Quảng Ninh: Phượt rừng ẩn họa còn bỏ ngỏ

Quảng Ninh, du khách xa gần thường biết đến về phong cảnh biển đảo, chính quyền cơ sở cũng đổ dồn sự quan tâm đến vùng du lịch này, hầu như đang bỏ ngỏ công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình du lịch sinh thái, tiếng lóng gọi là phượt rừng. Phượt rừng, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm của người dân, nhưng ẩn họa cận kề.

Núi Đá Chồng ở tiểu khu rừng số 91, thuộc thôn Khe Liêu, xã Bằng Cả, Hoành Bồ.

Đến nay, Quảng Ninh chưa có số liệu thống kế đầy đủ địa phương có bao nhiêu cánh rừng, thác nước, ngọn khe, đỉnh núi đẹp… Chính quyền cơ sở chưa cảnh báo những ngọn núi, thác nước nguy hiểm. Thú chơi trải nghiệm mạo hiểm, như leo lên những đỉnh núi cheo leo, thả trôi trong thác nước xiết… đang diễn ra khá nhộn nhịp ở vùng rừng núi.

Riêng ở phường Việt Hưng, TP Hạ Long có 2 điểm tắm suối trong rừng, một điểm gọi là suối Năm ở khu 2 (đằng sau Nhà in cũ); một điểm ở khe Đá Bàn, thượng nguồn suối Cầu Nóng, thuộc khu Vạn Yên (giáp với Hoành Bồ). Chả hiểu ai “chống lưng” mà chủ thác “tự xưng” này đầu tư xây dựng đập ngăn nước, tạo cột nước trên cao đổ xuống, còn xây dựng cả khu ăn nghỉ lưu trú, hoạt động nhộn nhịp nhiều năm nay. Hàng ngày mở cửa đón khách thu tiền gửi xe, tiền tắm suối, nếu đặt ăn thì thỏa thuận riêng. Năm ngoái, chủ tịch UBND phường cho biết: Chẳng thu được đồng thuế, lệ phí nào; năm nay thì chưa rõ. Một chủ thác nói: Có đủ giấy tờ đầu tư xây dựng, cấp phép hoạt động. Họ nói vậy, nhưng chẳng tin được, việc chuyển đổi mục đích đất lâm nghiệp sang đất xây dựng và kinh doanh dịch vụ du lịch không thể dễ như vậy.

Những phiến đá lớn chênh vênh xếp chồng lên nhau ở núi Đá Chồng trên đỉnh cao 400m như những chiếc bãy người.

Bài báo này không khai thác sâu khía cạnh quản lý đất đai xây dựng, chỉ đơn cử ở một phường, cho thấy Quảng Ninh có nhiều điểm du lịch thác ghềnh đang ẩn chứa đầy nguy hiểm. Hầu hết các thác rừng về mùa mưa nước chảy xiết, vực thẳm, không có phao cứu sinh, không có người cảnh giới, du khách không được hướng dẫn các nội qui an toàn.

Cụ thể, ngày Chủ nhật 3/9, gia đình anh Nguyễn Văn B, sinh năm 1982, trú ở phường Hải Yên, TP Móng Cái đi phượt rừng, thăm phong cảnh thác suối Tiên, thuộc xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Thác rừng, ngày thường nước chảy hiền hòa đẹp mắt, không khí trong lành, mát mẻ rất bổ ích cho ngày nghỉ thư giãn. Nhưng mùa mưa lũ rừng kéo về thì thác cuộn lên hung dữ, người ở xa đến không biết hiểm họa. Nguyễn Văn B đang vui mắt ngắm cảnh, chợt nghe tiếng trẻ con kêu thất thanh, đoán là con mình gặp nạn ở một góc suối, bèn hốt hoảng chạy đến ứng cứu. Chưa kịp trợ giúp con thì người bố sa chân xuống thác, bị lũ rừng chảy xiết cuốn đi, nửa đêm hôm đó lực lượng cứu hộ mới tìm được xác anh ở hạ lưu suối Tiên.

Một trò chơi mạo hiểm nữa đang cuốn hút nhiều bạn trẻ là phượt rừng, trải nghiệm thú chơi leo vách núi cao hiểm trở. Ở tiểu khu 91, xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, trên đỉnh núi cao 400m có nhiều phiến đá lớn chênh vênh xếp chồng lên nhau, người địa phương gọi là núi Đá Chồng. Núi Đá Chồng như chiếc bẫy người, nguy hiểm vậy mà nhiều đoàn người phượt rừng đến “thám hiểm”, trẻ thì đu dây leo núi, già ở dưới tung hô tán thưởng, đài truyền hình địa phương còn cổ súy trò chơi mạo hiểm nơi rừng sâu núi cao này.

Một trò chơi mạo hiểm.

Mọi người nên tỉnh ngộ, nhớ lại nỗi kinh hoàng 10 năm trước, trời không mưa gió mà đá trên núi Bài Thơ sầm sập đổ xuống, gây thảm họa cho dân khu phố Hàng Nồi, phường Hồng Gai (TP Hạ Long). Còn trên vịnh Hạ Long, một quả núi nhìn xa giống con ngỗng vươn cổ, gọi là hòn Thiên Nga; hòn Thiên Nga không ai động chạm, tự sập đổ nay mất hẳn phần ngọn. Khoa học đã chứng minh, núi đá tạo hóa không yên vị, vẫn tự đổ, phần do địa trấn dưới lòng đất, phần do tác động biến đổi khí hậu trên mặt đất, ta không thể chủ quan được.

Còn thú vui leo núi, thì hiểm họa khó lường. Ba năm trước, trên vách núi Yên Tử phía Đông, thuộc xã Tuấn Mậu (Bắc Giang) giáp với TP Uống Bí đã xảy ra tai nạn chết người, khi nhóm thanh niên táo tợn tự tổ chức phượt leo núi dựng đứng, cheo veo, hiểm trở.

Quảng Ninh rất cần tăng cường quản lý Nhà nước các loại hình du lịch sinh thái, nhất là phượt rừng, các thú vui mạo hiểm leo núi, thả trôi trong thác nước, suối rừng chảy xiết; quản lý đất đai, xây dựng công trình điểm du lịch sinh thái.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/quang-ninh-phuot-rung-an-hoa-con-bo-ngo.html