Quảng Ninh: Hòn đá nổi ở ngôi đến thờ TS Vũ Phi Hổ

Khu đồi Mon, thuộc thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), tương truyền rằng: Ngày trước, ở vạt đồi này có một ngôi đền cổ, thờ quan trạng rất linh thiêng. Người lớn đi qua cửa đền phải ngả mũ nón, nghịch như trẻ mục đồng còn phải lễ phép, không ai dám cưỡi trâu thả bò ở đây. Thổ đất này, nay đã trùng tu xây dựng thành một ngôi đền khang trang, không u tịch như trước, nhưng tích thiêng và huyền thoại về hòn đá nổi thì vẫn còn.

Dưới nền đất này còn dấu tích nền nóng ngôi đền thờ vị tiến sĩ đầu tiên ở vùng Đông Bắc cách đây trên 500 năm.

Đền ấy, chính thần thờ cụ Vũ Phi Hổ, người địa phương, đỗ Tiến sĩ khoa thi Tân Mùi năm 1511. Thời Lê Trung Hưng, cụ được triều đình phong chức Phó đô Ngự sử đài. Khi qua đời, cụ được Nhà nước phong kiến cấp phong điền địa, hương hỏa, thường niên nhị kỳ cúng giỗ. 300 năm sau, vua Nguyễn Ánh lên ngôi, xét công trạng người triều trước, còn sắc phong tôn vinh cụ Vũ Phi Hổ là: “Anh nghị Đại vương” (GS Hoàng Giáp, Viện Hán Nôm Việt Nam, tạm dịch là người có công với dân với nước). Nôm na hiểu: Nhà nước phong kiến đã có văn hóa “uống nước nhớ nguồn” tôn vinh hiền tài, người có công với dân với nước.

Nhưng cuộc đời, sự nghiệp và ngôi đền thờ anh linh vị tiến sĩ đầu tiên ở vùng Đông Bắc Việt Nam này cũng thăng trầm và còn nhiều ẩn tích. Lịch sử xã Lê Lợi có nhiều tên gọi khác nhau theo từng triều đại.

Thời Lê Trung Hưng, gọi là làng Thừa Xá, huyện Hoành Bồ, phủ Hải Đông. Cụ Vũ Phi Hổ phát tích từ ngôi làng này, khi lập bia đá tôn vinh nguyên khí quốc gia, bia số 11 ở văn miếu Quốc Tử Giám ghi bằng chữ Nôm. Chữ dư và chữ thừa đồng nghĩa, hai chữ này viết dưới dạng chữ Nôm về tượng hình lại có nét giống nhau, nên nhiều văn bản dịch văn bia ghi cụ Vũ Phi Hổ xuất thân ở làng Dư Xá. Nhưng ở Hoành Bồ lại không có địa danh nào là Dư Xá, chỉ có làng Thừa Xá, tiếng địa phương phát âm chệch là Làng Từa.

Tương truyền Vũ Phí Hổ thủa nhỏ có tích buồn tẻ, không rõ người bố ở đâu, hai mẹ con di cư từ dưới xuôi đến mạn ngược, tá túc ở căn nhà nhỏ bên mép nước sông Cửa Lục. Người mẹ làm thuê cuốc mướn, đánh bắt cá ven bờ nuôi con.

Người con thì chăm ngoan, nhà nghèo nhưng hiếu học, trí tuệ hơn người, khác hẳn lũ trẻ cùng trang lứa trong làng. Khoa thi năm Tân Mùi 1511, vua Lê Tương Dực trực tiếp khảo thí, Vũ Phí Hổ đăng quang Tiến sĩ, Tam giáp đồng nguyên. Khi áo mão về quê, nghịch lý tiến sĩ không được Bản nha Chi huyện võng lọng vinh quy theo nghi thức phong kiến, còn bị miệt thị là dân ngụ cư. TS Vũ Phi Hổ không kìm được cơn tức giận, ông cầm một tảng đá lớn ném xuống ao sâu và có lời nguyền: Bao giờ hòn đá này nổi thì đất này mới có người khoa cử.

