Quảng Ninh thiếu gì nhân tài, Chủ tịch kiêm hiệu trưởng chứng tỏ tỉnh quyết tâm

'Việc bố trí ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch tỉnh - phụ trách Đại học Quảng Ninh càng cho thấy tỉnh quyết tâm phát triển kinh tế bằng nguồn nhân lực chất lượng cao'.

Đồng tình với tác giả bài "Chủ tịch Quảng Ninh kiêm hiệu trưởng: Tốt quá, có gì phải ồn ào?", nhiều độc giả cho rằng việc kiêm nhiệm chức danh là bình thường và trong nhiều trường hợp là cần thiết.

Nguyễn Tuấn Anh: Những việc đáng quan tâm, đáng ồn ào thì mọi người ít quan tâm. Theo quan điểm của tôi, tỉnh Quảng Ninh không thiếu người tài, việc chủ tịch tỉnh kiêm nhiêm cả hiệu trưởng trường đại học không có vấn đề gì, pháp luật không cấm. Sau khi trường ổn định công tác nhân sự, chủ tịch sẽ bàn giao cho hiệu trưởng mới có tâm có tầm. Nhiều bạn đọc phải nghỉ sâu hơn rồi hãy bình luận. Các bạn nên biết trong một đơn vị hành chính cũng rất nhiều khó khăn và phức tạp, từ thủ trưởng và phó cũng nhiều đơn vị có tư tưởng khác nhau, dẫn đến sự không nhất quán về cách quản lý, trên bảo dưới không nghe. Vì vậy cần người lãnh đạo quyết đoán để ổn định, khi ổn định rồi sẽ có định hưởng về công tác nhân sự.

Vũ Văn Minh: Giai đoạn đầu thành lập Trường Đại học Hạ Long sẽ có nhiều thuận lợi cho việc ổn định & phát triển trường.

Hieu: Tôi thấy việc kiêm nhiệm nhiều chức danh trong thời kỳ đổi mới này là cần thiết.

Nguyen Hoa: Quá hợp lý còn gì, nên áp dụng mô hình này. Ở môi trường tư nhân, một người có thể kiêm nhiệm hàng chục chức danh nhưng vẫn hiệu quả. Thứ nhất là giảm chi quỹ lương, thứ hai là tăng thu nhập cho cán bộ, thứ ba là chỉ đạo diều hành sát sao hơn.

Phan Minh: Đây đâu phải lần đầu tiên Đại học Hạ Long có hiệu trưởng là lãnh đạo tỉnh. Hiệu trưởng tiền nhiệm của ông Thắng là TS Vũ Thị Thu Thủy, bà Thủy đảm nhiệm chức vụ này khi còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Một trường đại học được đánh giá có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, lại thành lập chưa lâu thì việc bố trí lãnh đạo tỉnh phụ trách đơn vị này càng cho thấy Quảng Ninh quyết tâm phát triển kinh tế bằng nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này rất tốt chứ sao.

Hoàng Quốc Bình: Cái gì xảy ra lần đầu tiên cũng thường bị phê phán. Đây là lần đầu tiên có chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng trường đại học nên việc nhiều người bình luận trái chiều là đương nhiên. Tôi nghĩ chủ tịch tỉnh làm hiệu trưởng thì mọi chủ trương, chính sách của tỉnh sẽ đi vào thực tế nhanh nhất trong việc vận hành trường. Sau một thời gian trường phát triển tốt, có nền móng vững chắc thì lãnh đạo tỉnh có thể rút ra.

Hùng Trần: Việc lãnh đạo một tỉnh, một bộ hay một cơ quan tổ chức nào đó kiêm nhiệm làm trưởng một đơn vị phía dưới là bình thường, đâu có gì đáng để làm ầm ĩ? Có thể mọi người không quen vì Việt Nam trước đây chưa có chủ tịch hay bí thư tỉnh làm hiệu trưởng đại học địa phương. Chưa có thì bây giờ có chứ sao? Hãy để ông Thắng làm một thời gian sẽ thấy ngay kết quả thế nào. Theo tôi kiêm nhiệm chức danh là điều hết sức bình thường thậm chí nhiều trường hợp là cần thiết. Với Đại học Hạ Long, tỉnh đặt kỳ vọng nhiều thì bố trí chủ tịch kiêm nhiệm cũng dễ hiểu thôi.

Ông Nguyễn Văn Thắng.

Ông Nguyễn Văn Thắng.

Bên cạnh đó, nhiều độc giả cũng cho rằng việc kiêm nhiệm này là không nên vì rất khó để một người làm tốt 2 việc cùng lúc.

Phan Bình: Hiệu trưởng một trường đại học đâu là chỉ ngồi chơi mà kiêm nhiệm!? Nếu làm đủ chức năng thì cũng 24/24 tư duy, đâu phải như lao động chân tay! Huống chi ông vừa là chủ tịch tỉnh nữa.

Nguyễn Văn Vĩnh: Nếu làm việc theo đúng nghĩa thì tôi cho rằng, công việc của Chủ tịch UBND xã chứ đừng nói là huyện, tỉnh hết sức phức tạp, khối lượng không hề nhỏ... Rất ít người có khả năng hoàn thành tốt. Mọi người ý kiến là vì để đồng chí tập trung cho công việc chủ tịch quan trọng hơn, giúp nhân dân nhiều hơn, tránh đi tình trạng như một số vị giữ chức vụ nặng tính hình thức. Còn nếu viện dẫn có bằng tiến sĩ thì cỡ thiên tài như Einstein về mặt chuyên môn vật lý cũng nhiều cái không biết, sai lầm, vấp váp... Nên thận trọng thì vẫn hơn, được việc này thường mất việc khác, nhất là những công việc do thực tế chỉ ra (không phải khả năng con người) rất ít liên quan đến nhau.

Đỗ Ngọc Lăng: Về mọi mặt đều được, chỉ e với nhiệm vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, ĐBQH thì công việc của một người đã quá vất vả rồi, lại thêm nhiệm vụ Hiệu trưởng, chủ tài khoản của trường ĐH trăm ngàn khoản chi thì để làm tốt là khó”.

Lê Tiến: Về trình độ năng lực quản lý, điều hành thì có thể chấp nhận được nhưng về mặt pháp luật thì không thể chấp nhận được bởi nhiều lý do bất cập. Thứ nhất: Hiệu trưởng một trường đại học của tỉnh nằm dưới sự quản lý, chỉ đạo của UBND tỉnh và như thế nếu ông ta đề xuất một việc gì ở trường rồi ông ta tự chỉ đạo quyết và ký luôn, như vậy là sai nguyên tắc. Thứ hai: Vấn đề tài chính ở trường là thẩm quyền của hiệu trưởng quyết, ở tỉnh thì chủ tịch tỉnh phê duyệt ngân sách, hai việc này đều nằm trong quyền hạn của ông thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra? Và còn rất nhiều việc bất cập khác nữa chắc chắn sẽ không đáp ứng được về mặt khách quan cũng như chuyên môn.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.

Minh Nhật

Nguồn VTC: https://vtc.vn/y-kien/quang-ninh-thieu-gi-nhan-tai-chu-tich-kiem-hieu-truong-chung-to-tinh-quyet-tam-ar548007.html