Quảng Ninh: Nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn diễn ra mới đây, Quảng Ninh là một trong những địa phương được Chính phủ đánh giá cao về những kết quả đạt được, nhất là Chương trình OCOP.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng OCOP của tỉnh Quảng Ninh ở Triển lãm quốc gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Hà Nội ngày 27/11.

Với đặc thù là tỉnh công nghiệp, với cơ cấu kinh tế ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu GRDP (năm 2008 là 6,49%; năm 2017 là 6,3%), nhưng Quảng Ninh đã có nhiều sáng tạo trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp địa phương (OCOP), đưa nông nghiệp từng bước đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo bền vững...

Quảng Ninh đã thành lập Ban điều hành Chương trình OCOP; quy hoạch các sản phẩm chủ lực, ban hành các cơ chế, chính sách và cân đối, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện; ban hành kế hoạch cụ thể về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia. Trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong việc triển khai. Hằng năm, tỉnh dành kinh phí trên 100 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ chương trình.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu kiểm tra tình hình sản xuất tại Cơ sở sản xuất rau thủy canh 188 Mạo Khê, Đông Triều.

Đến nay, Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế của Quảng Ninh với tổng số 326 sản phẩm (nhóm thực phẩm 179 sản phẩm; đồ uống 60 sản phẩm; thảo dược 46 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ 7 sản phẩm; dịch vụ 2 sản phẩm), trong đó 131 sản phẩm đã đạt sao (7 sản phẩm đạt 5 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao, 68 sản phẩm đạt 3 sao). Có 145 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP, trong đó có 44 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã, 56 hộ sản xuất; tạo việc làm cho 3.532 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đồng/người/tháng. Tất cả đều là sản phẩm hàng hóa có giá trị, được thị trường đón nhận.

Cùng với Chương trình OCOP, Quảng Ninh xác định nhiệm vụ sớm đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc; phân công các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi địa bàn thực hiện Chương trình 135.

UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; cân đối, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện đề án, trong đó nguồn ngân sách tỉnh năm 2016 là 100 tỷ đồng, năm 2017 là 200 tỷ đồng, năm 2018 là 350 tỷ đồng. Đặc biệt, các địa phương tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trên cơ sở nguyện vọng, đề xuất của người dân và phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển các thương hiệu của mình.

Cà tím và dưa lưới - giống cây nhập ngoại mới đang được người dân TX Đông Triều đưa vào trồng thử nghiệm.

Đến thời điểm này, tại các xã vùng khó của tỉnh đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế được người dân tham gia tích cực. Đặc biệt, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu như đường nội đồng, kênh mương phục vụ sản xuất, công trình nước sạch... đã hoàn thành phục vụ việc sản xuất, sinh hoạt và đi lại giao thương cho đồng bào các xã, thôn ĐBKK. Năm 2017, tỉnh có 6 xã và 2 thôn đã ra khỏi diện ĐBKK, đến cuối năm nay dự kiến 5 xã và 119 thôn thoát khỏi diện này.

Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật và những chuyển biến lớn. Nông nghiệp tăng trưởng và phát triển toàn diện; diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc; đời sống dân cư vùng nông thôn không ngừng được cải thiện; vai trò chủ thể của người nông dân ngày càng được phát huy.

Cụ thể, tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất của ngành đạt 10,2%; cơ cấu GDP ngành nông nghiệp từ 6,7% năm 2008 xuống còn 6,3% năm 2017; giá trị gia tăng bình quân trên 3,6%/năm; tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành bình quân giai đoạn 2008-2017 đạt 17,24%. Thu nhập của người dân vùng nông thôn tăng nhanh từ 7,83 triệu đồng năm 2008 lên 35 triệu đồng năm 2017, gấp 4,5 lần; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,4% năm 2008 xuống còn 2,25% năm 2017; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên đạt 98,6%.

Tuyến đường liên thôn xanh, sạch, đẹp ở xã Việt Dân (TX Đông Triều), đơn vị điển hình về xây dựng NTM toàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 51/111 xã và 2 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó Đông Triều là đơn vị đầu tiên của khu vực phía Bắc, Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM; Uông Bí và Cẩm Phả đã hoàn thành xây dựng NTM. Dự kiến, đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 72/111 xã và 4/14 huyện, thành phố về đích xây dựng NTM, vượt mục tiêu Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201812/10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-trung-uong-7-khoa-x-ve-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon-quang-ninh-nhieu-cach-lam-doi-moi-sang-tao-2410688/