Quảng Ninh: Rà soát việc khai thác đất đá từ các mỏ than làm vật liệu san lấp

Để chủ động chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu phục vụ san lấp, triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh và hạn chế tác động đến môi trường khu vực, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp ngành Than để rà soát, tận thu các nguồn vật liệu đất đá thải.

Theo kết quả rà soát của Sở Xây dựng Quảng Ninh về số lượng dự án đầu tư xây dựng và phát triển trong những năm gần đây và kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025 thì dự kiến nhu cầu ước tính về khối lượng đất, cát san lấp mặt bằng cần sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng trên 100 triệu m3/năm. Riêng tại các khu vực phía Tây của tỉnh với một số dự án lớn như: Dự án Khu đô thị phức hợp đô thị Hạ Long Xanh trên địa bàn thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long cần khoảng 200-300 triệu m3; Dự án Tổ hợp cảng biển, Khu công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc tại thị xã Quảng Yên cần khoảng 100 triệu m3 ...Chính vì vậy, việc khai thác, sử dụng đất đá từ các mỏ than làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.

UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc họp nghe báo cáo việc khai thác, sử dụng đất đá từ các mỏ than làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong ngày 15/12

UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc họp nghe báo cáo việc khai thác, sử dụng đất đá từ các mỏ than làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong ngày 15/12

Trong khi đó, theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thì tổng khối lượng đá thải hiện có tại các bãi thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh do TKV quản lý khoảng 1.210 triệu m3, lượng đất đá thải phát sinh hàng năm đối với khai thác lộ thiên trên 150 triệu m3. TKV dự kiến khả năng có thể cung cấp nguồn đất đá thải trong quá trình khai thác và chế biến than làm vật liệu san lấp trong giai đoạn 2021 – 2025 riêng tại khu vực Hòn Gai là khoảng 180 triệu m3, sản lượng khoảng 13,85 triệu m3/năm, thời gian khai thác khoảng 13 năm. Còn tại khu vực Cẩm Phả, khối lượng dự kiến 60 triệu m3, sản lượng dự kiến khoảng 3 - 5 triệu m3/năm.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn có nguồn đất đá thải của Tổng công ty Đông Bắc, theo báo cáo thì thì tổng khối lượng đất đá thải hiện có tại các bãi thải có thể cung cấp, sử dụng đất đá thải để phục vụ san lấp mặt bằng các bự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh do Tổng công ty Đông Bắc quản lý khoảng 268,5 triệu m3.

Theo ý kiến của TKV, các công ty thuộc TKV và Tổng Công ty Đông Bắc hoàn toàn ủng hộ và thống nhất với chủ trương của Tỉnh về sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng sẽ làm ảnh hưởng, thay đổi Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt của các dự án mỏ. Vì vậy, TKV đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh giao TKV chủ động xây dựng phương án khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh; báo cáo UBND tỉnh có ý kiến về phương án để TKV báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết theo quy định. Trong đó TKV sẽ xác định cụ thể nguồn cung cấp, vị trí các bãi thải, khai trường, khối lượng, cung đường vận chuyển, biện pháp cải tạo, bảo vệ môi trường, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.... Đồng thời, UBND tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ và cùng TKV có ý kiến báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các thủ tục về điều chỉnh Báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Đông Bắc cũng đề nghị UBND Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ngành chức năng hướng dẫn Tổng công ty trong quá trình lập phương án khai thác đất đá thải mỏ cung cấp cho đơn vị san lấp mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn, xem xét giao cho đơn vị được giao nhiệm vụ san lấp làm thủ tục xin phép khai thác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, hỗ trợ và cùng Tổng công ty Đông Bắc trong việc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, ĐTM, phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt nếu có thay đổi.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trực tiếp đi kiểm tra hiện trường các bãi thải của ngành Than

Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành, TKV, Tổng công ty Đông Bắc và trực tiếp đi kiểm tra hiện trường các bãi thải của ngành Than, ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ của Quảng Ninh đã rất trăn trở trong việc phát triển bền vững, giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và ngành Than, nâng cao chất lượng môi trường sống khu dân cư. Chính vì vậy, tỉnh đã đề xuất với Bộ TN&MT để tiến hành hạ độ cao các bãi thải mỏ, chống trôi lấp bồi lắng, giảm thiểu nguy cơ về sạt lở bãi thải… và đã được Bộ TN&MT chấp thuận.

Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vật liệu đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp mặt bằng cho các dự án. Bởi vậy,các đơn vị liên quan cần xác định chính xác trữ lượng đất đá thải huy động được, nhu cầu đất đá san lấp tại các dự án, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Sở Xây dựng dự thảo đơn giá cụ thể đối với vật liệu san lấp là đất đá thải mỏ để thông tin đến các chủ đầu tư dự án” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

Ngoài ra, với những bãi thải mỏ đã đóng cửa mỏ, yêu cầu TKV, Tổng công ty Đông Bắc phải sớm bàn giao lại cho tỉnh để quản lý.

Tiến Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ninh-ra-soat-viec-khai-thac-dat-da-tu-cac-mo-than-lam-vat-lieu-san-lap-149406.html