Quảng Ninh: Hạn chế thấp nhất các vụ TNLĐ trong lao động, sản xuất

An toàn vệ sinh lao động đang là vấn đề được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trong thời gian vừa qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, Quảng Ninh đã chủ động phòng ngừa nên các vụ tai nạn lao động của tỉnh Quảng Ninh đã giảm, vệ sinh lao động được đảm bảo.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, từ tháng 1/2018 đến ngày 14/5/2018, tổng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 10 vụ, làm chết 10 người; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 7 vụ, số người chết giảm 7 người; trong đó các doanh nghiệp có trụ sở trong tỉnh xảy ra 7 vụ, số người chết là 7 người; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 5 vụ, số người chết giảm 5 người. Các doanh nghiệp tỉnh ngoài để xảy ra 3 vụ TNLĐ chết người, làm chết 3 người, so với cùng kỳ 2017 giảm 2 vụ, số người chết giảm 2 người.

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho biết, nguyên nhân trực tiếp của phần lớn các vụ TNLĐ là do người lao động còn chủ quan, lơ là, thiếu ý thức phòng ngừa TNLĐ dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng nghiệp; tuy nhiên, trong các vụ TNLĐ đó cũng có một phần lỗi gián tiếp và trách nhiệm của người quản lý, sử dụng lao động như công tác tổ chức sản xuất, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện, huấn luyện ATVSLĐ, tuyên truyền ý thức, nhận thức về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đối với người lao động chưa hiệu quả.

Trong các vụ TNLĐ thường có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nguyên nhân do cả lỗi của người sử dụng lao động và người lao động như do trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của người lao động còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn chiếm 87,9% số vụ. Công tác tổ chức sản xuất, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hiện trường sản xuất của lãnh đạo; cán bộ các phòng ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất chưa đảm bảo, chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, thiếu sâu sát trong kiểm tra, giám sát nên chưa phát hiện được thiếu sót, tồn tại vi phạm của đơn vị thi công và người lao động để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục chiếm 84,8% số vụ...

Để hạn chế thấp nhất các vụ TNLĐ trong lao động, sản xuất, ông Nguyễn Hoài Sơn cho biết, Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là đơn vị có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ; Tăng cường công tác quản lý ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ, dừng sản xuất, thi công khi phát hiện có nguy cơ xảy ra sự cố, TNLĐ; đặc biệt lưu ý: Lĩnh vực thi công xây dựng công trình trong khu dân cư: yêu cầu thực hiện đầy đủ biện pháp thi công, biện pháp an toàn; công tác quản lý, sử dụng lao động; an toàn làm việc trên cao, an toàn kết cấu giàn giáo, an toàn điện; quản lý, sử dụng các loại máy, thiết bị thi công công trình; Lĩnh vực khai thác chế biến đá: yêu cầu các đơn vị tổ chức thi công, cắt tầng khai thác theo đúng thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, biện pháp kỹ thuật an toàn trong khai thác, chế biến đá.

Bên cạnh đó, tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề; ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tiếp tục tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, phường trong việc thống kê, báo cáo TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động; lập biên bản ghi nhận TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức rà soát lại công tác ATVSLĐ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về ATVSLĐ, đặc biệt là Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ. Tăng cường công tác tự kiểm tra tại doanh nghiệp và có biện pháp kịp thời để chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại. Tổ chức đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ để có các giải pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; thực hiện việc kiểm tra, kiểm định định kỳ và khai báo theo quy định.

Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, tính tự chủ của người lao động trong công tác ATVSLĐ. Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn đầy đủ cho người lao động trước khi bố trí làm việc...

An toàn vệ sinh lao động đang là vấn đề được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện

An toàn vệ sinh lao động đang là vấn đề được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện

Tăng cường công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực xây dựng công trình

Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, trong thời gian qua, trên địa bàn Tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ sự cố, TNLĐ nghiêm trọng trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình. Để tăng cường các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ trong thi công xây dựng, Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ trong xây dựng: Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác ATVSLĐ, môi trường trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư xây dựng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vi phạm về ATVSLĐ, môi trường trong thi công xây dựng công trình; hướng dẫn giải quyết sự cố mất an toàn kỹ thuật trong thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật; tăng cường quản lý về ATVSLĐ đối với các công trình xây dựng trên địa bàn, trong đó có các công trình xây dựng nhà ở trong khu dân cư...

Bên cạnh đó chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo ATVSLĐ trên các công trường xây dựng theo các quy định nêu trên. Đặc biệt chú ý đến việc quản lý, sử dụng các loại máy, thiết bị; an toàn giàn giáo; hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, lan can, rào chắn công trình; việc quản lý, sử dụng lao động, huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe cho người lao động; biện pháp an toàn trong thi công. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; dừng hoặc tạm đình chỉ thi công để khắc phục đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về ATVSLĐ, có nguy cơ xảy ra TNLĐ.

Đối với các chủ đầu tư cần xác định rõ vai trò quan trọng, trách nhiệm to lớn của chủ đầu tư trong công tác đảm bảo ATVSLĐ tại các công trình. Yêu cầu nhà thầu khắc phục, đảm bảo điều kiện ATVSLĐ mới được thi công; chỉ nghiệm thu, thanh toán khi công trình đảm bảo các điều kiện về ATVSLĐ.

Đối với các đơn vị thi công xây dựng thực hiện việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động; thực hiện việc ký hợp đồng lao động; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; phân công, bố trí người lao động làm việc theo đúng ngành nghề, công việc được đào tạo. Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động theo quy định tại Nghị định của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn, huấn luyện ATVSLĐ, quan trắc môi trường lao động;Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, dây đai an toàn; hướng dẫn cách sử dụng cho người lao động theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/2/2014 của Bộ Lao động - TB&XH hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; Tăng cường công tác quản lý máy, thiết bị: tất cả các máy, thiết bị phải có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; xây dựng nội quy, quy trình vận hành và xử lý sự cố; công nhân vận hành phải có chứng chỉ nghề, được huấn luyện về AT-VSLĐ.

Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ và bệnh nghề nghiệp” được tổ chức từ 1-31/5 trên phạm vi toàn tỉnh cũng đã được đánh giá cao. Theo đó, các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh đồng loạt đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ. Tùy theo điều kiện thực tế, các Sở, ngành, địa phương thực hiện tổ chức một số hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ hướng vào chủ đề của Tháng hành động.

Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; về thực thi hiệu quả Luật ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh. Các Sở, ngành, địa phương cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Đồng thời, tổ chức một số hoạt động xã hội, cộng đồng lồng ghép về ATVSLĐ như: thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ có nội dung tuyên truyền về ATVSLĐ. Trước, trong và sau Tháng hành động, các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn sẽ được đẩy mạnh, tập trung vào việc tuyên truyền theo chủ đề của Tháng hành động.

VŨ MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quang-ninh-han-che-thap-nhat-cac-vu-tai-nan-lao-dong-trong-lao-dong-san-xuat-d78686.html