Quảng Ninh phát triển 'rừng vàng, biển bạc'

Rừng Quảng Ninh từng có độ che phủ ở mức thấp, dưới 30%; biển Quảng Ninh từng bị khai thác quá mức, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Với những nỗ lực không ngừng, đặc biệt là sự đột phá từ những nghị quyết chuyên đề của tỉnh dành cho 2 lĩnh vực này đã từng bước đưa rừng - biển Quảng Ninh trở thành sinh kế làm giàu của người dân, doanh nghiệp...

Đầu tư vào chỗ cần, điểm thiếu

Nghị quyết số 13-NQ/TU (NQ13) về phát triển kinh tế thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được BCH Đảng bộ tỉnh ban hành ngày 6/5/2014, nhằm tạo thế và lực khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của tỉnh ở lĩnh vực này. Với bờ biển dài hơn 250km, diện tích mặt nước 6.100km2, hơn 43.000ha rừng ngập mặn và bãi triều, hệ sinh thái biển phong phú... là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế thủy sản.

Nghị quyết đã chỉ rõ chỉ tiêu phát triển cụ thể và đưa ra nguồn lực, cơ chế phát triển; tổng thể bức tranh thủy sản Quảng Ninh, từ hoạt động sản xuất với nuôi trồng, khai thác và chế biến; công tác quản lý chuyên môn về ngư trường, phương tiện, lực lượng, phương thức khai thác, nuôi trồng…; công tác thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, bảo vệ nguồn lợi…

Người dân huyện Tiên Yên thu hoạch vụ tôm hè 2018.

Người dân huyện Tiên Yên thu hoạch vụ tôm hè 2018.

Nguồn vốn ngân sách 3% tổng chi đầu tư của tỉnh dành cho thủy sản là chìa khóa đầu tiên để mở những "nút thắt". Tính từ năm 2016-2020, số vốn ngân sách tỉnh đầu tư cho thủy sản lần lượt là 196,7; 216; 235; 238; 333 tỷ đồng (năm 2014 là 32 tỷ đồng). Từ đây các khu neo đậu tránh trú bão được hình thành; nhiều khu nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung được đầu tư hạ tầng kỹ thuật; nhiều phương tiện khai thác thủy sản được đóng mới, đúng chuẩn; mô hình NTTS, chế biến thủy sản có ứng dụng công nghệ… được hỗ trợ một phần vốn đầu tư hoặc hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư.

Đội tàu khai thác thủy sản xa bờ của tỉnh tăng mạnh, đội tàu khai thác gần bờ giảm; diện tích NTTS thâm canh, siêu thâm canh tăng lên, diện tích NTTS thâm canh, công nghệ cao tăng. Đó là là điều kiện để thủy sản Quảng Ninh phát triển đúng hướng NQ13 đề ra. Đó là tăng nhanh tổng sản lượng; tăng nuôi trồng thay cho khai thác thủy sản; tăng khai thác thủy sản xa bờ thay cho khai thác thủy sản gần bờ. Năm 2020, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 176.000 tấn. Trong đó NTTS 77.000 tấn, tăng 65% so với năm 2014 (năm đầu thực hiện NQ13), giá trị đạt trên 6.000 tỷ đồng; khai thác thủy sản đạt 69.000 tấn, tăng 2,4%, giá trị đạt trên 4.000 tỷ đồng. Như vậy , nuôi trồng đã dần thay thế khai thác thủy sản như trước kia. Riêng trong khai thác, 60% sản lượng đến từ đội tàu xa bờ, tăng gấp đôi so với năm 2014.

Đến thời điểm này, trong số trên 8.000 tàu khai thác thủy sản toàn tỉnh có trên 2.800 tàu đủ năng lực khai thác vùng khơi, vùng lộng, tăng 350% với trước khi có Nghị quyết số 13-NQ/TU, tăng 172% so với mục tiêu NQ13. Trên 20.000ha NTTS, trong đó phần lớn 3.000ha NTTS nước ngọt được chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả trong giai đoạn thực hiện NQ13. Riêng đối với con tôm - đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh, diện tích nuôi thâm canh là 4.000/tổng số 10.000ha nuôi, tăng 2.300ha so với thời gian đầu thực hiện NQ13. Giá trị 1ha nuôi tôm thâm canh cao gấp 70 lần nuôi quảng canh, đồng nghĩa tổng sản lượng 14.000 tấn tôm thương phẩm/năm. Hiện toàn tỉnh có 4.000ha nuôi tôm công nghiệp.

