Quảng Ninh tăng cường chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng

Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đề cập như một nội dung quan trọng trong phiên họp vừa qua. Cụ thể là xây dựng thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng bền vững trong 5 năm tới tại các địa bàn vùng khó như: Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ và Đầm Hà.

Thi làm bánh tại Ngày hội Kiêng gió xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, năm 2020. Ảnh: Hải Ninh

Thi làm bánh tại Ngày hội Kiêng gió xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, năm 2020. Ảnh: Hải Ninh

Những địa bàn trọng điểm của đề án này ưu tiên tiêu chí là vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa riêng, lấy nền tảng văn hóa để phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội. Ngoài ra, địa bàn phải có tài nguyên thiên nhiên như rừng, mặt hồ, bãi biển, sông suối, có thể sẵn sàng chuyển đổi cơ cấu kinh tế đa dạng và nhiều phương pháp. Phát triển du lịch cộng đồng nhằm kéo giãn thời gian lưu trú, thời gian trải nghiệm của khách du lịch trên các vùng đất thưa thớt hoặc đang là địa bàn trống hoạt động du lịch, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Theo đề án này, việc phát triển du lịch cộng đồng nhanh cả về quy mô và chất lượng tương xứng với tiềm năng và các loại hình du lịch khác của tỉnh Quảng Ninh một cách đa dạng và chuyên nghiệp. Về tương lai, đề án tạo ra những sản phẩm đặc thù, đặc trưng riêng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh thắng, văn hóa các dân tộc; tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 38 điểm du lịch có tiềm năng được các địa phương đề xuất phát triển du lịch cộng đồng. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Quảng Ninh lựa chọn 9 điểm du lịch có ưu thế theo tiêu chí cao, có các điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng như: Có cơ sở hạ tầng, có sản phẩm du lịch, được các doanh nghiệp du lịch, du khách biết đến và bước đầu khai thác, phục vụ khách, nay cần có sự hỗ trợ để phát triển đột phá tạo hình mẫu cho việc mở rộng mô hình sau này. Đề án đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh.

Các mục tiêu cụ thể của đề án này gồm có mục tiêu đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 1,1 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 5.950 tỷ đồng. Năm 2030 sẽ đón 3 triệu lượt khách nội địa và 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 12.160 tỷ đồng. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2025, du lịch cộng đồng tạo ra 4.200 việc làm và 9.500 việc làm vào năm 2030. Như vậy, các địa bàn trọng yếu ở miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hưởng thụ lợi ích này.

Một trong những điểm ưu việt của đề án tiên phong này là các sở, ngành chức năng và đơn vị tư vấn liên quan đến lĩnh vực văn hóa và du lịch có thể đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện đề án. Trong đó, đề án ưu tiên việc quy hoạch điểm đến; đào tạo nguồn nhân lực địa phương; tiêu thụ được các sản phẩm vốn có địa phương với nền tảng là sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm); đồng thời đẩy mạnh tiếp thị quảng bá rộng rãi; thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp lữ hành.

Một yêu cầu khác của đề án là phải khuyến khích người dân địa phương tham gia vào làm du lịch và phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Mục tiêu của đề án không chỉ hướng tới việc tạo được các sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn cho du khách khi tới Quảng Ninh, mà quan trọng là góp phần thay đổi cuộc sống người dân bản địa, nhất là ở những vùng khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Quảng Ninh là tỉnh giàu bản sắc văn hóa, có cảnh đẹp thiên nhiên phong phú, hệ sinh thái đa dạng, đây là những điều kiện quan trọng để phát triển và tạo được ra những sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc. Tuy nhiên, tránh hoàn toàn việc phát triển nóng, tự phát, cần hướng trọng tâm, trọng điểm và có sự chung tay của Nhà nước, kết nối sự tham gia của các đơn vị kinh doanh lữ hành. Quan trọng hơn cả là vai trò chủ thể của chính người dân bản địa. Tạo ra môi trường để người dân làm giàu chính đáng bằng sức lao động và tiềm năng sẵn có của vùng đất là mục tiêu cho 5 năm tới. Có được những yếu tố này, chắc chắn Quảng Ninh sẽ sớm phát triển được các điểm du lịch cộng đồng đặc sắc, tạo thêm điểm đến cho du khách khi tới Quảng Ninh nhằm nâng cao đời sống cho người dân.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, du lịch cộng đồng ở các vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số hiện nay bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn thu nhập cho người dân và góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Song các địa phương đều thiếu chính sách để có thể hỗ trợ phát triển du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số như hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; thiếu chính sách cơ bản về du lịch như đào tạo nghiệp vụ du lịch, xây dựng năng lực đón tiếp cho bà con dân tộc thiểu số; phát hiện, lựa chọn các giá trị văn hóa phù hợp để xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với bảo tồn; hỗ trợ tìm kiếm, kết nối thu hút khách du lịch, xúc tiến du lịch; hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số về xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ khách. Những yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào những đề án mà địa phương dựa trên những đặc thù riêng để xây dựng.

Trên cơ sở thực trạng và đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn, đối tượng thụ hưởng ở các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ và Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh sẽ có chính sách sát thực tế và nâng cao năng lực của người dân để tự thân họ có thể bảo tồn văn hóa phục vụ phát triển du lịch...

Hải Ninh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quang-ninh-tang-cuong-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-du-lich-cong-dong-post430515.html