Giảm thuế giá trị gia tăng 2%: Người tiêu dùng phản hồi tích cực

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP chính thức được áp dụng từ ngày 1/2/2022 đã nhận được sự phản hồi tích cực của người dân, doanh nghiệp. Giảm thuế giá trị gia tăng góp phần giảm giá thành sản phẩm, từ đó kích thích sản xuất, kích cầu tiêu dùng và giảm nguy cơ tăng lạm phát.

Kích cầu tiêu dùng và sản xuất phát triển

Theo khảo sát tại một số siêu thị kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội, sau khi Nghị định 15 chính thức được áp dụng từ 1/2 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ lớn đã hoàn tất điều chỉnh các mặt hàng theo mức giá mới nhờ giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) xuống 8%.

Chị Nguyễn Thị Huyền quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, chị thường xuyên mua hàng ở hệ thống các siêu thị, từ ngày 1/2, các siêu thị đã giảm thuế GTGT 2% nhiều mặt hàng. Tuy mức giảm không nhiều, nhưng đây cũng là sự chia sẻ rất ý nghĩa trong thời điểm dịch bệnh khó khăn như hiện nay.

Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, mỗi năm, Tổng công ty phải nộp khoảng 100 tỷ đồng thuế GTGT, với chính sách giảm thuế GTGT 2%, giúp doanh nghiệp có thêm khoảng 20 tỷ đồng để tăng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chính sách này có tác động tích cực đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Từ ngày 1/2, các siêu thị đã giảm thuế giá trị gia tăng 2% nhiều mặt hàng.

Ông Việt cho rằng, đây là một trong những chính sách kịp thời không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp mà còn hỗ trợ đối với người tiêu dùng trong nước. Người tiêu dùng sẽ được mua hàng hóa ít nhất rẻ hơn 2% thuế GTGT so với hiện tại. Đối với Tổng công ty May 10 cũng giúp thúc đẩy xuất khẩu nhờ giá thành cạnh tranh.

Còn theo PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), đây là chính sách đúng đắn và kịp thời, là một trong những biện pháp kích cầu nền kinh tế trong bối cảnh thu nhập của một bộ phận dân cư giảm và một bộ phận doanh nghiệp bị khó khăn do thiếu hụt nhân công và đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bằng chính sách này, hầu hết hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế được giảm 2% thuế GTGT. Như vậy, người tiêu dùng có thể mua được hàng với giá rẻ hơn, hỗ trợ nâng cao đời sống nhân dân và qua đó, kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất phát triển. Trường hợp các doanh nghiệp đã thỏa thuận mua bán theo giá đã có thuế GTGT thì tùy thuộc vào quan hệ kinh tế giữa các bên đối tác và quan hệ cung - cầu trên thị trường mà giá cả có thể giảm hoặc người bán được gia tăng lợi nhuận.

“Trong bối cảnh hiện nay, dù tác động theo hướng nào cũng đều có tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế, qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân. Ước tính với chính sách này, Nhà nước có thể “bơm” thêm cho nền kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng năm 2022. Điều cần lưu ý là, đối với những hàng hóa, dịch vụ cao cấp, không thiết yếu hoặc đang có sức mua tốt thì không thuộc diện được giảm thuế vì không cần thiết phải kích cầu, nếu vẫn giảm sẽ là sự hy sinh ngân sách nhà nước một cách vô nghĩa” - PGS.TS Lê Xuân Trường cho hay.

Cần kiểm soát để chính sách giảm thuế thực sự hiệu quả

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước với sản phẩm nhập khẩu; thúc đẩy tiêu dùng; khuyến khích đầu tư vào cả sản xuất và bán lẻ. Từ việc giảm thuế GTGT sẽ tác động rất lớn đến dân sinh, giúp cho người nghèo sẽ bớt phần gánh nặng trong tiêu dùng tại thời điểm khó khăn này.

Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát

“Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, qua đó, thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, trước áp lực rất lớn do giá dầu thế giới tăng, chính sách này cũng góp phần kiềm chế lạm phát. Tất nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát thì cần có sự kết hợp của cả các chính sách tài khóa và tiền tệ đồng bộ, chứ không chỉ đơn thuần là giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng”- PGS.TS Lê Xuân Trường

Tuy nhiên, để chính sách giảm thuế GTGT thực sự hiệu quả, ông Phú cho rằng, ngay từ khi chính sách có hiệu lực, cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Cần tiến hành đánh giá việc thực hiện 3 đến 6 tháng một lần để có thể nhìn nhận rõ tác động của chính sách đến với người dân.

Cùng với đó, việc giảm thuế GTGT phải đảm bảo cung cầu hàng hóa. Nếu giảm thuế GTGT mà giá hàng hóa lại cao hơn thị trường thì việc giảm thuế VAT là điều vô nghĩa. Vì vậy, cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm soát giá, đặc biệt với các mặt hàng có mức giá “vô lý”.

PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, để thực hiện có hiệu quả chính sách này, cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước cần tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp và người dân hiểu và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Cơ quan thuế cần tập huấn kỹ lưỡng để công chức thuế có thể kịp thời giải đáp, hướng dẫn doanh nghiệp khi có vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đồng thời, mọi vướng mắc phát sinh cần kịp thời tổng hợp để ban hành văn bản hướng dẫn chung, công bố công khai, kịp thời để doanh nghiệp và người dân hiểu và thực hiện đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, cần tổ chức tiếp nhận thông tin và kiểm tra, xử lý đúng quy định pháp luật các trường hợp cố tình không thực hiện quy định pháp luật về giảm thuế GTGT.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-thue-gia-tri-gia-tang-2-nguoi-tieu-dung-phan-hoi-tich-cuc-100863.html