Cùng với những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, NQ13 đã mở ra sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp, dẫn dắt doanh nghiệp đầu tư vào chỗ cần, điểm thiếu, yếu. Năm 2017, Tập đoàn Việt - Úc, "cánh chim" đầu đàn ngành tôm toàn quốc, đã đặt "viên gạch" đầu tiên đầu tư Dự án Khu phức hợp sản xuất tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn cho tôm và chế biến tôm tại huyện Đầm Hà. 2 năm sau đó, những mẻ tôm giống đầu tiên của doanh nghiệp này ra lò, không chỉ ngay lập tức giúp Quảng Ninh tháo "điểm nghẽn" về tôm giống, mà còn trở thành trung tâm cung ứng tôm giống cho nhiều tỉnh, thành trong nước. Hiện Việt - Úc đã xuất ra thị trường gần 2 tỷ con tôm giống, đây mới chỉ là một phần năng lực sản xuất của Tập đoàn.

Cùng với Tập đoàn Việt - Úc, hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ, hàng nghìn ngư hộ, ngư dân đã tham gia phát triển thủy sản. Trong 5 năm thực hiện NQ13, trên 9.000 tỷ đồng đã được đầu tư cho phát triển thủy sản; trong đó vốn ngân sách chỉ chiếm 10,8% (gần 1.000 tỷ đồng), còn lại là nguồn lực xã hội (vốn của người dân, doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng).

Các đơn vị chức năng thả giống thủy sản tái tạo nguồn lợi biển.

Từ tác động của NQ13, tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản giai đoạn 2015 - 2020 đạt trung bình trên 14%/năm, riêng năm 2020 con số này là 19,8%, cao nhất từ trước đến nay. Thủy sản Quảng Ninh đổi thay diện mạo, trở thành hạt nhân của kinh tế nông nghiệp. Năm 2020, giá trị toàn ngành nông nghiệp Quảng Ninh là gần 20.000 tỷ đồng (theo giá hiện hành) thì thủy sản chiếm 10.700 tỷ đồng, bằng 54%. Thủy sản cũng đóng góp 3% vào GDRP của tỉnh.

Hiện nay đã bước vào năm cuối của thực hiện NQ13, được biết tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng nghị quyết mới dành cho thủy sản, trong đó chiến lược phát triển sẽ là thủy sản công nghệ cao, giá trị lớn. Nghị quyết mới về phát triển thủy sản cũng trọng tâm giải quyết những tồn tại mà NQ13 chưa giải quyết được. Đó là thị trường đầu ra cho sản phẩm; khâu chế biến sâu và xuất khẩu; khâu xử lý thải môi trường từ thủy sản; tăng diện tích NTTS thâm canh, công nghệ cao; tăng nguồn nhân lực thủy sản chất lượng cao; tháo điểm nghẽn về con giống nhuyễn thể, cá biển; hình thành và phát triển cảng, bến cá…

Nâng cao giá trị về kinh tế rừng

Năm 2019, Quảng Ninh lần đầu tiên có nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp (Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn 2030). Giống như NQ13, nguồn lực dành cho lâm nghiệp theo NQ19 ở mức 3% tổng chi đầu tư phát triển của tỉnh, lâm nghiệp Quảng Ninh được kỳ vọng không chỉ giữ vững các chỉ số phát triển đã có, mà còn bước sang giai đoạn mới nâng cao giá trị về kinh tế rừng.

Rừng gỗ lim bản địa của người dân xã Đồng Lâm (TP Hạ Long).

Quá trình dài bền bỉ trồng rừng với các hoạt động về đóng cửa rừng, khoanh vùng rừng đầu nguồn, phân loại, quy hoạch rừng, thiết lập các khu rừng, vườn quốc gia, thành lập các BQL rừng, giao đất, giao rừng… đã giúp cho Quảng Ninh giữ được 337.000ha rừng, trong đó 122,7ha rừng tự nhiên, 214,8ha rừng sản xuất; tỷ lệ che phủ rừng Quảng Ninh là gần 55%, vào hàng cao trong toàn quốc. Trong khi rừng tự nhiên giữ vai trò chính trong bảo vệ môi sinh, môi trường, giữ đất, giữ nước, đảm bảo lợi ích xã hội cho toàn tỉnh; thì rừng sản xuất chính là vốn, là tư liệu để sinh lời, mang lại giá trị kinh tế.

