Quảng Ninh: Liên kết sản xuất an toàn, giải cơn khát đầu ra cho nông sản

Các chính sách đẩy mạnh liên kết, phát triển sản xuất an toàn theo chuỗi, cùng sự tham gia tích cực của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, đang giúp thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) tạo sức bật trong nông nghiệp, gia tăng giá trị, mở rộng đầu ra cho nông sản.

Sức mạnh từ liên kết

Việc tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) trong sản xuất nông nghiệp được thị xã Đông Triều đẩy mạnh kể từ năm 2010, với mục tiêu trở thành “lá cờ đầu” của tỉnh trong liên kết sản xuất theo chuỗi.

Nhờ liên kết, ngành nông nghiệp thị xã Đông Triều đang khởi sắc

Nhờ liên kết, ngành nông nghiệp thị xã Đông Triều đang khởi sắc

Phong trào liên kết trong sản xuất nông nghiệp phát huy hiệu quả và tạo sức lan tỏa tại nhiều địa phương. Điển hình, tại các phường Bình Dương, Nguyễn Huệ, Hưng Đạo…, người nông dân đã liên kết với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm sản xuất, tiêu thụ lúa giống PC26 để xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản.

Hay như tại xã Hồng Phong, nông dân đã liên kết với CTCP Giống cây trồng Quảng Ninh để phát triển mô hình sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng trên cánh đồng mẫu với quy mô 51,6ha. Mô hình đã và đang cho hiệu quả cao.

Tuy nhiên, điển hình nhất phải kể đến mô hình liên kết trồng khoai tây Atlantic của nông dân xã Bình Dương với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina Hàn Quốc tạo thành vùng sản xuất cây vụ đông tập trung, giá trị cao.

Mô hình này đang được đánh giá là một trong những mô hình thực hiện liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) có hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên sản lượng thu hoạch khoai tây Atlantic ở Bình Dương đạt cao hơn hẳn các xã khác, từ 11-12 tấn/ha, trị giá thu hoạch củ khoai tây ước đạt 70-75 triệu đồng/ha.

Được phân công dẫn dắt sản xuất của người dân, HTX nông nghiệp Bình Dương đang làm rất tốt nhiệm vụ. Ông Trịnh Xuân Dương – Phó Giám đốc HTX, cho biết: “Không chỉ mang lại hiệu quả cao, liên kết với doanh nghiệp đòi hỏi người dân phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, qua đó mang lại hiệu quả toàn diện”.

Các mô hình đem lại hiệu quả vượt trội về kinh tế, ATLĐ

Lan tỏa thành công

Tính đến thời điểm hiện tại, thị xã Đông Triều có 5 HTX tham gia liên kết với doanh nghiệp, trong đó có 3 HTX liên kết sản xuất, kinh doanh lúa; 1 HTX liên kết sản xuất, kinh doanh rau; 1 HTX liên kết sản xuất, kinh doanh khoai tây.

Số doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với HTX, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn thị xã là 8, với tổng diện tích liên kết đạt hơn 183 ha, tất cả đều cho thấy hiệu quả vượt trội về kinh tế, ATLĐ.

Nhiều mô hình liên kết theo chuỗi gắn với sản xuất an toàn, ATLĐ mang lại hiệu quả cao, như chuỗi liên kết nếp cái hoa vàng tại các xã Yên Đức, Hồng Phong với quy mô 20ha, cho thu nhập bình quân 51,7 triệu đồng/ha; chuỗi liên kết rau an toàn cho sản lượng 2-3 tấn/ngày, đã được cung cấp cho các siêu thị Hà Nội, Hạ Long…

Hàng loạt sản phẩm thế mạnh của thị xã cũng được nâng tầm như nếp cái hoa vàng, na dai; cam canh... Trong đó, nếp cái hoa vàng được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh do HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Yên Đức sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX Yên Đức, cho hay hiện diện tích nếp cái hoa vàng của đơn vị khoảng 20ha, thị trường tiêu thụ tốt, đem lại thu nhập bình quân 51,7 triệu đồng/ha cho người dân, cao hơn các loại lúa khác là 17,9 triệu đồng/ha.

“Từ khi đưa tiêu chuẩn quy trình VietGAP vào thực hiện, người dân rất phấn khởi, giá trị sản xuất liên tục gia tăng, các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm được đảm bảo, mở hướng đi bền vững, lâu dài cho người dân”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo Mộc Miên/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/quang-ninh-lien-ket-san-xuat-an-toan-giai-con-khat-dau-ra-cho-nong-san/20191207091509100