Quảng Ninh nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp

Đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy Quảng Ninh kiểm tra công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 49 - NQ/TW tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các cấp ủy, tổ chức đảng của tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai, đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp (CCTP) với quyết tâm cao, bước đầu đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Sáu tháng đầu năm, Sở Tư pháp Quảng Ninh đã tổ chức hai lớp tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật cho 200 người là lãnh đạo UBND xã phụ trách công tác tư pháp, chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, công chức tư pháp, hộ tịch, tổ trưởng các tổ hòa giải và hòa giải viên một số xã thuộc huyện Tiên Yên và thị xã Quảng Yên. Cùng với đó, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai các lĩnh vực công tác tư pháp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên toàn tỉnh.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, Sở Tư pháp Quảng Ninh đã chú trọng công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên. Đẩy mạnh hướng dẫn thực hiện quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở.

Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường cho biết: Thời gian tới sở tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác tư pháp ở cơ sở, đơn vị; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH T.Ư khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đồng thời, quan tâm công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp. Đặc biệt, các cơ quan tư pháp hai cấp của tỉnh đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ chính trị; chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án từng bước được nâng lên. Việc thực hiện xét xử theo mô hình tranh tụng bước đầu có hiệu quả; công tác hòa giải, đối thoại trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính được chú trọng. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh không để xảy ra án oan, sai nghiêm trọng phải tiến hành bồi thường. Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết tốt các vụ việc nổi cộm, nhất là trong xử lý các vi phạm liên quan đến khai thác, vận chuyển kinh doanh than trái phép; giải quyết các khiếu kiện hành chính liên quan đất đai, dự án, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh về công tác CCTP, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh đã tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục mang tính chất hỗ trợ cho hoạt động xét xử, giải quyết triệt để, kịp thời các yêu cầu của cơ quan, tổ chức và công dân tại tòa án. Tập trung vào việc nâng cao tiến độ, chất lượng giải quyết, xét xử các loại án; nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa; chú trọng công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính. Đã tổ chức 43 phiên tòa rút kinh nghiệm; đăng tải 1.582 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử tòa án.

Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh Hoàng Văn Tiền cho biết: Tòa án tỉnh xác định tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp. Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hành chính tư pháp, thụ lý, thống kê, báo cáo và nhiều mặt công tác khác.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, tỉnh Quảng Ninh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, công chứng, thừa phát lại. Các hoạt động giám sát, chất vấn của cơ quan dân cử; giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tư pháp được tăng cường; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp ngày càng được mở rộng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động của các cơ quan tư pháp được quan tâm đầu tư, hỗ trợ.

Đến nay, phần lớn các cấp ủy địa phương đã quan tâm ban hành kế hoạch, chương trình công tác CCTP hằng năm để triển khai thực hiện. Một số địa phương đã chủ động ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, trong đó có công tác cải cách tư pháp như: Móng Cái, Hải Hà, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên... Ngoài ra, nhiệm vụ công tác CCTP còn được chỉ đạo lồng ghép trong các Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, các văn bản chỉ đạo về công tác nội chính của địa phương. Nổi bật là Đảng ủy Công an tỉnh, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chủ động, kịp thời ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác CCTP phù hợp chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của từng ngành. Công an tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác điều tra, chất lượng đội ngũ điều tra viên và cán bộ điều tra; hằng năm đều ban hành nghị quyết về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó có đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ của công tác cải cách tư pháp. Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh ban hành nhiều nghị quyết về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm sát tỉnh Quảng Ninh.

Để hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động tư pháp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. Hằng năm, Ban Chỉ đạo đề ra chương trình trọng tâm, đồng thời phân công từng thành viên chỉ đạo từng công việc gắn với lĩnh vực công tác chuyên môn và chức trách được giao. Trong đó nhấn mạnh nội dung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến CCTP; triển khai các đạo luật mới ban hành, đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng duy trì nền nếp chế độ giao Ban khối nội chính; chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, sâu sát các cơ quan tư pháp của tỉnh trong việc xử lý các vụ án, vụ việc; các hoạt động giám sát, chất vấn của cơ quan dân cử; giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tư pháp được tăng cường.

Những kết quả đạt được trong công tác CCTP của tỉnh Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo chuyển biến quan trọng trong lĩnh vực CCTP trong toàn tỉnh, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân; bảo vệ pháp chế XHCN, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/41853902-quang-ninh-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-tu-phap.html