Với NQ19, phát triển kinh tế rừng được nhìn nhận ở tầm chiến lược và bền vững. Đó là trồng rừng gỗ lớn thay cho rừng gỗ nhỏ; đa dạng danh mục gỗ lớn, thay cho chỉ cây keo; chế biến lâm sản sâu thay vì băm dăm gỗ; tiến tới xuất khẩu lâm sản thay vì chỉ tiêu thụ nội địa… Một trong những giải pháp đầu tiên cho mục tiêu này theo NQ19 chính là cơ chế chính sách hỗ trợ trồng cây bản địa, hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 12.000ha rừng sản xuất trồng mới, có nghĩa từng ấy ha rừng sản xuất thành phẩm được khai thác, mang lại doanh thu, lợi nhuận cho người dân. Mặc dù vậy, với loại cây trồng là cây keo, phương thức trồng rừng gỗ nhỏ, giá trị kinh tế của rừng Quảng Ninh thực chất không cao; thì việc trồng cây bản địa, trồng rừng gỗ lớn và thực hiện chứng chỉ rừng như định hướng NQ19 đã khắc phục được tồn tại đang có, mang đến giá trị cho rừng gấp 2-4 lần trước đó.

Rừng Quảng Nam Châu (huyện Hải Hà) có hệ thực vật dưới tán phong phú.

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm, mặc dù chính sách hỗ trợ trồng cây bản địa 25 triệu đồng/ha, hỗ trợ thực hiện chứng chỉ rừng 500.000 đồng/ha/năm thuộc NQ19 vẫn ở dạng dự thảo, tuy nhiên nhiều địa phương đã đăng ký diện tích trồng mới rừng gỗ lớn, diện tích chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát, doanh nghiệp sản xuất than viên xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, đã sẵn sàng có mặt tại Quảng Ninh để hỗ trợ chủ rừng trong việc cấp chứng chỉ rừng bền vững. Cam kết của doanh nghiệp này với tỉnh là trong năm 2021 có thể triển khai 5.000ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; năm 2025 là 15.000ha rừng. Việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững với yêu cầu tối thiểu về tuổi rừng trên 7 năm, phương pháp phát thực bì rừng là không đốt… là một phần nội hàm của NQ19.

Rừng gỗ lớn là một trong những điều kiện tiên quyết để Quảng Ninh nâng tầm công nghiệp chế biến lâm sản, mang lại giá trị thực cho người dân, doanh nghiệp và ngân sách nhà nước. Theo NQ19, Quảng Ninh sẽ thực hiện lộ trình giảm các cơ sở băm dăm gỗ từ năm 2021, cụ thể là giảm từ 464 cơ sở hiện nay xuống 250 cơ sở vào năm 2025 và còn 170 cơ sở vào năm 2030. Các huyện Tiên Yên, Ba Chẽ sẽ là vùng trọng điểm về nguyên liệu gỗ lớn và chế biến lâm sản, trong đó tỉnh thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến gỗ quy mô rất lớn tại Tiên Yên với nhiệm vụ đảm nhiệm đầu ra cho các cánh rừng gỗ lớn, chế biến sâu với những lâm sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường nước ngoài khó tính cũng như tiêu thụ nội địa giá cao.

Rừng ngập mặn Đồng Rui (huyện Tiên Yên).

Với chiến lược phát triển, Quảng Ninh sẽ có vùng nguyên liệu gỗ lớn 214.800ha, là điều kiện tiên quyết để có nền công nghiệp lâm nghiệp. Quảng Ninh cũng là trọng điểm thu mua nguyên liệu gỗ lớn của các tỉnh, thành lân cận, trước nhất là đối với các vùng nguyên liệu của Lạng Sơn, Bắc Giang, thay vì chỉ là điểm trung chuyển xuất dăm gỗ qua cảng biển hoặc thực hiện băm dăm thuê như hiện nay. Từ đây giúp Quảng Ninh thành trung tâm chế biến lâm sản, cung ứng những sản phẩm lâm sản giá trị cao của cả nước.

Người dân đang khai thác rừng.

Bên cạnh đó, 122.700ha rừng tự nhiên được gìn giữ, bảo vệ tốt nhất sẽ tạo cho Quảng Ninh môi sinh, môi trường tốt, cảnh quan sinh thái trong lành, tươi đẹp, tác động xã hội tích cực, là điều kiện để mọi ngành kinh tế phát triển. Riêng đối với ngành Du lịch, dự án Quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh thái Vinpearl Safari Đồng Sơn - Kỳ Thượng đang hình thành, kỳ vọng tạo nên một đại dự án du lịch rừng, điểm nhấn của Quảng Ninh.

Rồi đây, rừng của Quảng Ninh không chỉ mang đến 80% giá trị mặc định về môi sinh, môi trường, cảnh quan, mà còn là 20% giá trị về kinh tế, đủ để các chủ rừng là người dân, doanh nghiệp có nguồn thu lớn, lợi nhuận cao, các ngành kinh tế khác được hưởng lợi, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, ngân sách của nhà nước.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202012/quang-ninh-phat-trien-rung-vang-bien-bac-2514253/