Quảng Ninh: Kiên định mục tiêu phát triển 'xanh'

Được ví như 'Việt Nam thu nhỏ', tỉnh Quảng Ninh có nhiều ưu thế cả về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản lẫn giá trị về văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên đã lâu và quá mức sẽ khiến địa phương trở thành vùng đất ô nhiễm. Sớm nhận thức được điều này, tỉnh Quảng Ninh đã có những quyết sách đúng đắn, đặt rõ mục tiêu dần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ 'nâu' sang ' xanh'.

Khai thác than gắn với hành trình chuyển đổi mô hình sản xuất từ "nâu" sang "xanh"

Khai thác than gắn với hành trình chuyển đổi mô hình sản xuất từ "nâu" sang "xanh"

Sự cần thiết của việc chuyển đổi

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều loại khoáng sản giá trị công nghiệp, trong đó, quan trọng nhất là than đá (chiếm trên 90% trữ lượng cả nước), là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất vật liệu xây dựng, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 131 dự án khai thác khoáng sản (trong đó, 59 dự án khai thác than, 72 dự án khai thác vật liệu xây dựng và Nhà máy Thủy điện Khe Soong công suất 3,6MW).

Chính vì vậy, tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã chiếm tới 53,4% (năm 2010) cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, số thu ngân sách từ ngành than chiếm hơn 60% số thu nội địa của tỉnh mỗi năm. Việc phát triển nhanh của công nghiệp đã tạo ra áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Trên thực tế, đã tạo ra xung đột, mâu thuẫn với phát triển dịch vụ thương mại, du lịch trên cùng một địa bàn, đặc biệt đối với Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.

Trong khi đó, mặc dù du lịch, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh vẫn có sự tăng trưởng nhất định qua các năm nhưng mới chỉ dừng ở mức khai thác phần ngọn mà thiếu tính bền vững, lâu dài. Cùng với đó, việc nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch, ngành vận tải biển, cảng biển và lấn biển làm giảm diện tích rừng ngập mặn, tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái biển và gây ô nhiễm môi trường của tỉnh. Chính vì vậy, việc chuyển đổi sang định hướng phát triển "xanh" là lựa chọn cần thiết. Sự lựa chọn này phù hợp với xu thế của thời đại, các định hướng phát triển dài hạn của đất nước, đặc thù của tỉnh. Điều quan trọng nhất, đó là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.

Giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng bền vững

Theo "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; gắn nhiệm vụ, theo lộ trình bài bản, thực hiện Chiến lược với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp "xanh".

Trên cơ sở định hướng đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai những nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn. Đáng chú ý, những nội dung này không chỉ được thực hiện quyết liệt ở một số địa bàn được xác định là trọng điểm du lịch từ trước, mà đã lan tỏa ra 14/14 địa phương tại Quảng Ninh. Qua đó, tạo khí thế thi đua để phát triển du lịch, dịch vụ tại mỗi địa phương. Điều này thể hiện rất rõ ở việc hiện nay, các địa phương đều xác định được những tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, dịch vụ.

Đến nay, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 39,3% (năm 2010) lên 44,8% (năm 2018), dự kiến đến năm 2020 là 48%. Ngành công nghiệp giảm từ 53,4% (năm 2010) xuống 49,2% (năm 2018), dự kiến đến năm 2020 còn 47%. Ngành nông nghiệp giảm từ 8,7% (năm 2010) xuống còn 6% (năm 2018), dự kiến đến năm 2020 còn 5%.

Dự báo, đến hết năm 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra của nghị quyết phát triển du lịch, dịch vụ. Hiện, tỉnh cũng là một trong những địa phương được trung ương đánh giá cao về hiệu quả trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", đặc biệt là những bứt phá ngoạn mục trong phát triển các ngành dịch vụ, du lịch; trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam đối với cả du khách và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong buổi làm việc của Đoàn công tác Trung ương với tỉnh Quảng Ninh tháng 8/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá rất cao về những kết quả toàn diện của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, chính quyền Quảng Ninh cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung sức, đồng lòng vượt qua thách thức, khắc phục tồn tại, tháo gỡ điểm nghẽn, cản trở trong quá trình phát triển; khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; khẳng định vai trò là cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là tiền đề đưa Quảng Ninh thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030.

Thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Những năm gần đậy, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường (BVMT) tự nhiên, coi nhiệm vụ này là một trong những "xương sống" trong chiến lược phát triển của tỉnh.

Để tạo nền tảng và thực hiện có hiệu quả, bền vững mô hình tăng trưởng "xanh", 3 đột phá chiến lược được triển khai đồng bộ, thống nhất bao gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điển hình như việc yêu cầu các ngành than, nhiệt điện, xi măng triển khai đánh giá tác động môi trường, lắp hệ thống phun sương dập bụi… Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 80% nước thải từ hoạt động khai thác than đã được xử lý, hầu hết các bãi thải mỏ không còn hoạt động đã được hoàn nguyên môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị đạt 90%...

Về phía các đơn vị khai thác khoáng sản, cơ bản thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai, BVMT và thực hiện việc đầu tư xây dựng các công trình BVMT nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tác động đến môi trường. Chỉ tính riêng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), hàng năm chi gần 1.000 tỷ đồng cho công tác này. Ngoài ra, TKV còn thực hiện bổ sung 12 hạng mục, công trình ngoài Đề án với tổng kinh phí trên 127 tỷ đồng. TKV cùng với Tổng công ty Đông Bắc tập trung triển khai Đề án Đảm bảo môi trường cấp bách ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020 với hơn 100 công trình, hạng mục…

Đối với ngành nông - lâm - thủy sản, để phát triển theo hướng bền vững, tránh tác động đến môi trường tự nhiên, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nổi bật là việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến; nghiêm cấm khai thác thủy - hải sản theo hướng tận diệt; phát triển trồng rừng gỗ lớn; nông nghiệp hữu cơ...

Trong khai thác và phát triển du lịch, tỉnh cũng đẩy mạnh quản lý hoạt động vận chuyển khách tham quan và tàu lưu trú du lịch; tổ chức thu gom rác thải BVMT sinh thái trên Vịnh; hạn chế tối đa phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển...

Với những biện pháp tổng thể, "nút thắt" trong phát triển công nghiệp đồng hành cùng du lịch, dịch vụ đang dần được tháo gỡ, định hướng phát triển "xanh" đang dần phát huy hiệu quả. Đời sống của người dân cùng môi trường sống ngày càng được cải thiện. Tin rằng, với định hướng đúng cùng sự quyết tâm của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm hiện thực hóa được mục tiêu phát triển "xanh", góp phần chứng minh cho chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Tiến Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ninh-kien-dinh-muc-tieu-phat-trien-xanh-144158.html