Quảng Ninh: GS.TSKH Vũ Minh Giang sơ bộ có ý kiến về thần tích đền Xã Tắc

Gần đây, có một số tờ báo và trang mạng nêu vấn đề về đền thờ Xã Tắc ở TP Móng Cái xây dựng không có nguồn gốc rõ ràng, địa phương tự bịa đặt ra sự tích, rồi tự ý dựng đền, xây miếu. Họ còn đưa tin rằng đây là ngôi đền thờ 'Mã Viện'. Trước những lời đồn đoán trên, GS.TSKH Vũ Minh Giang - nhà văn hóa, nhà sử học lớn của Việt Nam đã thực tế tại địa phương và có nhận xét sơ bộ về đền Xã Tắc.

Đền Xã Tắc được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005 (Quyết định số 2332/QĐ-UBND, ngày18/7/2005).

Theo đó, tại chuyến thực tế tại địa phương, ông đã được lãnh đạo TP Móng Cái cho biết: Địa phương trùng tu, xây dựng đền Xã Tắc thì dư luận báo chí, các ngành, các cấp và đông đảo nhân dân hưởng ứng. Đây là công trình xây dựng đáp ứng đời sống văn hóa tâm linh các tầng lớp nhân dân, đồng thời là cơ sở giáo dục truyền thống văn hiến ngàn xưa của dân tộc, mà vốn có ở nơi biên ải này.

Gần đây một số có tờ báo, trang mạng không đồng thuận với việc Móng Cái trùng tu công trình xây dựng đền Xã Tắc; và phục dựng lễ hội đền Xã Tắc, cho rằng đây là ngôi đền thờ một vị quan đại thần của triều đại phong kiến Trung Quốc. Ngày 24/11/2018, TP Móng Cái đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học gồm các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học “gạo cội” ở Trung ương và địa phương dự tham luận.

GS.TSKH Vũ Minh Giang làm việc với lãnh đạo TP Móng Cái về công trình Di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Xã Tắc đang có thông tin khác nhau.

Cuộc hội thảo khoa học đã thống nhất kết luận: Đền Xã Tắc là một công trình văn hóa cổ đại, có trầm tích minh thông. Ngày 18/7/2005, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 2332/QĐ-UBND công nhận đền Xã Tắc là Di tích lịch sử - văn hóa. Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép TP Móng Cái phục hồi công trình xây dựng giai đoạn I, giao cho Ban trị sự Hội phật giáo Quảng Ninh phục dựng giai đoạn II là đúng.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết: “Đền Xã Tắc trầm tích minh thông với 6 di vật quý gồm thần vị, bài vị và phi vật thể nghi thức tế lễ... những điều này không ai ngụy tạo được”.

GS.TSKH Vũ Minh Giang đã xem xét thận trọng các hiện vật còn lưu giữ, hồi cố khoa lễ dạng phi vật thể ở đền Xã Tắc. GS-TSKH Vũ Minh Giang bước đầu có nhận xét: “Đền Xã Tắc còn lưu giữ được 6 di vật quý, gồm 3 thần vị, 3 bài vị chế tác từ đá sa thạch/kết cát, dạng nhị cấp, gộp lưỡng thành cao 235,5cm, dày 39,5cm, bản 34-65,5cm. Văn bia ghi chép rõ ràng: Năm 1879 (Kỷ Mão) đền thờ Xã Tắc đại vương được trùng tu, niêm yết danh sách những người hưng công, có người họ Bùi, chức quan Phủ Chánh sứ, vị quan đứng đầu tỉnh lỵ ngày đó”.

Nghi lễ đền Xã Tắc đặc sắc văn hóa người Việt, nét Trần triều như: Lễ cấp thủy lấy nước ở sông Bắc Luân rước về đền Xã Tắc tương tự như lễ rước nước từ hồ Trại Lốc đưa về Thái Miếu (Đông Triều).

Tích đền Xã Tắc trùng tu năm 1879, minh chứng ngôi đền này được xây dựng trước đó xa, khi hỏng mới phải trùng tu sửa chữa. Như vậy, đền Xã Tắc là công trình xây dựng có trầm tích, có khoa lễ... địa phương không thể bịa ra sự tích để xây dựng đền miếu.

Thần vị, văn bia ghi chép đền Xã Tắc trùng tu năm 1879 (Kỷ Mão), danh sách người hưng công có vị quan đứng đầu tỉnh lỵ họ Bùi

GS.TSKH Vũ Minh Giang còn cho biết trên thần vị ghi: “Cảnh chủ đại vương xã tắc thần...”, (tạm dịch: Đền thờ bản quan cai quản vùng đất này). Không ai ngụy tạo ra văn bia được. Điều đó chứng minh, ngôi đền chỉ thờ thần chủ Xã tắc Đại Vương, tuyệt nhiên không thấy dòng chữ cổ nào ghi là đền thờ quan lại phong kiến Trung Quốc. Có thể thấy tất cả những điều nêu ở trên là có cơ sở khoa học, chưa xét về các phương diện khác”.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Bùi Ánh Hồng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/quang-ninh-gstskh-vu-minh-giang-so-bo-co-y-kien-ve-than-tich-den-xa-tac.html