Quảng Ninh tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na gây ra

Ngày 30/1, BTV Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 32 - CT/TU về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na (nCoV) gây ra. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na (nCoV) gây ra tại Trung Quốc, đến nay đã lan rộng ra 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và lây lan ra 18 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó khu vực Phòng Thành, Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh đã có những ca mắc bệnh được phát hiện.

Quảng Ninh với đặc thù là địa bàn duy nhất trong cả nước vừa có đường biên giới trên bộ dài và trên biển với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, lưu lượng người qua lại hằng ngày, giao thương lớn với Trung Quốc, nhất là nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của cư dân biên giới nên nguy cơ dịch bệnh lây lan và có thể bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu. Tổ chức y tế thế giới đưa ra cảnh báo dịch đã ở cấp độ rất cao tại Trung Quốc, cấp độ cao ở khu vực và toàn cầu, dự kiến trong hôm nay sẽ công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan và bùng phát trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các địa phương biên giới Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu; bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu xác định công tác phòng, chống dịch do chủng mới của vi rút Cô-rô-na là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp do Trung ương, tỉnh đề ra, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan.

Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đồn biên phòng, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND 03 địa phương biên giới (Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu) phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu để dịch xuất hiện và lây lan trên địa bàn các địa phương biên giới mà nguyên nhân do không làm tốt công tác quản lý, kiểm soát hoạt động của cư dân biên giới và tuyến biên giới.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các ngành trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không được chủ quan; phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chỉ đạo các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men y tế, trang thiết bị phòng hộ cho nhân dân và nhân viên y tế, các lực lượng liên quan làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”. Xây dựng các phương án phòng, chống theo từng cấp độ lây lan dịch, thực hiện triệt để, tuân thủ các biện pháp dự phòng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn nhằm hạn chế thấp nhất tử vong do dịch này gây ra. Trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, các hội nghị, hội thảo để tập trung (ưu tiên cao nhất) phòng, chống dịch; kể cả việc xem xét cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch, giảm nguy cơ nhiễm dịch, đặc biệt là tại các địa phương biên giới.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai công tác truyền thông thường xuyên, liên tục, sâu rộng bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, phát tờ rơi, tuyên truyền miệng đến tận từng hộ gia đình, từng người dân để mọi người dân đều nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch do chủng mới vi rút Cô-rô-na gây ra; thông tin kịp thời, chính xác theo phương châm lấy người dân là trung tâm, lấy phòng ngừa là chính, trang bị đủ kiến thức, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, thay đổi thái độ, hành vi của mỗi người dân để họ tự phòng, tự tránh, tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng trước tác động của dịch bệnh; vận động người dân khu vực biên giới và cư dân biên giới nếu không có việc cần thiết lúc này không nên ra ngoài và ra ngoài phải đeo khẩu trang.

Chỉ đạo thực hiện ngay việc cấm người qua lại và tạm thời đóng cửa tất cả các đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới (kể cả trên bộ và trên biển); tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ người qua lại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Cửa khẩu Hoành Mô.

Quản lý, theo dõi chặt chẽ người Việt Nam nhập cảnh từ Trung Quốc về; việc di biến động của cư dân biên giới; tạm dừng hoạt động qua lại cửa khẩu của cư dân biên giới theo thẩm quyền; tất cả các cư dân biên giới phải được thực hiện nghiêm ngặt các quy định, quy trình kiểm dịch y tế tại cửa khẩu ở mức cao nhất.

Tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép; nghiêm cấm việc nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã vào Quảng Ninh.

Không đưa người sang Trung Quốc; không để người Quảng Ninh, đặc biệt là các địa phương biên giới sang lao động, làm việc tại các vùng có dịch của Trung Quốc.

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch bệnh do chủng mới vi rút Cô-rô-na; các sở, ban, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng phương án ứng phó nhanh của cơ quan, đơn vị mình. Thành lập Đội phản ứng nhanh với các thành viên là người đứng đầu các sở, ngành: Công an, Quân sự, Biên phòng, Hải quan, Y tế, Ngoại vụ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Giáo dục Đào tạo, Thông tin Truyền thông, Ban quản lý Khu kinh tế, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các địa phương biên giới để giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách phòng, chống dịch. Thiết lập số điện thoại đường dây nóng 24/7 gồm các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các địa phương biên giới để tiếp nhận, kịp thời xử lý thông tin về tình hình dịch, bệnh trên địa bàn tỉnh.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế nắm chắc, kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh, đưa ra các khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống phù hợp với tình hình dịch bệnh. Trước ngày 01/02/2020, xây dựng, hoàn thiện kịch bản ứng phó có hiệu quả với từng tình huống cụ thể (xuất hiện ca bệnh, xuất hiện ổ dịch, bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt là trường hợp phát hiện ra nhiều trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh tại khu vực cửa khẩu và thành phố Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu phải tổ chức cách ly triệt để ngay tại địa bàn). Khi phát hiện dịch, phải thực hiện khẩn trương khống chế, bao vây, cách ly, tuyệt đối không để lây lan. Bảo đảm đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, lực lượng nhân viên y tế ứng trực phục vụ phòng, chống dịch; đủ khẩu trang y tế phòng dịch đáp ứng yêu cầu của người dân trên địa bàn trong mọi điều kiện. Sẵn sàng ở mức cao nhất ứng phó với các tình huống dịch; có hướng dẫn, chỉ đạo quy trình, phác đồ điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong.

