Quảng Ninh tính chuyện đưa lợn ra đảo 'trốn' dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng trên địa bàn, Quảng Ninh lên phương án dịch chuyển đàn lợn gần 1.700 con ra đảo để tránh dịch nhằm bảo tồn nguồn gen quý trước nguy cơ tuyệt chủng.

Quảng Ninh tính chuyện đưa lợn ra đảo “trốn” dịch

Quảng Ninh tính chuyện đưa lợn ra đảo “trốn” dịch

Mang lợn ra đảo có khả thi?

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 14 huyện, thị thành phố của Quảng Ninh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với gần 55 nghìn con lợn phải tiêu hủy. Mặc dù công tác phòng chống được tỉnh này triển khai từ rất sớm nhưng vẫn không thể khống chế thành công sự bùng phát của các ổ dịch.

Quảng Ninh nổi tiếng với các giống lợn đặc biệt như lợn Móng Cái, lợn Hương. Giống lợn này nhỏ, nhưng thịt thơm ngon, mềm dẻo vượt trội so với những loại thịt lợn khác. Khả năng nuôi con và sức đề kháng của giống lợn này cũng khá cao nên được nhân giống, lai tạo rộng rãi. Riêng lợn Móng Cái đến nay chỉ còn khoảng 300 cá thể thuần chủng đang được nuôi tại một số hộ tư nhân.

“Đến thời điểm hiện tại, đàn lợn vẫn chưa có dấu hiệu nhiễm dịch nhưng dịch bệnh đang bao vây, rình rập khắp mọi ngõ ngách. Phải tính phương án bảo tồn đàn lợn quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng vì đến nay vẫn chưa có thuốc chữa bệnh dịch tả lợn châu Phi” - Ông Vũ Văn Kinh, Chủ tịch TP Móng Cái cho biết.

Đứng trước nguy cơ tuyệt chủng giống lợn quý, mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh đã lên phương án di chuyển đàn lợn gần 1.700 con (gồm lợn Móng Cái và lợn Hương) ra các đảo cách bờ chừng 20km để bảo tồn. Phương án nhận được sự ủng hộ của các hộ chăn nuôi nhưng bên cạnh đó vẫn có một số ý kiến của chuyên gia về nông nghiệp cho rằng việc làm này không cần thiết và gây lãng phí, tốn kém.

“Để di chuyển 1 đàn lợn hàng nghìn con từ đất liền ra đảo không phải là việc dễ làm. Phải tính đến vị trí đảo có phù hợp, đảo có người sinh sống không? Việc xây dựng chuồng trại, nhân công, thức ăn cho lợn cũng là 1 bài toán khó khi đảo cách bờ hàng chục kilômét. Phương án này quá tốn kém trong khi có nhiều lựa chọn phù hợp hơn như lưu giữ tinh trùng, phôi để sau này nhân giống lại” - Anh N.H.H. Chủ trang trại chăn nuôi lợn lâu năm trên địa bàn cho biết.

Còn nhiều phương án khác

Trong khi đó, ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Phương án đưa lợn thuần chủng ra đảo sẽ dùng đến khi dịch bùng phát mạnh ở tình huống cấp bách. Quảng Ninh sẽ xây dựng một khu chăn nuôi đảm bảo các điều kiện an toàn trên các đảo rồi vận chuyển lợn bằng ô tô từ khu chăn nuôi đến cảng tàu để đi bằng thuyền ra đảo” . Tuy vậy, phương án này đang gặp phải nhiều khó khăn về vấn đề kinh phí. Chỉ tính riêng chi phí cho đàn lợn Móng Cái 300 con ra đảo tránh dịch đã mất hơn 10 tỷ đồng. Trong khi đó, đàn lợn này đều do các hộ tư nhân, doanh nghiệp nuôi giữ và khi lập dự toán, mọi chi phí đều tính cho tỉnh Quảng Ninh.

“Toàn bộ đàn lợn thuần chủng này là của các doanh nghiệp, nhưng khi giao cho họ xây dựng phương án tài chính để đưa ra đảo chăn nuôi thì họ kê khai, đề nghị hỗ trợ 10 tỷ đồng. Các doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ tài sản của mình chứ, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần. Họ lập dự toán như thế khác gì tỉnh thuê họ bảo vệ đàn lợn của họ” - Ông Đông nói.

Ngày 12/6, trao đổi vấn đề này với Tiền Phong, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đấy chỉ là một trong những phương án của tỉnh đưa ra để bảo vệ đàn lợn quý trước nguy cơ tuyệt chủng, còn nhiều phương án khác đang được nghiên cứu để áp dụng. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã cử chuyên gia về làm việc với tỉnh và nghiên cứu phương án bảo vệ đàn lợn. Phương án lưu giữ tinh trùng, phôi để sau này phối giống lại cũng được thảo luận. Cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ thông tin chi tiết sau khi đưa ra quyết định cuối cùng”.

Với phương án di dời đàn lợn của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, Sở này sẽ đưa gần 1.700 con lợn Móng Cái, lợn Hương ra các đảo trên địa bàn là Hòn Gạc ( thuộc thành phố Cẩm Phả, rộng khoảng 700 ha) và Thẻ Vàng (rộng 850 ha, thuộc huyện Vân Ðồn). Ðây là các đảo không có người ở, cách đất liền khoảng 20 km, nguy cơ dịch lây lan không cao.

“Lợn Móng Cái là giống lợn nội thuần chủng có xuất xứ từ tỉnh Quảng Ninh. Do tính chất dễ thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết, khả năng tăng trưởng, sinh sản và nuôi con rất tốt, nên giống lợn này dần được phát triển rộng rãi tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và trở thành giống lợn nội được ưa chuộng nhất hiện nay. Lợn Móng Cái thuần chủng cho thịt thành phẩm rất thơm ngon, nhưng nuôi lâu lớn, tỉ lệ nạc thấp, năng suất không cao. Vì thế, các hộ chăn nuôi thường dùng lợn Móng Cái để làm nái lai với các giống lợn đực ngoại để cho con lai F1 nuôi lấy thịt”.

Hoàng Dương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/quang-ninh-tinh-chuyen-dua-lon-ra-dao-tron-dich-1427853.tpo