Quảng Ninh: Phát huy các nguồn lực giảm nghèo bền vững

Công tác giảm nghèo luôn được coi là chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Quảng Ninh đã vận dụng mọi khả năng, cơ chế chính sách, có cách làm sáng tạo để xóa đói, giảm nghèo…Vì vậy, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống, mức sống của khu vực miền núi và đồng bằng cũng như giữa các dân tộc được rút ngắn.

Thực hiện chỉ đạo Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế- xã hội, về giảm nghèo, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời các quyết định, kế hoạch cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Các văn bản, chính sách hỗ trợ, trợ giúp người nghèo, người cận nghèo được ban hành đúng pháp luật, đáp ứng được yêu cầu và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể; đồng thời, hệ thống các văn bản được ban hành đã cơ bản có sự thống nhất so với mục tiêu chung của chương trình giảm nghèo.

Cùng với việc xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền luôn là một trong những nội dung được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các Hội đoàn thể quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến người dân, đặc biệt là người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, làm chuyển biến và nâng cao ý thức thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân.

Từ những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các dự án, chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước, sự chung tay của cả cộng đồng, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt những kết quả tích cực. Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, tính đến cuối tháng 11/2018, số hộ nghèo toàn tỉnh ước tính còn 4.248 hộ, tương đương 1,2% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh; đã có 3.696 hộ thoát nghèo (chiếm 47,49% tổng số hộ nghèo cuối năm 2017), 23 hộ tái nghèo... Trong năm 2018, tỉnh Quảng Ninh có thêm 5 xã và 40 thôn đặc biệt khó khăn đạt các tiêu chí để ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; hộ nghèo giảm 1.965 hộ. Toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho 1.250 hộ nghèo, tổng số vốn đã triển khai thực hiện là 53,85 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều mô hình hỗ trợ hội viên tại các xã đặc biệt khó khăn giảm nghèo bền vững như: Chăn nuôi gà thương phẩm tại xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu); chăn nuôi lợn thương phẩm tại xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ); trồng cây dược liệu tại xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên)…đã được chủ động triển khai. Năm 2018, HND đã tỉnh tiếp tục triển khai 4 mô hình cho 92 hộ nghèo và cận nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn như Đồn Đạc, Quảng Đức, Quảng Lâm Húc Động.

Chia sẻ về những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo của Quảng Ninh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Hoài Sơn cho biết, Giải pháp tuyên truyền vẫn quan trọng nhất. Ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của thì tỉnh thì cấp ủy chính quyền địa phương và người dân phải vào cuộc. Khi tuyên truyền tốt thì nhận thức của người dân cũng đã thay đổi. Các hộ nghèo, cận nghèo đã có chuyển biến tích cực về ý thức vươn lên thoát nghèo, chủ động đăng ký lộ trình, phấn đấu thoát nghèo, viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo khi đủ điều kiện (tiêu biểu là tại huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Bình Liêu).Thứ hai là vấn đề nguồn lực được tỉnh rất quan tâm Năm 2018 nguồn tỉnh bố trí cho chương trình nông thôn mới và mục tiêu quốc gia giảm nghèo là khoảng gần 600 tỷ từ nguồn vốn ngân sách, chưa kể các nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Ngoài ra việc lồng ghép giữa các chương trình, cũng vấn đề rất quan trọng. Hiện có rất nhiều chương trình như chương trình giảm nghèo gắn với việc triển khai đề án 135, nông thôn mới. Bản chất thì đều tập trung cho công tác giảm nghèo, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Rồi các mô hình hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Năm nay, việc hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất cũng thực hiện rất tốt. Chính nhờ nguồn vốn vay mà người dân mới đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên được. Các chương trình dự án thì một số mô hình có hỗ trợ.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hoài Sơn, để thực hiện mục tiêu đến hết năm 2019 có thêm 12 xã, 8 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và lộ trình đến năm 2020 đưa tất cả các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, Quảng Ninh đã tập trung sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, rà soát thực trạng của từng thôn, xã. Từ đó sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc tích cực của cộng đồng để sớm đưa các thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Tiếp tục tham mưu, ban hành và phối hợp hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bộ, kịp thời, đầy đủ, đảm bảo đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,4%/năm (đạt kế hoạch đề ra).

“Có thể nói, công tác giảm nghèo thời gian qua được tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt. Tỉnh ủy, hội đồng ban hành Nghị quyết năm và 6 tháng, UBND tỉnh cũng kiểm điểm, rà soát hàng tháng, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương. Nếu không hoàn thành tính vào chỉ tiêu đánh giá cuối năm, giao chỉ tiêu giảm nghèo cũng như giao thu ngân sách” – ông Nguyễn Hoài Sơn cho hay.

P.V

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quang-ninh-phat-huy-cac-nguon-luc-giam-ngheo-ben-vung-d99488.html