Quảng Trị: Cần đồng bộ hạ tầng lưới điện để đấu nối nguồn năng lượng điện gió

Quảng Trị là địa phương có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng điện gió, đặc biệt với những vùng đồi núi các huyện Hướng Hóa, Đắkrông. Tuy nhiên, do hạ tầng lưới điện tại đây chưa đáp ứng kịp với sự phát triển mạnh mẽ của các dự án điện gió, nên hiện các dự án đầu tư về năng lượng sạch này có dấu hiệu chậm lại.

Tiềm năng về nguồn năng lượng gió

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có cơ chế khuyến khích phát triển điện gió năm 2014, cùng với quy hoạch chung về năng lượng tái tạo cả nước, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) lập quy hoạch phát triển các dự án điện gió và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này và đã có nhiều nhà đầu tư đã chủ động nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió tại những khu vực có tiềm năng gió tại địa phương.

Những trụ tuabin gió đang quay đều trên vùng đất Hướng Hóa (Dự án nhà máy điện gió Hướng Linh 2 do Công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư)

Những trụ tuabin gió đang quay đều trên vùng đất Hướng Hóa (Dự án nhà máy điện gió Hướng Linh 2 do Công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư)

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 17 dự án năng lượng điện gió đã được Bộ Công Thương phê duyệt và đưa vào quy hoạch với công suất 608MW. Trong đó, có 4 dự án (Hướng Linh 1, 2; Hướng Phùng 1, 2) đang được đầu tư thi công với công suất 110MW và Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 đã đưa vào vận hành, khai thác năm 2017 với công 30MW (15 tuabin gió, vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng đã tiếp tục trình Bộ Công Thương 45 dự án điện gió khác với tổng công suất 2.400-2.500MW để bổ sung vào quy hoạch. Ngoài ra, còn có hơn 10 dự án đang cho các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát với công suất gần 1.000MW. Như vậy, tổng năng lực điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhu cầu đưa vào quy hoạch tương đối lớn với tổng công suất gần 3.500MW.

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (bên trái) - trao đổi với phóng viên Báo Công Thương

Cần đồng bộ hạ tầng lưới điện để đấu nối

Theo tính toán của Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, để đấu nối, giải tỏa công suất của tất cả 62 dự án điện gió (17 dự án đã được phê duyệt và 45 dự án đã trình) với công suất hơn 3.000MW thì cần phải đầu tư, xây dựng, đồng bộ hạ tầng lưới điện ở khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị, cụ thể là đường dây và trạm biến áp (TBA) Đông Hà - Lao Bảo.

Hiện các tuyến đường dây 110kV và 220kV Đông Hà - Lao Bảo chỉ giải tỏa được lượng công suất tối đa khoảng 1.250-1.300MW/3.000MW nguồn năng lượng điện gió. Như vậy, còn dư khoảng 1.700MW thì cần phải có tuyến đường dây 500kV để đấu nối, giải tỏa công suất các dự án này. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và phê duyệt bổ sung dự án đường dây và TBA 500kV Đông Hà - Lao Bảo vào Tổng sơ đồ điện VII (điều chỉnh) cùng với việc điều chỉnh tiến độ đầu tư TBA 500kV Quảng Trị và sớm đưa vào vận hành.

Trạm biến áp 110kV Đông Hà - Lao Bảo

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết, vấn đề đấu nối, giải tỏa công suất đối với các dự án điện tái tạo lên lưới điện quốc gia đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có Quảng Trị. Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Đức Chính đề xuất, nên xã hội hóa về đầu tư nguồn điện, kể cả xã hội hóa đầu tư các hệ thống truyền tải nhằm giải phóng công suất. “Qua đó, các nhà đầu tư sẽ nhảy vào và tôi tin chắc rằng công suất điện ở lĩnh vực này hòa vào lưới điện sẽ rất lớn và sẽ bù đắp vào nguồn năng lượng quốc gia, đảm bảo cả về mặt kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-tri-can-dong-bo-ha-tang-luoi-dien-de-dau-noi-nguon-nang-luong-dien-gio-123692.html