Quảng Ninh duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá trong 6 tháng đầu năm 2020

Với sự vào cuộc của chính quyền, sự chung tay của doanh nghiệp và người dân, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo các mục tiêu duy trì, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm.

Tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức khá

Mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh Quảng Ninh vẫn tăng 5,7% - mức tăng trưởng cao so với các tỉnh thành khác trong cả nước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn 5,8% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn 4% so với chỉ tiêu kịch bản đặt ra.

Đáng chú ý, cả 3 khu vực kinh tế là nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất (8,5%) và tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, động lực chính tăng trưởng là ngành khai khoáng tăng 4,9% chiếm tỷ trọng 20,6% GRDP, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2%, chiếm gần 10% GRDP; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt tăng 14,5%, chiếm 18,5% GRDP. Riêng khu vực nông – lâm – thủy sản duy trì ổn định, tăng 3,1%.

Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2020 trong chuỗi các sự kiện khởi động mùa du lịch Hạ Long 2020, góp phần phục hồi, phát triển du lịch tỉnh sau ảnh hưởng của dịch Covid-19

Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2020 trong chuỗi các sự kiện khởi động mùa du lịch Hạ Long 2020, góp phần phục hồi, phát triển du lịch tỉnh sau ảnh hưởng của dịch Covid-19

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn ghi nhận tăng 0,2%. Tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai các giải pháp mạnh, kích cầu du lịch với nhiều hoạt động và chương trình khuyến mại như miễn giảm phí vào các điểm thăm quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng tỉnh, danh thắng Yên Tử, khai trương Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, tổ chức chương trình nghệ thuật Chào hè Hạ Long, Hội chợ OCOP, tổ chức xúc tiến kích cầu du lịch tại một số tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk…). Nhờ có các giải pháp kích cầu kịp thời, đến nay các hoạt động du lịch, dịch vụ đã có những dấu hiệu khởi sắc. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh 6 tháng ước đạt 4,19 triệu lượt, bằng 64% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 8.280 tỷ đồng, bằng 52% cùng kỳ, thu ngân sách từ du lịch, dịch vụ đạt 1.275 tỷ đồng, chiếm 7,1% thu nội địa.

Tình hình cung, cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn được đảm bảo, các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, giá cả cơ bản ổn định, chất lượng đảm bảo… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 57.068 tỷ đồng, tăng 4,1% cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 928 triệu USD, tăng 3,6% cùng kỳ. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: Than, tơ sợi, xi măng, quần áo các loại… Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh đạt 1.480 triệu USD, tăng 10,3% cùng kỳ. Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đạt 452,2 triệu USD.

Nhiều hạn chế cần được khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh vẫn còn những hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và điều kiện nguồn lực, không đạt chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng. Hay tiến độ giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm còn chậm, tính đến 15/6/2020 tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 25,6% kế hoạch.

Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn ở tất cả các loại hình, quy mô doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ có 910 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 31,7% kế hoạch, giảm 20% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 400 doanh nghiệp, giảm 9% cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 6/2020 là 20.195 đơn vị, với tổng số vốn đăng ký 190.438 tỷ đồng. Doanh nghiệp có khó khăn, buộc phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 650 doanh nghiệp, tăng 32% cùng kỳ và 225 doanh nghiệp giải thể, tăng 70% cùng kỳ.

Ngoài ra, đời sống của một bộ phận người lao động, người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số chính sách hỗ trợ có nơi vẫn còn chậm. Một phần là do sự phối hợp giữa các sở, ngành và địa - phương chưa chặt chẽ, kịp thời, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Quảng Ninh vẫn giữ mục tiêu phát triển kinh tế

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ nguyên mục tiêu kinh tế đặt ra ban đầu là tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt khoảng 12%, tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu không thấp hơn 48 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt tối thiểu 37 nghìn tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu trên 11 tỷ đồng.

Trong các tháng tiếp theo, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch, tập trung vào thị trường du lịch nội địa, thị trường Đông Bắc Á và khách du lịch đến từ các quốc gia, vùng đã kiểm soát được dịch bệnh đến Quảng Ninh, quảng bá tốt hình ảnh cho du lịch Hạ Long – Quảng Ninh là điểm đến du lịch “An toàn – Thân thiện – Hấp dẫn” và trở thành lựa chọn hàng đầu của du khách.

Nhờ nhiều biện pháp kích cầu du lịch hiệu quả, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, du lịch, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản sôi động trở lại

Đồng thời tỉnh Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, giao lưu hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hỗ trợ tối đa các hoạt động thông quan, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại và xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu và lối mở. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển mạnh thị trường, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đặc biệt tỉnh cũng đẩy mạnh tạo điều kiện để các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn được chú trọng, nhất là đẩy nhanh tốc độ tái đàn lợn, nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản để phục vụ nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu. Đồng thời phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch dịch vụ để thúc đẩy tiêu thụ, kích thích sản xuất hàng hóa.

Tiến Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ninh-duy-tri-muc-tang-truong-kinh-te-kha-trong-6-thang-dau-nam-2020-139885.html