Khởi động các cơ sở y tế phòng dịch tuyến tỉnh, tuyến huyện, tiếp tục hoàn thiện phương án xây dựng khu cách ly dã chiến tại cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô, tại Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết. Chậm nhất đến ngày 03/02/2020 phải tổ chức diễn tập phòng, chống dịch bệnh tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng chức năng và hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt quy trình khử trùng, tẩy độc tại các cửa khẩu, cảng khẩu (đường bộ, đường thủy, đường hàng không).

Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban quản lý Khu kinh tế, cấp ủy, chính quyền các địa phương có biện pháp cách ly; theo dõi, giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục tình trạng sức khỏe của chuyên gia, lao động nước ngoài (từ Trung Quốc) sau kỳ nghỉ Tết trở lại Quảng Ninh làm việc tại các khu công nghiệp, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái và tại các doanh nghiệp; áp dụng quy trình kiểm dịch y tế nghiêm ngặt tại cửa khẩu và tại nơi làm việc; khi phát hiện trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh phải tổ chức cách ly ngay và quản lý những người lao động này theo đúng quy định, quy trình.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Ngoại vụ thường xuyên cập nhật thông tin từ các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, nhất là từ cơ quan Tổng Lãnh sứ quán Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc để kịp thời tham mưu, báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đồng thời, tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ, trao đổi, chia sẻ thông tin thường xuyên giữa các địa phương biên giới trong công tác phòng, chống dịch, nhất là với Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); không để cư dân biên giới, người lao động sang vùng có dịch và người đi ra từ vùng dịch nhập cảnh và đi vào nội địa.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Du lịch theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh do chủng mới vi rút Cô-rô-na, chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tua, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh và không tổ chức đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Quảng Ninh.

Tạm dừng các hoạt động đón khách du lịch trong ngày vào địa bàn thành phố Móng Cái, cũng như hoạt động xe du lịch tự lái vào thành phố Hạ Long. Quản lý và theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe và khuyến nghị hạn chế di chuyển khách Trung Quốc hiện đang ở Quảng Ninh (nếu còn).

Chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường công tác phòng, chống dịch liên quan đến khách du lịch đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách; các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế địa phương tổ chức cách ly du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thông tin tới các học sinh, sinh viên, lưu học sinh đang du học ở nước ngoài để chủ động không đến các khu vực đang có dịch và tự áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; phổ biến thông tin về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống dịch tới học sinh, sinh viên của toàn tỉnh; có trách nhiệm tham gia các hoạt động phòng, chống dịch khi có yêu cầu của ngành y tế; đề xuất kịp thời việc xem xét cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch, giảm nguy cơ nhiễm dịch, đặc biệt là tại các địa phương biên giới.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Y tế, chính quyền các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện giám sát chặt chẽ những người lao động xuất cảnh, nhập cảnh qua biên giới; hướng dẫn các doanh nghiệp dừng làm thủ tục, tổ chức đưa lao động Việt Nam sang các vùng có dịch của Trung Quốc.

Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo công an các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, các đồn biên phòng tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép; với ngành Y tế và các lực lượng đang làm nhiệm vụ quản lý cửa khẩu thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại cửa khẩu. Đảm bảo an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh; chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành y tế. Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin đồn về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân.

Đảng ủy Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo việc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và các điểm xuất hàng; kiểm soát chặt chẽ khách qua lại cửa khẩu; phối hợp với ngành y tế thực hiện nghiêm ngặt việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu; chia sẻ các thông tin về tất cả các trường hợp hành khách nhập cảnh với ngành y tế và Công an tỉnh. Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, các đơn vị, địa phương liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch lan rộng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với sở Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch do chủng mới vi rút Cô-rô-na gây ra, cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với ngành y tế phòng, chống dịch hiệu quả. Chỉ đạo các cơ quan xử lý nghiêm các vi phạm về thông tin phòng, chống dịch bệnh.

Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể, tích cực, chủ động phối hợp với ngành y tế và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục, nâng cao nhận thức của nhân dân để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch do chủng mới vi rút Cô-rô-na gây ra, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình và cộng đồng; vận động cư dân biên giới thực hiện nghiêm túc các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng.

PV

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202001/quang-ninh-tang-cuong-cac-bien-phap-cap-bach-phong-chong-dich-benh-viem-duong-ho-hap-cap-do-chung-moi-cua-vi-rut-co-ro-na-gay-ra-2469219/