Quảng Trị: Cam Lộ ngổn ngang sau lũ

Lũ rút, nhiều người về lại nhà trong cảnh trắng tay. Những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân kịp thời cứu trợ người dân bị thiệt hại.

Người dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị vừa hứng chịu một trận lũ lớn nhất từ trước đến nay. Nước lũ lên nhanh cô lập nhiều làng quê khiến người dân chỉ kịp thoát thân. Lũ rút, nhiều người về lại nhà trong cảnh trắng tay. Những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân kịp thời cứu trợ người dân bị thiệt hại, chính quyền địa phương huy động lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả, nhưng cuộc sống nhiều gia đình đang đối diện với khó khăn.

Lúa ngâm lũ bị lên mọng, hư hại.

Lũ về quá bất ngờ và lên nhanh, giữ được tính mạng là may mắn lắm rồi, ông Nguyễn Văn Quang, ở thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị nói như vậy.

Lúc đó, mới hơn 7 giờ sáng, ông Quang đang lùa 4 con bò ra đồng ăn cỏ. Bất ngờ, nước từ thượng nguồn đổ về như thác đổ, nhanh chóng bao vây làng xóm, ông Quang vội lùa bò chạy lên đồi, nhưng đi được một nửa đường thì nước lũ ngập đến ngực, chỉ kịp leo lên cây để tránh lũ. Ông Quang bất lực nhìn đàn bò vùng vẫy giữa dòng lũ chảy xiết mà đứt từng khúc ruột. 4 con bò nuôi cả năm trời, trị giá cả trăm triệu đồng nay lũ cướp đi, còn lại mấy tạ thóc, ngô sắn cất trữ trong nhà cũng bị ngâm nước, hư hỏng, thời gian tới không biết sống ra sao.

Ông Quang cho biết: “Nước vô quá nhanh, bơi không kịp. Giờ lúa má trong nhà ướt hết rồi, năm sáu tạ, rau cải, hạt dưa, đậu mè đều ướt hết. Còn sách vở, áo quần, xe đạp của cháu trôi hết rồi”.

Về các xã vùng trũng ven sông Hiếu như: Cam Thành, Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy... huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, đường sá, đồng ruộng vẫn còn ngập ngụa bùn đất, rác rến. Căn nhà của anh Trần Vĩnh Thành, ở thôn Ba Thung, xã Cam Tuyền trống trước hở sau. Phần bếp nhà dưới bị lũ cuốn, những vật nặng còn lại như ti vi, tủ lạnh, xe máy… ngâm trong nước, dính bùn đất hư hỏng. Nhặt nhạnh những thứ còn sót lại sau lũ, anh Thành lo lắng cuộc sống phía trước.

Các giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản lau rửa bàn ghế bị ngâm bùn đất.

“7 tạ lúa trôi hết giờ còn lại một ít. Giờ chỉ có phơi khô để cho gà vịt ăn chứ người ăn không được nữa, lúa giống giờ cũng hư hết rồi. Giờ không có ăn, ngày qua đến giờ bà con người đến cho bao gạo, rồi người đem bánh, đem áo quần đến cho” - Anh Thành bộc bạch

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, xã Cam Tuyền nằm gần bờ sông Hiếu thiệt hại khá nặng. Nước lũ chảy siết đã xô đổ 2 đoạn tường bê tông kiên cố dài 150 mét.

Cô Lâm Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lũ về bất ngờ, lên nhanh, giáo viên nhà trường chỉ tập trung lo cứu học sinh nên nhiều tài liệu, thiết bị dạy học, máy tính của trường ngâm nước, hư hỏng. Nhiều gia đình học sinh trường bị thiệt hại nặng, toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập và áo quần các các em bị ướt, cuốn trôi, không có điều kiện mua sắm lại.

Cô Lâm Thị Mỹ Lệ cho biết: “Hiện tại, có 60 em gia đình bị ngập lụt nặng, lúa và tài sản, trâu bò bị thất thoát. Đồ dùng học tập, sách vở, áo quần của các em cũng trôi đi rất nhiều. Đây là vấn đề nan giải của nhà trường”.

Bộ đội về giúp người dân Cam Lộ khắc phục hậu quả lũ lụt.

Đợt lũ vừa qua, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị có hơn 2000 ngôi nhà bị ngập, có nhà ngập sâu đến tận mái, nhiều tài sản hư hỏng hoặc lũ cuốn trôi. Hơn 3.200 con gia súc, gia cầm bị chết, chủ yếu là trâu bò. Nhiều gia đình bỗng chốc trắng tay…ước thiệt hại của người dân lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết, trồng sắn và chăn nuôi bò và là kinh tế chủ lực ở địa phương. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn giống cho vụ mùa tới và việc phục hồi đồng cỏ cho chăn nuôi trâu bò.

Sắn ở xã Cam Tuyền bị nước lũ ngâm, xói bật gốc.

Ông Hoàng Liên Sơn cho hay: “Nguồn giống vụ tới trôi sạch, bởi vì sắn hiện nay vẫn là cây chủ lực. Chúng tôi đề xuất với nhà máy sắn quan tâm hỗ trợ giống. Còn cỏ để nuôi bò, nguồn thức ăn phải tận dụng thêm rơm rạ và thân cây lạc nhưng mà thời điểm này bị mất”.

Cứ mỗi mùa bão lũ đi qua, tài sản bao năm tích cóp của người dân vùng thiên tai Quảng Trị phút chốc tiêu tan. Chính quyền địa phương và người dân lại oằn mình khắc phục hậu quả, làm lại từ đầu. Dù có nhiều tổ chức, cá nhân kịp thời cứu trợ người dân bị thiệt hại nhưng để khôi phục sản xuất, ổn định kinh tế phải mất nhiều thời gian./.

Đình Thiệu/VOV miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/quang-tri-cam-lo-ngon-ngang-sau-lu-567436.vov