Quảng Ninh: Huy động hơn 10.000 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhữngkết quả tích cực. Điều quan trọng, nhận thức của người dân trong sản xuất đã được thay đổi, tạo đà động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...

Thương hiệu gà Tiên Yên. Ảnh: VĐ

Ngay sau khi đề án được UBND tỉnh phê duyệt, các đơn vị đã chủ động tổ chức thực hiện, qua đó, bước đầu khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; từng bước chuyển nền nông nghiệp quảng canh, tự cung tự cấp sang thâm canh và sản xuất hàng hóa.

Trong 5 năm, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt 14 quy hoạch chiến lược của ngành Nông nghiệp để phát triển sản xuất và thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, cao gấp 6 lần so với thời kỳ trước đó.

Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, trong đó, 16 vùng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ tính trong năm 2017, các vùng sản xuất tập trung đã mở rộng được thêm gần 3.900ha, đạt tổng sản lượng trên 33.500 tấn.

Đáng chú ý, chương trình OCOP đã thực sự trở thành chương trình phát triển kinh tế hiệu quả và đang được nhân rộng trong cả nước. Thông qua OCOP, hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh đã được tiếp sức để trở thành nông sản chủ lực, tăng mạnh về giá trị, thương hiệu, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết tới...

5 năm qua, toàn tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 2.600 tỷ đồng từ ngồn vốn ngân sách Nhà nước và hơn 7.500 tỷ đồng từ các nguồn vốn huy động xã hội hóa để đầu tư cho nông nghiệp. Thu hút 32 dự án lớn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đăng ký 5.167 tỷ đồng...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho biết, sau 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, diện mạo nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã có sự thay đổi rõ rệt.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tỉnh Quảng Ninh cũng rất cần Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có sự điều chỉnh chính sách trong đầu tư công theo hướng ưu tiên cho kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ đối với các ngành hàng chủ lực, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng nông sản.

Đồng thời, cho thực hiện thí điểm chính sách miễn thuế vượt hạn điền để các chủ trang trại, tổ hợp tác mạnh dạn mở rộng đầu tư, quy mô sản xuất lớn và thí điểm một số chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hỗ trợ vốn vay...

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Giang, việc tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết nhằm giải quyết hiệu quả từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp Quảng Ninh sẽ tiếp tục hướng đến trong thời gian tới. Đây sẽ là cú hích cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo tiền đề để nông sản Quảng Ninh có thương hiệu, có cơ hội xuất khẩu, nâng cao giá trị.

Trọng Tài

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/quang-ninh-huy-dong-hon-10000-ty-dong-dau-tu-cho-nong-nghiep_t114c1067n141857