Quảng Trị: 4 ca tử vong do liên quan đến vi khuẩn ăn thịt người

Từ ngày 14/10, sau đợt lũ đầu tiên xảy ra tại Quảng Trị đến nay, có 24 người bị nhiễm bệnh Whitmore. Trong 30 ca bệnh bị nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người', đã có 4 ca tử vong.

Ngày 24/11, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, từ ngày 2/2 đến 23/11, bệnh viện này ghi nhận 30 ca bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, hay còn gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”, gây nên.

Đặc biệt, từ ngày 14/10, sau đợt lũ đầu tiên xảy ra tại Quảng Trị đến nay, có 24 người bị nhiễm bệnh Whitmore. Và trong 30 ca bệnh bị nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” có 4 ca tử vong.

Một bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore được các bác sĩ chăm sóc.

Một bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore được các bác sĩ chăm sóc.

Bệnh nhân đầu tiên tử vong là ông N.V.B (51 tuổi, trú TP.Hải Phòng). Ông là một trong số thuyền viên bị mắc kẹt trên con tàu Vietship 01 bị chìm ở biển Quảng Trị từ ngày 8/10 đến 11/10. Sau khi được cứu khỏi tàu gặp nạn, ông B. được chuyển vào bệnh viện để chăm sóc sức khỏe. Qua xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh Whitmore vào ngày 14/10.

3 nạn nhân tiếp theo là H.V.V (SN 1945, trú xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), N.T.L (SN 1958, trú xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) và H.C.D (SN 1973, trú xã Hải Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị).

Theo bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, mỗi năm, bệnh viện ghi nhận trên 10 ca mắc bệnh Whitmore, trong đó chỉ khoảng 1/10 số bệnh nhân bị tử vong. Tuy nhiên, năm nay, sau nhiều đợt lũ liên tiếp, số ca bệnh Whitmore tăng đột biến do nước lũ phát tán vi khuẩn gây bệnh đi nhiều nơi.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore sống ở đất và nước. Chúng xâm nhập qua những vết trầy xước của người tiếp xúc. Vi khuẩn có thể xâm nhập đến các cơ quan trong cơ thể con người. Người mắc bệnh Whitmore không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, đặc trưng nên rất khó phát hiện, khó chẩn đoán.

Để chủ động phòng bệnh whitmore, người dân cần hạn chế tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm; sử dụng giày, dép, gang tay khi tiếp xúc với đất, nước bẩn, nước lụt. Đặc biệt, khi có vết thương hở, vết loét… cần cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ bị ô nhiễm nặng.

Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn do nước lũ gây ra. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.

Bích Liên (T/h)

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/quang-tri:-4-ca-tu-vong-do-lien-quan-den-vi-khuan-an-thit-nguoi-54399.html