việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Tỉnh cũng tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số. Nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc qua các buổi chiếu phim lưu động, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, cấp phát luân chuyển sách báo…

Bên cạnh công tác tuyên truyền đồng bào các dân tộc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới thì việc giải thích, vận động người dân xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bảo tồn và phát huy văn hóa bản sắc dân tộc, nêu gương các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn được chú trọng. Qua đó góp phần đấu tranh với âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thành công phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Thảo Thu

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/dai-doan-ket/quang-tri-chu-trong-phat-trien-nguon-nhan-luc-dong-bao-dan-toc-thieu-so-287494.html