Quảng Ninh song hành cùng doanh nghiệp

Với phương châm 'Sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là sự phát triển của tỉnh', Quảng Ninh đã cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể, mang tính cốt lõi, mở ra cánh cửa rộng cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư, kinh doanh…

Quảng Ninh hiện có 16.570 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 162.055 tỷ đồng, trong đó có gần 300 doanh nghiệp lớn, còn lại đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hướng tới mục tiêu có 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020, từ nhiều năm nay, công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp luôn được tỉnh quán triệt, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Giảm thủ tục, thời gian, chi phí

Ngay từ cuối năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 13/11/2017, kế hoạch hành động với 12 nhóm giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho 35 sở, ngành, đơn vị cùng 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Cụ thể hóa giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng “giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí”; tăng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; rà soát, chuẩn hóa tăng số thủ tục hành chính thực hiện đủ 4 bước “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” tại Trung tâm Hành chính công các cấp.

Cụ thể hóa giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng “giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí". (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Cùng với đó, tỉnh triển khai hệ thống “một cửa điện tử” tại 100% cơ quan, đơn vị có thủ tục hành chính giao dịch. Qua đó, đã cắt giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định và Nghị quyết 35 của Chính phủ, như: Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp rút ngắn còn 2 ngày (giảm 1 ngày); cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là 1 ngày (giảm 2 ngày); thông báo nộp tiền lệ phí trước bạ, sử dụng hóa đơn còn 2 ngày (giảm 3 ngày). Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 99%, vượt 1% so với mục tiêu đề ra; nộp thuế điện tử đạt 95%, vượt 5% so với mục tiêu đề ra...

Đặc biệt, tỉnh đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan và thời gian thông quan hàng hóa thông qua triển khai hệ thống thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng điện tử (e-payment); triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến hải quan với 42 thủ tục; 100% Chi cục Hải quan thực hiện khai báo thủ tục hải quan điện tử, 100% tờ khai được hỗ trợ khai báo qua hệ thống thông quan điện tử; thời gian thông quan hàng hóa trung bình đối với hàng xuất khẩu là 21 giờ 34 phút, trung bình đối với hàng nhập khẩu là 39 giờ 45 phút...

Bới sự quyết liệt của tỉnh, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh 5 năm qua luôn duy trì vị trí cao (năm 2016 đạt vị trí thứ 2; năm 2017 dẫn đầu các tỉnh, thành phố cả nước).

Đa dạng kênh hỗ trợ doanh nghiệp

Hơn 2 năm qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc trên 3.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương sau khi tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp cũng quan tâm trả lời, giải quyết dứt điểm gần 600 kiến nghị của doanh nghiệp và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp…

Quảng Ninh thường xuyên nắm bắt thông tin, ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, nhất là kiến nghị liên quan đến chất lượng điều hành, phục vụ của cơ quan Nhà nước qua nhiều kênh khác nhau.

Năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh triển khai đánh giá chất lượng năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh thông qua bộ chỉ số Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp Sở, Ban, Ngành và Địa phương (DDCI). Phạm vi khảo sát được mở rộng so với các năm trước và dự kiến lấy ý kiến từ 4.500-5.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn.

Trong bộ chỉ số DDCI, tên chỉ số thành phần về “Tính năng động” được đổi thành chỉ số “Tính năng động, hiệu lực của hệ thống sở, ban, ngành và chính quyền địa phương”. Đồng thời, bổ sung một số câu hỏi thành phần về an ninh trật tự để phù hợp với phương pháp khảo sát của PCI năm 2018. Khảo sát DDCI năm nay sử dụng câu hỏi mở để tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp về cơ chế, chính sách của tỉnh, cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền nhằm nâng cao chất lượng điều hành…

Song song với đó, Quảng Nĩnh đã tạo điều kiện để Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh làm tốt vai trò cầu nối với các doanh nghiệp. Thông qua Hiệp hội, tỉnh đã nhanh chóng nắm bắt nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp một cách hệ thống và đưa ra những giải pháp để tháo gỡ cho nhiều doanh nghiệp có cùng vấn đề, trong cùng một thời gian…

Từ 2015, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai mô hình “Café doanh nhân”, tạo một không gian cởi mở ngoài vách kính của văn phòng công sở, giúp doanh nghiệp thẳng thắn đề đạt ý kiến, cơ quan quản lý trực tiếp nghe các thắc mắc của doanh nghiệp mà không cần qua các thủ tục hành chính có thể kéo dài cả tuần.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh tham gia "Cafe doanh nhân" gỡ vướng cho doanh nghiệp. (Nguồn: quangninh.gov.vn)

Đáng chú ý, hàng tháng, quý, tỉnh thường chuyên tổ chức gặp gỡ, hội nghị chuyên ngành, cafe doanh nhân để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đất đai, nông nghiệp, thuế, tiếp cận nguồn vốn...

Ngoài duy trì đều đặn chương trình “Cafe doanh nhân”, tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp 2 lần/năm; Chủ tịch UBND tỉnh họp với Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh 1 quý/lần; mời Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cùng dự họp thường kỳ UBND tỉnh hằng tháng... Từ đây, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đất đai, nông nghiệp, thuế, tiếp cận nguồn vốn... sẽ kịp thời được chuyển tới các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm sớm tháo gỡ, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Nhờ những nỗ lực đa dạng hóa kênh hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ trong 7 tháng năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã có thêm 1.480 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 14.900 tỷ đồng, tăng 15,3% về doanh nghiệp và tăng 134% về số vốn so với cùng kỳ.

Xác định mục tiêu đạt tối thiểu 25.000 doanh nghiệp tới năm 2020 trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long yêu cầu các địa phương phải tăng cường chủ động, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh trên địa bàn thành lập hoặc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp; tạo khí thế lao động trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

Phan Mích

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/quang-ninh-song-hanh-cung-doanh-nghiep-75875.html