Quảng Ninh: Khai hội Tiên Công và đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Tiên Công ở đảo Hà Nam, Quảng Yên, Quảng Ninh vừa được đón nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Với chủ đề “Về miền di sản văn hóa Tiên Công”, chương trình Khai hội Tiên Công 2018 và Đón bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội Tiên Công diễn ra trong 4 ngày từ 19/2/2018 - 22/2/2018 (Tức ngày 4 - 7 Tháng Giêng năm Mậu Tuất) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian phong phú.

Đặc sắc nhất là các đoàn rước cụ Thượng bằng kiệu võng đào lên miếu Tiên Công mang đậm nét văn hóa Thăng Long nơi cửa biển; các trò chơi dân gian: Cờ người, Tổ tôm điếm, Chơi đu, Hát đúm giao duyên...

Lễ hội Tiên Công đón bằng di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Sự kiện này nhằm quảng bá các giá trị đặc sắc của lễ hội Tiên Công; giới thiệu những nét đẹp văn hóa của lễ hội và giá trị các di tích dòng họ trong quần thể di tích miếu Tiên Công; truyền thống quai đê lấn biển, phát triển kinh tế biển của những người Thăng Long đi mở đất nơi cửa biển Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh.

Thông qua đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết, bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới, xây dựng con người Quảng Yên, Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phần chính hội (lễ rước người) sẽ diễn ra vào sáng ngày 22/2 (tức mùng 7 Tết), cũng chính là lễ hội dân gian mở đầu cho chương trình Năm du lịch Quốc gia 2018 của tỉnh Quảng Ninh.

Theo truyền thuyết, vùng đảo Hà Nam là do một số nhóm Tiên Công và dân cư từ kinh thành Thăng Long đến đây quai đê, lấn biển, tạo dựng thành. Mỗi độ xuân về, các cụ Tiên Công lại nhớ những buổi hội hè, đình đám chốn kinh thành xưa, nên đã mời các bô lão tuổi tác cao nhất trong làng xã đóng y phục giống như đức vua ngồi lên võng đào, kiệu rồng để con cháu xúm lại nghinh rước lên miếu đường và bày soạn vật phẩm tế lễ. Các hoạt động diễn ra như thể ở triều đình với lọng che, phường nhạc bát âm, hát xướng... dần dần đã hình thành một lễ hội rước người độc đáo của vùng đảo này.

Theo các tư liệu lịch sử, vào thời Lý - Trần đã có một số vạn chài đến vùng đất Quảng Yên ngày nay sinh sống, họ đã dựa vào những gò đất cao trên triều để dãi chài, phơi lưới. Đến đầu thế kỷ XV, khoảng từ năm 1434 - 1500, có 6 nhóm Tiên Công và dân cư đến quai đê lấn biển, khẩn hoang đất đai trồng lúa, lập làng, tạo thành khu đảo Hà Nam.

Để tưởng nhớ công ơn các vị Tiên Công, người dân toàn xã Phong Lưu đã lập miếu thờ thập thất Tiên Công ở thôn Cẩm La để tuần rằm lễ tiết, tứ thời phụng thờ.

Thu Duyên

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/quang-ninh-khai-hoi-tien-cong-va-don-bang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-125111.html