TS Vũ Phi Hổ được triều đình phong chức Phó đô Ngự sử, lên kinh thành làm việc, không rõ khi cáo lão từ quan có về Hoành Bồ ở không? Trong một văn tự bằng giấy bổi đã úa nhàu, do một sư làng dịch song ngữ, chữ Nho và Quốc ngữ, giao cho vị lý trưởng làng Thừa Xá có ghi chỉ dụ vua ban hương hỏa, lệ cúng giỗ quan trạng Vũ Phi Hổ phối thờ cùng một vị nhân thần và một vị thiên thần, ân hưởng vào ngày rằm tháng ba.

Vị lý trường khi qua đời có giao bản mộc này cho bố chồng bà Nguyễn Thị Đào, người thôn Đầu Mom, nay là thôn Tân Tiến. Bố chồng và chồng bà Đào nay không còn nữa, bà Đào (trên 80 tuổi) giao bản văn tế ấy cho ông Vũ Đình Lân - Nguyên là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, là cố vấn HĐ dòng họ Vũ - Võ Quảng Ninh, nòng cốt hưng công trùng tu xây dựng lại đền thờ Anh nghị đại vương TS Vũ Phi Hổ.

Như vậy là thiết chế văn hóa, văn bản pháp lý thờ tự người có công của Nhà nước phong kiến là có cơ sở, nét văn hóa ngàn xưa đáng được trân trọng phát huy, còn tích hòn đá nổi ly kỳ chỉ là huyền thoại. Song có sự trùng hợp, sau cụ Vũ Phi Hổ, đất này như một đêm trường im ắng, trên 450 năm không có người học hành thành đạt.

Nay địa phương thực sự tri ân người hiền tài, coi cụ Vũ Phi Hổ là biểu tượng khoa cử ở địa phương. Các nhà trường thường báo công kết quả học tập tại cửa đền thờ vị tiến sĩ đầu tiên ở địa phương, cách đây trên 500 năm. Một số chi họ Vũ Võ ở đây còn lập quỹ khuyến học Vũ Phi Hổ.

Ngôi đền mới với diện tích trên 10.000m2, đầu tư trên 30 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa do nhân dân địa phương, nòng cốt là hội đồng dòng họ Vũ - Võ Quảng Ninh hưng công đóng góp xây dựng, có mô phỏng hòn đá nổi trên ao cá thần, như gỡ được lời nguyền xưa, nay địa phương có nhiều người học hành tiến bộ, thi cử đỗ đạt cao.

GSTS Vũ Minh Giang, nhân kỷ niệm 508 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sĩ đã truyền đạt cho nhân dân địa phương về lịch sử phát triển các dòng họ Việt Nam và truyền thống hiếu học của họ Vũ - Võ.

Ngày giỗ cụ Vũ Phi Hổ - mười rằm tháng ba năm Mậu Tuất này và kỷ niệm 508 năm ngày cụ đăng quang Tiến sĩ, xã Lê Lợi và nòng cốt là hội đồng dòng họ Vũ - Võ Quảng Ninh tổ chức lễ dâng hương trọng thể.

GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đến dự, nói chuyện thời sự về nguồn gốc phát tích các dòng họ Việt Nam và những cống hiến của dòng họ Vũ - Võ trong dựng nước và giữ nước các triều đại.

Hoạt động văn hóa tâm linh bổ ích, thiết thực, được dân địa phương hưởng ứng, khách thập phương đến dự lễ rất đông. Hơi ấm lòng người, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, xóa đi mặc cảm lời nguyền về hòn đá nổi chìm.

Đền thờ TS Vũ Phi Hổ là 1 trong 6 di tích được xếp hạng ở huyện Hoành Bồ, đang trở thành điểm du lịch tâm linh ở địa phương.

Đền thờ Anh nghị Đại vương là 1 trong 6 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng ở huyện Hoành Bồ, biểu tượng niềm tự hào khoa cử ở địa phương. “Danh bất hư truyền” về ngôi đền thiêng đang là điểm du lịch tâm linh níu chân du khách xa gần.

Vũ Phong Cầm

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/quang-ninh-hon-da-noi-o-ngoi-den-tho-ts-vu-phi-ho.html